Tạo vị thế cho hàng Việt tại thị trường nông thôn

Chương trình ‘Đưa hàng Việt về nông thôn’ (Chương trình) từ lâu được xem là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, khiến người tiêu dùng nông thôn vốn còn xa lạ với các thương hiệu Việt có uy tín, nay lại càng ‘mù mờ’ hơn. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp cần có những cách tiếp cận thị trường mới, hiệu quả để thương hiệu Việt ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, nhất là tại các vùng quê.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Trong những năm qua, Chương trình thực hiện ở một số địa phương được đánh giá vẫn còn nặng tính phong trào, thiếu sự bền vững; nhiều địa phương thiếu vắng những chuyến hàng đến tận vùng sâu, vùng xa do bản thân doanh nghiệp (DN) tham gia vấp phải không ít khó khăn. Nguyên nhân bởi phần lớn kinh phí thực hiện Chương trình đều do DN tự trang trải, thiếu sự hỗ trợ từ địa phương vì ngân sách còn hạn chế. Từ đó, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tin dùng vào các sản phẩm mang thương hiệu Việt không đạt được như kỳ vọng.

Một số DN khi tham gia Chương trình cho biết: Việc bán hàng lưu động ở nông thôn rất gian nan, từ việc tìm địa điểm bán hàng, đến các khâu tuyên truyền, quảng bá. Để thu hút người dân, DN luôn phải chạy các nhóm hàng khuyến mại, bán thấp hơn giá bán tại thành phố. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ của địa phương lại chưa đủ động lực khích lệ cho nên đôi lúc các DN còn ngại tham gia. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của DN khi tiếp cận thị trường này chính là việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân nơi đây. Phần lớn người tiêu dùng nông thôn vẫn thường so sánh giá bán giữa hàng hóa chính hãng của công ty phân phối và hàng hóa không rõ nguồn gốc do tiểu thương trên địa bàn đưa vào lưu thông để đưa ra quyết định mua hàng. Chính vì thế, doanh thu bán hàng của DN khi tham gia Chương trình bị ảnh hưởng không nhỏ. Hơn nữa, thời gian tổ chức Chương trình ngắn, chỉ từ ba đến năm ngày cũng khiến hiệu quả chưa cao, dẫn tới doanh thu bán hàng không đủ bù chi phí bỏ ra. Đây là bài toán khó với DN để bảo đảm lợi nhuận phù hợp, cho nên nhiều khi DN phải xin ban tổ chức kéo dài thời gian bán hàng để bù lỗ.

Tìm cách tiếp cận hiệu quả

Một nguyên nhân khác khiến các DN vẫn chưa mặn mà tham gia là do DN chưa hiểu đúng về ý nghĩa của Chương trình để có cách tiếp cận thị trường hiệu quả. Các DN vẫn xem Chương trình chỉ là một đợt bán hàng thông thường, sau một vài đợt tham gia, doanh thu, lợi nhuận thấp, thu không đủ chi cho nên không muốn tiếp tục tham gia. Chính điều này đã gián tiếp tạo điều kiện cho các “chân rết” đưa hàng kém chất lượng, hàng nhái về các thị trường nông thôn tiêu thụ. Vì vậy, để tiếp cận và khai thác tốt thị trường nông thôn các DN phải xác định đâu là điểm cần tập trung bán hàng và việc hiểu rõ tập quán, thói quen, hành vi mua hàng của người tiêu dùng nông thôn chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công. Có thể thời gian đầu, DN tiếp cận thị trường nông thôn chỉ bằng những mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: nước mắm, mì chính, dầu ăn,… hóa mỹ phẩm như dầu gội đầu, nước rửa bát, bột giặt,… với mức giá bình dân rồi sau đó mới đến những sản phẩm đắt tiền khác.

Đáng chú ý, DN cần thay đổi tư duy, phải mang những sản phẩm mà thị trường nông thôn chưa có, cần thiết, chứ không phải là hàng hóa ế ẩm ở thị trường thành phố đem về. Bên cạnh chất lượng sản phẩm phải bảo đảm, DN cần hiểu được nhu cầu, mức sống, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng nông thôn để có những điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp. Ngoài ra, các DN cũng cần có chiến lược ma-két-ting tại khu vực nông thôn khác với thành phố. Bởi người nông thôn thích được tặng quà, DN có thể dùng quà tặng để thu hút người dân đến các phiên chợ hàng Việt thay vì giảm giá như thường làm.

Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố ưu tiên giá rẻ, việc thiếu kênh phân phối vững chắc cũng là nguyên nhân chính khiến thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao vẫn còn chưa được người dân nông thôn biết đến. Thực tế, số lượng DN có các điểm, đại lý bán hàng cố định tại các khu vực miền núi, nông thôn chưa nhiều, chủ yếu là các chuyến xe lưu động, cho nên khó thay đổi thói quen trong lựa chọn hàng hóa của người dân nông thôn. Và điểm yếu lớn nhất trong phân phối bán lẻ Việt Nam hiện nay là các tiểu thương ở nông thôn chỉ mua cái gì mà họ bán được.

Để thuyết phục họ bán những sản phẩm mới, buộc lòng các DN phải làm cho người tiêu dùng nơi đó yêu thích sản phẩm đó. Để làm được, chắc chắn phải mất nhiều thời gian và như vậy, điểm bán hàng lưu động sẽ không đáp ứng được điều này. Mặt khác, trong quá trình triển khai Chương trình, nhiều DN chỉ làm “cho xong”, vì thế thường không khảo sát nhu cầu tiêu dùng thực tế, dẫn đến cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp.

Có thể thấy, lý do khiến các DN còn e dè khi tiếp cận thị trường nông thôn là bởi họ còn băn khoăn về sức mua cũng như chưa có đủ nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới phân phối tại đây. Để có thể khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này, các DN cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận thị trường với chiến lược kinh doanh dài hạn, bài bản, trong đó hết sức chú trọng xây dựng, mở rộng kênh phân phối, để người dân nông thôn thường xuyên có cơ hội lựa chọn hàng có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng; từ đó kiên quyết không mua, sử dụng các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, DN cũng cần nghiên cứu cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm,… bảo đảm sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực nông thôn.

Mặt khác, thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục có nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ và vận động DN tham gia Chương trình. Đồng thời, các địa phương phải tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ đầu mối. Chỉ khi thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thì thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao mới được người tiêu dùng nông thôn nhận diện và tin dùng. Từ đó, hàng Việt Nam mới có thể dần chiếm lĩnh và trụ vững tại thị trường này.

                                                             Mai Hùng (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 101
Views This Month : 2617
Views This Year : 10525
Total views : 71065
Language
Skip to content