Thứ nhất, thực trạng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản giai đoạn 2015-2017 trên địa bàn tỉnh:
– Thực trạng ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản:
+ Trên địa bàn tỉnh hiện có 06 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản (trong đó: 01 nhà máy sản xuất ván dán; 02 nhà máy sản xuất đũa, 02 nhà máy sản xuất miến dong, 02 nhà máy sản xuất giấy đế; 01 nhà máy chế biến chè Polyen) và có các cơ sở, hộ cá thể đầu tư các xưởng sản xuất, chế biến nông, lâm sản có quy mô nhỏ lẻ, có đóng góp nhất định vào giá trị sản xuất chung của ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản;
+ Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có tổng số 314 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản gồm có 53 doanh nghiệp, 261 hộ kinh doanh cá thể. Trong số 314 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản có 95 cơ sở ván bóc, 14 cơ sở băm dăm (dăm mảnh), 36 cơ sở xẻ gỗ, 169 cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng. Nhìn chung cơ bản là các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, công nghệ chế biến còn ở trình độ hạn chế, tỉnh chưa có nhà máy chế biến công nghệ cao và quy mô phù hợp, chủ yếu là chế biến thô hoặc tiêu thụ gỗ tròn do đó cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện để các đơn vị phát triển từ khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
– Tình hình trồng, khai thác nông, lâm sản phục vụ công nghiệp chế biến giai đoạn 2015 – 2017:
+ Tổng diện tích rừng trồng từ năm 2015 – 2017 phục vụ cho công nghiệp chế biến là 16.321 ha, chủ yếu là trồng mới trên diện tích đất trống đồi núi trọc, cải tạo rừng tự nhiên là rừng sản xuất nghèo kiệt, trồng cây phân tán và diện tích trồng lại rừng sau khai thác trắng rừng trồng. Trong giai đoạn 2015 – 2017 đã khai thác rừng trồng đến tuổi khai thác (rừng trồng từ năm 2008 – 2011) với diện tích 7.627 ha, khối lượng khai thác là 187.352 m3. Trong đó khối lượng gỗ rừng trồng khai thác phục vụ cho chế biến trong tỉnh với các loài cây keo, bạch đàn, thông, mỡ, bồ đề, xoan, sao đạt khoảng 40% tương đương 74.941 m3. Xuất bán gỗ tròn ra ngoài tỉnh khoảng 60% tương đương 112.411 m3;
+ Tổng diện tích trồng cây nông sản trong giai đoạn từ năm 2015 – 2017 là 46.074 ha với sản lượng khai thác là 246.889 tấn, trong đó sản lượng phục vụ chế biến trong tỉnh là 178.650 tấn, xuất bán ra ngoài tỉnh là 68.239 tấn với các loại nông sản chủ yếu như: Cây công nghiệp là cây chè, cây thuốc lá và cây lương thực thực phẩm: Lúa, ngô, đỗ tương, dong riềng…
– Công tác quy hoạch, định hướng trồng nguyên liệu nông, lâm sản có thể phục vụ công nghiệp chế biến của ngành trong giai đoạn 2015 – 2017.
+ Thực hiện các Nghị quyết của tỉnh và Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng đến năm 2020: Trong giai đoạn 2015 – 2017 đã huy động các thành phần kinh tế tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, bình quân hàng năm trồng 44.972 ha cây nông sản và trồng rừng, bình quân hàng năm trồng khoảng 7.000ha cây lâm nghiệp phục vụ cho sinh hoạt của người dân cũng như công nghiệp chế biến;
+ Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và ổn định phục vụ cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản trong và ngoài tỉnh… Chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang quy mô HTX, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến nông sản nhằm tăng giá trị trong sản xuất. xây dựng thương hiệu, sản xuất an toàn theo chuỗi bền vững, hiệu quả;
+ Vận động người dân đăng ký tham gia thực hiện Dự án KfW8 mục đích cải thiện rừng keo của các hộ gia đình thông qua việc tỉa thưa dựa trên chất lượng rừng nhằm tạo ra rừng cây gỗ lớn, tăng sinh khối gỗ, tăng giá trị kinh tế cho người dân và cấp chứng chỉ rừng FCS với 322 chủ rừng trên tổng diện tích là 921,41 ha, để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, tiến tới xây dựng thương hiệu, cấp chứng chỉ rừng để phát triển rừng bền vững, hiệu quả, người dân có thể làm giàu từ lâm nghiệp.
Thứ hai, về tồn tại, hạn chế của ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản trong giai đoạn 2015 – 2017
– Hiện nay, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp theo hình thức hộ gia đình là chủ yếu, sản xuất nông nghiệp ở mức thâm canh thấp, diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông khó khăn, thiếu vốn sản xuất, đồng thời ý thức của một số tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chưa cao, vẫn còn tư tưởng ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên khó hình thành vùng nguyên liệu nông, lâm sản tập trung nên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến nông, lâm sản có quy mô lớn;
– Quỹ đất lâm nghiệp tập trung quy mô lớn để trồng mới rừng sản xuất ngày càng hạn hẹp, diện tích chưa trồng phần lớn là ở vùng cao, vùng xa, điều kiện lập địa khó khăn, chỉ có thể phát triển trồng cây bản địa lâu năm, quy mô diện tích đất lâm nghiệp của mỗi hộ gia đình nhỏ lẻ. Các hộ gia đình chủ yếu là ở vùng núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên trồng rừng quảng canh, chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập dẫn đến chất lượng gỗ rừng trồng không cao, thậm chí người dân còn bán gỗ non khiến cho giá trị kinh tế thấp. Vì vậy, việc kéo dài thời gian khai thác rừng để kinh doanh gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến là hết sức khó khăn;
– Việc đầu tư trồng rừng của các thành phần kinh tế vẫn còn manh mún, chưa tập trung, chưa tạo ra được vùng nguyên liệu có qui mô lớn để phục vụ hoạt động chế biến, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm sản còn thấp trong cơ cấu ngành công nghiệp, chưa phát huy đúng với tiềm năng về tài nguyên đất rừng của tỉnh; cơ sở hạ tầng phục vụ cho lâm nghiệp còn rất thiếu, đặc biệt là hệ thống đường lâm nghiệp, đường giao thông ảnh hưởng đến công tác thu mua, vận chuyển làm tăng chi phí sản xuất của các cơ sở chế biến;
– Hoạt động khai thác, chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, chưa đa dạng về sản phẩm, bên cạnh một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như miến dong, đũa xuất khẩu thì các sản phẩm còn lại đều chủ yếu là dạng sơ chế như: Ván mỏng (bóc), dăm mảnh, thanh gỗ xẻ.
Thứ ba, mục tiêu, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản đoạn đoạn 2018 – 2020.
– Về mục tiêu: Phấn đấu giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản (theo giá so sánh 2010) đến năm 2020 đạt trên 300 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản chiếm trên 25% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp. Trồng mới và chuyển đổi chu kỳ từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn là 10.000 ha phục vụ công nghiệp chế biến. Tập trung hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm sản đang hoạt động tiếp tục ổn định sản xuất theo công suất thiết kế. Rà soát các cơ sở chế biến nông, lâm sản có sản phẩm hàm lượng công nghệ thấp để hỗ trợ chuyển đổi, ứng dung khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm tinh chế, hoàn thiện và có giá trị gia tăng cao. Sử dụng các chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho các cơ sở chế biến nông, lâm sản nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ và phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, rà soát các dự án đã cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, hoạt động không hiệu quả để có giải pháp xử lý.
-Về giải pháp: Xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020.
– Định hướng sản xuất nông, lâm sản gắn chặt với phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững nhằm phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng đối với một số loại cây nguyên liệu phục vụ chế biến như: Gỗ, lâm sản, chè, thuốc lá, …
– Thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu, bảo quản các sản phẩm rau, củ, quả, gỗ rừng trồng, lâm sản. Thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển lâm nghiệp bền vững tiến tới cấp chứng chỉ rừng FSC.
– Đẩy mạnh sự liên kết giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp để hoạt động khai thác, chế biến sản phẩm nông, lâm sản phát triển một cách bền vững, có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Khuyến khích các mô hình liên kết giữa các chủ rừng với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
– Khuyến khích công tác trồng rừng sản xuất, đặc biệt là rừng xản xuất gỗ lớn nhằm nâng tỷ lệ diện tích rừng trồng, đảm bảo nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
– Tiếp tục đẩy mạnh nâng cấp đầu tư trang thiết công nghệ đối với các dự án đã đầu tư ở giai đoạn trước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, thương hiệu phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích mọi hình thức đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm trên địa bàn tỉnh.
Nông Thị Thảo – Sở Công Thương