Ngày 28/11/2019, tại Trung tâm thương mại SAPA ở thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, Bộ Công Thương Việt Nam (Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ) đã phối hợp với Bộ Công Thương Séc, Phòng Thương mại Séc, Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại Séc tổ chức Tọa đàm Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Cộng hòa Séc.
Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng, Đại sứ Việt Nam tại Séc Hồ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Borivoj Minar, đại diện Bộ Công Thương Séc, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Châu Âu Hoàng Đình Thắng, lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Séc cùng hơn 80 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã nêu bật các thế mạnh trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc như cơ cấu hàng hóa hai nước có sự bổ trợ cần thiết cho nhau, sự tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu sẽ tạo điều kiện cho thương mại đôi bên tăng trưởng. Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò bạn hàng quan trọng ở Đông Âu của Cộng hòa Séc đối với Việt Nam và cho rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước hoàn toàn có nhiều cơ hội để phát triển lên một tầm cao mới. Thứ trưởng khẳng định chính phủ hai nước rất quan tâm tạo cơ chế thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và Séc đầu tư vào các thị trường của nhau đồng thời nêu một trong những giải pháp thiết thực là tổ chức nhiều diễn đàn ở cả Việt Nam và Séc, để doanh nghiệp hai nước có thể gặp gỡ, trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác trong đầu tư, kinh doanh.
Trong phát biểu chào mừng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh, buổi tọa đàm có ý nghĩa thiết thực trong việc khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại song phương. Đại sứ tin tưởng cùng với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong những năm vừa qua, hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ có bước tiến mới trong năm 2020, năm hai nước sẽ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Borivoj Minar, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Séc đã bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam. Ông Borivoj Minar cho rằng mặc dù Séc đang thâm hụt thương mại trong trao đổi thương mại giữa hai nước, nhưng đây không phải là vấn đề đối với Séc. Việt Nam xuất khẩu sang Séc những mặt hàng tiêu dùng phù hợp với nhu cầu của người dân Séc, trong khi Séc mong muốn xuất khẩu các sản phẩm công nghệ trong các lĩnh vực thế mạnh như khai khoáng, môi trường, quốc phòng sang Việt Nam.
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Châu Âu, cho biết cộng đồng người Việt tại Séc nói chung và các doanh nghiệp người Việt tại Séc nói riêng sẵn sàng sàng làm cầu nối để kết nối giữa các doanh nghiệp hai nước, trong đó có việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Séc.
Tham dự tọa đàm, phía doanh nghiệp Séc rất quan tâm tới việc đơn giản các thủ tục đầu tư tại Việt Nam và việc mở đường bay thẳng giữa Praha và Hà Nội trong thời gian tới, trong khi phía doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh tới sự cần thiết phải tăng cường quảng bá hàng hóa Việt Nam tại Cộng hòa Séc.
Tọa đàm là một trong những hoạt động quan trọng của phái đoàn giao dịch thị trường Séc do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cùng các cơ quan, đối tác liên quan thực hiện. Bên cạnh Tọa đàm, phái đoàn đã có nhiều hoạt động khảo sát thị trường, làm việc trực tiếp với các đối tác sản xuất, thương mại, đầu tư triển vọng tại Séc trong đa dạng các lĩnh vực nông sản, thủ công mỹ nghệ, dược phẩm, trang thiết bị y tế, vật liệu xây dựng và dịch vụ xây dựng.
Những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam – Cộng hòa Séc vẫn giữ được tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn kinh tế của EU, thể hiện sự cố gắng chung của hai bên. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Séc đạt trên 307 triệu USD, 10 tháng đầu năm nay đạt trên 255 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Séc chủ yếu là các hàng hóa trong nhóm hàng Việt Nam xuất sang EU như giày dép, sản phẩm may mặc, thủy hải sản, hàng tiêu dùng, máy tính và linh phụ kiện, điện thoại di động và một số hàng hóa thích hợp với nền công nghiệp hướng xuất khẩu của Séc như gia công máy móc, trang thiết bị, phụ tùng, phụ kiện lĩnh vực cơ khí, năng lượng, khai khoáng… Nhìn chung, mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cộng hòa Séc tuy không cao so với các thị trường lớn khác trên thế giới, nhưng thị trường Séc luôn có vị trí quan trọng, là cầu nối thích hợp cho hàng Việt Nam vào thị trường Visegrad/Đông Âu.
Về đầu tư, hiện Cộng hòa Séc có 38 dự án với tổng vốn trên 90 triệu USD, đứng thứ 48 trong số 132 nước và khu vực trên thế giới có vốn đầu tư vào Việt Nam.