Thực thi EVFTA: Những nhóm giải pháp trọng tâm

Dự kiến, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn một khối lượng công việc khổng lồ để hai bên có thể đưa hiệp định vào cuộc sống.

Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề: “EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14/2, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết, khi EU đã ký kết và phê chuẩn hiệp định này, có nghĩa là EU đã gián tiếp thừa nhận nỗ lực cải cách xây dựng cơ chế kinh tế thị trường, tin cậy vào cam kết của Việt Nam. Bên cạnh lợi ích mang lại như giảm thuế, thông qua Hiệp định EVFTA, Việt Nam còn có được niềm tin của các nước EU – thế lực chính trị hàng đầu thế giới, thị trường lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

Còn ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho rằng, việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA ngày 12/2 vừa qua đã khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực; khẳng định Việt Nam – từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế – lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu trong quan hệ thương mại với EU.

Cũng theo ông Lương Hoàng Thái, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chuẩn bị ngay chương trình hành động để Quốc hội phê chuẩn và sau đó đi vào thực thi thì chúng ta đã sẵn sàng các cơ chế để làm sao hiệp định đi vào cuộc sống.

Điểm đầu tiên cần được lưu ý, đó là cần đồng bộ hóa được các cơ chế, chính sách khi tham gia FTA thế hệ mới này. Cụ thể, hài hòa quá trình cải cách thể thế, cải cách thủ tục hành chính. “Đây là nhóm giải pháp rất lớn” – ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ phải có những cơ chế cung cấp thông tin để doanh nghiệp hiểu, nắm rõ quy định của hiệp định so với cơ chế hiện hành như thế nào để làm sao chuyển đổi cơ chế một cách phù hợp.

Đáng chú ý, EVFTA được xây dựng trên cơ chế là hai bên cùng được hưởng lợi. Quy định về quy tắc xuất xứ được đưa ra rất chặt chẽ nên cần tránh trường hợp hàng nước khác chuyển tải về Việt Nam để hưởng những ưu đãi về thuế. Bản thân EU không muốn đối tác khác mượn đường để hưởng lợi ích đó và chúng ta lại càng không muốn điều đó. Do đó, cần có những giải pháp để doanh nghiệp áp dụng được cơ chế ưu đãi của Hiệp định, nhưng cũng phải có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm. Đặc biệt, nếu có vi phạm của một doanh nghiệp, EU có thể đưa ra hạn chế đối với cả ngành đó. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước. Sẽ rất đáng tiếc nếu để xảy ra trường hợp như vậy.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, để thực hiện EVFTA, cần có vai trò rất quan trọng của Chính phủ trong cải cách thể thế. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ, chúng ta có lực lượng lao động đông đảo và chi phí thấp nhưng liệu có đủ khả năng hấp thụ dòng vốn đầu tư chất lượng cao hay không vẫn là một bài toán khó. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Vì vậy, Chính phủ cần tháo gỡ được bài toán thể chế để có cách thức huy động nguồn vốn toàn dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nếu Hiệp định EVFTA được Quốc hội Việt Nam thông qua và kịp làm thủ tục thông báo với Liên minh châu Âu thì có thể ngay từ ngày 1/7/2020, hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.

Nguồn: Báo công Thương




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 112
Views This Month : 2628
Views This Year : 10536
Total views : 71076
Language
Skip to content