Sớm hoàn tất công tác chuẩn bị để chủ động nắm bắt cơ hội của Hiệp định EVFTA

Sáng 26/2/2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị trong Bộ (Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xúc tiến thương mại…) về công tác chuẩn bị triển khai thực hiện EVFTA khi Hiệp định được Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Chính sách thương mại đa biên là đầu mối xây dựng lộ trình cụ thể, phối hợp với Bộ, ngành để sớm hoàn tất hồ sơ, khuôn khổ pháp lý, những cam kết cụ thể từ phía Việt Nam khi vào sân chơi chung EU. Bởi nếu Hiệp định EVFTA được Quốc hội Việt Nam thông qua và kịp làm thủ tục thông báo với Liên minh châu Âu thì có thể ngay từ ngày 1/7/2020, hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương cho biết, việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA ngày 12/2 vừa qua đã khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo quy định, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực. Các Bên cũng có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác để đưa Hiệp định vào thực thi.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái báo cáo tại cuộc họp

Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2016, quy trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA có 3 bước gồm: (1) Bộ Công Thương trình hồ sơ phê chuẩn liên Chính phủ sau khi đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành; (2) Chính phủ trình hồ sơ lên Chủ tịch nước; và (3) Chủ tịch nước trình hồ sơ lên Quốc hội xem xét việc phê chuẩn.

Ông Lương Hoàng Thái cho biết, trong công tác thực thi có hai nhiệm vụ lớn Bộ Công Thương cần phải tiến hành ngay trong thời gian tới, đó là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ, xây dựng Kế hoạch công tác của Bộ Công Thương về việc thực thi Hiệp định EVFTA.

Đối với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ông Lương Hoàng Thái đề xuất các đơn vị trong Bộ sớm soạn thảo các văn bản lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chủ động sẵn sàng đưa các văn bản vào thực thi khi đã được phê chuẩn.

Đối với xây dựng Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ và Kế hoạch công tác của Bộ Công Thương về việc thực thi Hiệp định EVFTA, phải có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để ban hành chính sách hiệu quả.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vào 3 nhóm vấn đề lớn cần phải tập trung: Hoàn tất cơ sở pháp lý; Phối hợp với EU để thúc đẩy và vận hành Hiệp định; Tổ chức và triển khai Hiệp định trong năm 2020.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, trong năm 2020, bối cảnh kinh tế khó khăn, diễn biến dịch bệnh phức tạp, khối lượng công việc liên quan đến hoàn tất cơ sở pháp lý nhiều và gấp rút, phải đẩy nhanh để không bỏ lỡ cơ hội. Đây cũng chính là nhiệm vụ chủ chốt Bộ phải làm gấp.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Chính sách thương mại đa biên làm rõ cơ chế vai trò của các cơ quan đầu mối trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách thực thi Hiệp định để báo cáo Thủ tướng.

Các đơn vị phải tự đánh giá lại các nhiệm vụ của mình và rà soát lại cam kết hội nhập và chương trình hành động cụ thể.

Nếu không cung cấp được chính sách pháp luật tốt thì chúng ta sẽ không thể kịp trong tháng 7 – khi Hiệp định đi vào thực thi” Bộ trưởng cho hay.

Đối với lĩnh vực Xuất nhập khẩu, Bộ trưởng yêu cầu trong công tác phê chuẩn cũng như thực thi Hiệp định sắp tới phải tạo mọi điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, giảm thiểu thủ tục hành chính; cũng như đánh giá những tác động cụ thể tới từng nhóm mặt hàng, từng ngành nghề, đối tượng cụ thể, cũng như lợi thế cạnh tranh, cơ hội có thể tiếp cận từ Hiệp định…

Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cụ thể hóa được đặc điểm chỉ dẫn địa lý từng thị trường trong khu vực; trên cơ sở đó xây dựng tiêu chuẩn, định hướng, đảm bảo bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường mới cũng như tận dụng được những lợi thế, cơ hội mà Hiệp định mang lại; đồng thời cần có định hướng rõ cho cộng đồng doanh nghiệp những quy định, quy chuẩn về chỉ dẫn địa lý và sức ép cạnh tranh mà doanh nghiệp đối mặt khi thực hiện Hiệp định.

Đối với Cục phòng vệ thương mại, Bộ trưởng đánh giá, quan hệ của Việt Nam và Châu Âu đang rất tốt từ trước tới nay. Do đó, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy, khai thác tối đa lợi thế này. Trong thời gian tới, dưới các hình thức phù hợp, Cục phải tham vấn các chính sách, quy định về công tác phòng vệ thương mại, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam các kiến thức hội nhập và phòng vệ thương mại. Chúng ta cần có những chỉ dẫn, giải pháp để doanh nghiệp áp dụng được cơ chế ưu đãi của Hiệp định, nhưng cũng phải có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Trong những tháng tới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị phải quyết liệt tập trung hoàn tất cơ sở pháp lý để tiến tới phối hợp với EU tổ chức thực thi Hiệp định một cách hiệu quả và thành công nhất.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005160
Views Today : 60
Views This Month : 2759
Views This Year : 10667
Total views : 71207
Language
Skip to content