Tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản tỉnh Bắc Kạn và giải pháp phát triển thị trường nông sản trong thời gian tới

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đã từng bước phát triển. Với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây trồng phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Đến nay, các sản phẩm nông nghiệp phát triển đa dạng phong phú bước đầu đã trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh biết đến. Diện tích các loại cây trồng thế mạnh của tỉnh ngày một được mở rộng, phát triển và đạt được những kết quả đáng kể, cụ thể:

  1. Miến dong Bắc Kạn: Đến nay, diện tích trồng cây dong riềng đạt 1.040 ha, năng suất đạt khoảng 70 tấn/ha, sản lượng củ dong ước đạt 72.000 tấn củ, tương ứng với 10.800 tấn tinh bột để sản xuất ra được khoảng 6.700 tấn miến/năm. Hiện nay, toàn tỉnh có 36 cơ sở chế biến dong riềng với tổng công suất 477 tấn củ/ngày; hàng năm, sản lượng miến được sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đạt khoảng 1.200 đến 1.500 tấn. Năm 2012, Miến dong Bắc Kạn đã Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận được bảo hộ Nhãn hiệu tập thể sản phẩm Miến dong Bắc Kạn. Miến dong Bắc Kạn được làm bằng tinh bột nguyên chất, sợi Miến dong thành phẩm có màu hơi xám là màu nhựa của củ Dong, trong quá trình chế biến người dân không dùng hoá chất tẩy trắng, nhuộm màu sản phẩm nên sợi miến đã giữ được những nét đặc trưng riêng. Hiện nay, sản phẩm miến dong Bắc Kạn khá được ưa chuộng, đặc biệt là các dịp lễ, tết nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, có lúc sản xuất không đủ để cung ứng. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực sản xuất, đồng thời mở rộng thị trường để đảm bảo tính ổn định đầu ra cho sản phẩm.
  2. Cây Cam, Quýt Bắc Kạn: Hiện nay, diện tích trồng cây cam, quýt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 3.156 ha, diện tích dự kiến cho thu hoạch 2.100 ha, sản lượng ước đạt khoảng 17.000 tấn/năm. Đặc điểm của quả Quýt Bắc Kạn có vỏ quả màu vàng tươi, ít hạt, ăn có vị đậm đặc biệt có mùi thơm hấp dẫn khác biệt hẳn với các loại quýt khác. Năm 2012, Cục sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn Địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn. Hiện nay, Quýt Bắc Kạn được trồng chủ yếu tại huyện Bạch Thông, huyện Chợ Đồn, huyện Ba Bể và huyện Na Rì. Bên cạnh sản phẩm Quýt Bắc Kạn, những năm gần đây tỉnh Bắc Kạn đã phát triển thêm những cây trồng có múi có chất lượng như cam xã đoài, cam Vinh, các giống bưởi đặc sản,… thông qua các mô hình thử nghiệm đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của các giống cây ăn quả có múi đối với điều kiện sinh thái cũng như khả năng thâm canh của nông dân trên địa bàn tỉnh, từ đó khuyến khích người dân mở rộng diện tích.
  3. Hồng không hạt Bắc Kạn: Là một loại quả không có hạt, vỏ quả màu vàng đỏ khi chín; tai quả to, quả không cứng và không chát, vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm, quả nhiều cát đường và rất giòn. Hồng không hạt chín vào thời điểm khoảng cuối tháng 7, 8 âm lịch, khi chín, màu quả chuyển từ xanh sang đỏ vàng sáng, đây là giống hồng đã có trên 100 năm tuổi. Năm 2010, hồng không hạt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn Địa lý. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, diện tích hồng không hạt đạt 677 ha, diện tích dự kiến cho thu hoạch 395 ha, đạt, sản lượng ước đạt 1.739 tấn. Diện tích hồng không hạt tiến hành cải tạo, thâm canh, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn về ATVSTP, VietGAP là 43ha, trồng mới trong năm 2018 là khoảng gần 100ha.

4.Gạo Bao thai Chợ Đồn: Cây lúa Bao Thai đã có lịch sử trồng hàng trăm năm tại địa phương tỉnh Bắc Kạn, giống lúa này được canh tác rộng rãi trên địa bàn huyện Chợ Đồn vào vụ mùa hàng năm, cây lúa cho năng suất ổn định. Năm 2011, “Gạo Bao thai Chợ Đồn” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận Nhãn hiệu tập thể. Đặc trưng của Gạo Bao Thai Chợ Đồn giàu dinh dưỡng, hạt gạo trắng, khi nấu thành cơm có vị ngọt, vị đậm đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Hiện nay, diện tích trồng lúa Bao thai toàn tỉnh đạt trên 12.000 ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn thóc (tương đương 37.000 tấn gạo), trong đó tại huyện Chợ Đồn diện tích đạt 2.200 ha, sản lượng thóc: 9.500 tấn (tương đương 6.600 tấn gạo).

  1. Gạo nếp thơm (Khẩu nua lếch Ngân Sơn): Với chất lượng gạo ngon, mềm, dẻo và có mùi thơm đặc trưng. Năm 2015, diện tích trồng cây lúa nếp là 49 ha. Năm 2015, cây lúa nếp Khẩu nua lếch đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, diện tích trồng lúa Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn khoảng trên 100 ha, năng suất đạt khoảng 41 tạ/ha, sản lượng ước đạt 410 tấn/năm.
  2. Khoai môn Bắc Kạn: Khoai môn Bắc Kạn có hương thơm đặc trưng, vị ngọt dịu, bên trong lớp vỏ thô ráp màu nâu sẫm, là những thớ khoai trắng mịn, đan xen nhiều chấm nhỏ màu tím. Khoai môn có hàm lượng tinh bột cao, mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, thường được dùng để chế biến các món ăn mang đậm đà bản sắc dân tộc. So với các giống khoai môn ở nhiều nơi khác, khoai môn trồng ở Bắc Kạn có độ bở, vị bùi và hương thơm đặc trưng rất khác biệt. Hiện nay, diện tích trồng được 200 ha, năng suất ước đạt 96,21 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.924 tấn.
  3. Rau bồ khai (hay còn được gọi là rau dạ hiến): Là một loại rau tự nhiên và còn là một vị thuốc quý. Cây rau bồ khai đã được người dân huyện Ba Bể mang về trồng tại vườn nhà, trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Theo y học, lá cây bồ khai thường được dùng chữa các bệnh viêm thận, gan, viêm đường tiết niệu… với những đặc điểm đó rau bồ khai được nhiều người lựa chọn làm thức ăn hàng ngày. UBND huyện Ba Bể đã quy hoạch, định hướng phát triển cây rau bò khai trở thành nông sản hàng hóa.
  4. Bí xanh thơm Bắc Kạn: Bí xanh thơm Bắc Kạn là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể. Trái bí có dáng thon dài, vỏ dày và cứng với các đặc điểm toàn bộ thân, lá, hoa và quả có mùi thơm đặc trưng. Trọng lượng trung bình đạt khoảng 1,5 – 3kg/1 quả. Khi đến kỳ thu hoạch, bí có vỏ màu xanh đậm hoặc xanh phủ phấn trắng, thịt quả đặc, có màu xanh phớt, khi chế biến có độ dẻo, vị đậm, ngậy béo và có mùi thơm rất hấp dẫn nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong năm 2018, diện tích bí xanh toàn tỉnh đạt 260 ha, năng suất trung bình 199 tạ/ha, sản lượng ước đạt 5.172 tấn (riêng diện tích bí thơm trồng thâm canh tại huyện Ba Bể là 56 ha, sản lượng 2.464 tấn.

9.Gừng Bắc Kạn: Cũng là một trong những cây trồng đem lại giá trị kinh tế cho người dân tỉnh Bắc Kạn. Ngoài việc được sử dụng làm gia vị, gừng còn được sử dụng như một vị thuốc quý. Trong những năm qua, từ lợi ích do cây gừng đem lại, diện tích gừng ngày một tăng; đến nay diện tích trên địa bàn tỉnh đạt 324, năng suất ước đạt 255 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8.276 tấn. Hiện nay, gừng tươi Tân Sơn (huyện Chợ Mới) đã được thu mua, chế biến để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

  1. Nghệ Bắc Kạn: Nghệ là giống cây dễ trồng, phổ biến ở Bắc Kạn trong nhiều năm qua nhưng diện tích chỉ nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu gia đình là chủ yếu. Những năm gần đây, với việc thành công trong chiết xuất nano cucurmin và chế biến tinh bột từ củ nghệ thì cây nghệ đã trở thành một cây trồng có tiềm năng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, mang lại thu nhập lớn cho người dân; năm 2018, trên địa bàn tỉnh có trên 130ha nghệ sản lượng đạt 3.250 tấn.

11.Chăn nuôi: Trong thời gian qua, với định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại trang trại, đã góp phần nâng cao chất lượng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh, trong đó chất lượng con giống, đàn vật nuôi ngày một được cải thiện, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Năm 2018, đàn Đại gia súc đạt 79.000 con (trong đó trâu 54.400 con, bò 21.900 con và ngựa 2.700 con); đàn lợn 192.657 con; đàn gia cầm 2,1 triệu con; đàn dê 34.200 con. Sản lượng thịt hơi các loại năm 2018 đạt 22.500 tấn. Nhờ tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm và lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ, tư vấn xây dựng các mô hình chăn nuôi, toàn tỉnh đã phát triển được 13 gia trại, 2 trang trại chăn nuôi trâu bò; 21 gia trại, 5 trang trại lợn chăn nuôi lợn; 3 gia trại, 2 trang trại chăn nuôi gia cầm.

Bên cạnh các sản phẩm trên, Bắc Kạn còn nhiều sản phẩm nông sản chế biến đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như măng khô, lạp sườn, thịt lợn hun khói, chuối sấy, rượu chuối, bún khô, tinh dầu sả,….

Công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực, giúp cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khẳng định được thương hiệu, tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Để có được điều đó, tỉnh đã chỉ đạo triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố trong cả nước; quảng bá sản phẩm, mạnh dạn tiếp cận thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm, nhằm góp phần làm nên thành công của mỗi sản phẩm trong tỉnh ngày hôm nay. Để tiếp tục phát triển thị trường nông sản tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới cần triển khai thực hiện các giải pháp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về nhóm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa

  1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản; chỉ đạo, hướng dẫn việc sản xuất, kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường;
  2. Triển khai đồng bộ các giải pháp về tổ chức sản xuất tại từng doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất, từng hộ nông dân theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ;
  3. Làm tốt công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, đảm bảo hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, phù hợp với nhu cầu của thị trường; nghiên cứu, đầu tư xây dựng các chợ đầu mối làm nơi phục vụ hoạt động mua bán nông sản với quy mô lớn;
  4. Đẩy mạnh công tác kết nối và kêu gọi nhà đầu tư triển khai điểm thu mua, tập kết, đóng gói các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn.
  5. Quan tâm phát triển các hợp tác xã kiểu mới; khuyến khích các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp trên cơ sở xác định thống nhất giá cả ngay từ đầu vụ, đầu năm, đầu chu kỳ sản xuất.
  6. Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thứ hai, về nhóm giải pháp kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa

  1. Tăng cường các hoạt động thông tin, hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm, hàng hóa của các tỉnh, thành phố khác tham gia vào các kênh phân phối của địa phương;
  2. Quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, uy tín của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nói không với hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ;
  3. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống lưu thông, phân phối sản phẩm như hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghiệp để lập danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; đồng thời làm tốt công tác dự báo giá cả thị trường, công tác quản lý thị trường;
  4. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thiết thực nhằm xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà “nhà sản xuất – nhà doanh nghiệp – nhà nước – nhà khoa học” trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tạo sự gắn kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ nghiên cứu – ứng dụng – sản xuất – phân phối tới tiêu dùng;
  5. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp của mỗi địa phương;
  6. Lựa chọn, mời và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác kinh doanh, phối hợp liên kết để hình thành chuỗi sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn./.

                                                  Nông Thị Thảo (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005167
Views Today : 79
Views This Month : 3980
Views This Year : 11888
Total views : 72428
Language
Skip to content