Việt Nam, đang sẵn sàng tham gia các FTA “thế hệ mới” Với các tác động của các FTA “thế hệ mới” và Chiến lược FTA của các nước trên thế giới

  1. 1. Tác động của các FTA “thế hệ mới”

Cũng như tất cả các điều ước quốc tế, FTA mang đến cả tác động tích cực lẫn khó khăn.

1.1. Tác động đối với tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu, khu vực và mỗi quốc gia

– Thuận lợi:

Với điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi,TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo các nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Các FTA được cho là làm tăng cơ hội kinh doanh, do quá trình giảm/loại bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan, tạo cơ hội mới cho xuất khẩu và cơ cấu lại thị trường; tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Xét về khía cạnh kinh tế, việc các FTA mang đến sự gia tăng hay giảm sút phúc lợi kinh tế hiện chưa thể khẳng định.

– Khó khăn:

(i) Sự chuyển dịch lợi thế so sánh xuất phát từ việc thành lập FTA chỉ là tạm thời, diễn ra cho đến khi các FTA đưa cân bằng thị trường trở lại điểm ban đầu của nó. Vì thế, chưa chắc sẽ là ý tưởng hay khi đầu tư những nguồn lực khan hiếm vào đàm phán các FTA mà chỉ thu được sự thay đổi lợi thế so sánh ngắn hạn trên một số lượng hạn chế các thị trường, thay vì mở rộng tiếp cận thị trường ở phạm vi toàn cầu.

(ii) Khó khăn lớn nhất do các FTA mang lại chính là tăng sức ép cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia, khu vực và toàn cầu. Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia FTA có thể làm một số doanh nghiệp ở các nước đang phát triển, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động.

1.2. Tác động đối với hệ thống pháp luật của các thành viên

Các FTA đòi hỏi các thành viên phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật của nước mình, trước hết là các lĩnh vực thương mại, đầu tư, IPR, cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, lao động, đấu thầu, thương mại điện tử, môi trường, giải quyết tranh chấp, …

– Thuận lợi:

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật giúp các thành viên cải thiện môi trường pháp lý và kinh doanh, cụ thể:

(i) Bảo vệ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khỏi sự can thiệp trái pháp luật;

(ii) Tạo “sân chơi” công bằng cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân;

(iii) Thuận lợi hóa các thủ tục hải quan;

(iv) Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kinh doanh;

(v) Thuận lợi hóa việc công nhận các tiêu chuẩn sản phẩm;

(vi) Mở cửa thị trường mua sắm công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các thành viên của FTA;

(vii) Minh bạch hóa hoạt động các cơ quan nhà nước;

(viii) Bảo hộ IPR của cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.

– Khó khăn:

(i) Những lĩnh vực pháp luật nêu trên đều là những lĩnh vực mới và khó đối với Việt Nam và các nước đang phát triển.

(ii) Khó khăn lớn nhất đối với các nước đang phát triển luôn là vấn đề thực thi pháp luật.

1.3. Tác động đối với thể chế, chính sách của các thành viên

Các FTA đòi hỏi các thành viên phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, văn hóa của nước mình, để thực hiện minh bạch chính sách; cải cách hành chính; cải cách tư pháp; xử lý mối quan hệ giữa thương mại quốc tế với những vấn đề vốn được coi là “phi thương mại” – “các giá trị xã hội”, như: thương mại và quyền con người, bảo vệ người lao động trong thương mại quốc tế, thương mại và môi trường, thương mại và văn hóa, thương mại và an ninh, bảo đảm an toàn thực phẩm, thương mại, phát triển bền vững và quản trị tốt; quyền của nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, minh bạch chính sách, quyền tự do Internet, … theo hướng chuyểntừ “đối thoại giữa những người khiếm thính” sang thỏa hiệp đàm phán.

– Thuận lợi:

Việc rà soát toàn bộ hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, văn hóa của nước mình, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, sẽ giúp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Với tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử vô tư, các FTA “thế hệ mới” sẽ giúp Việt Nam kiện toàn, cải thiện hơn nữa bộ máy nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỉ luật, kỉ cương của công chức nhà nước, từ đó hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ IPR sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao.

– Khó khăn:

Các FTA “thế hệ mới” tiềm ẩn nhiều hệ quả quan trọng không chỉ đối với hệ thống pháp luật của các thành viên mà còn liên quan tới các chính sách xã hội, văn hoá, kinh tế của các nước này.(10) Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử vô tư của bộ máy nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho các cơ quan nhà nước. Tiếp nữa, Chính phủ các thành viên của FTA sẽ phải thực hiện chính sách đầy khó khăn khi phải cân bằng giữa thương mại quốc tế với những vấn đề vốn được coi là “phi thương mại”.

2.Chiến lược FTA của các nước trên thế giới

2.1. Sự cân nhắc ưu tiên về chính trị hay kinh tế khi ký kết FTA?

Không có gì mới khi nói về động cơ thúc đẩy các nước ký kết FTA. Động lực cơ bản của việc thành lập nên Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) chính là mong muốn thiết lập các liên kết giữa nước Pháp và nước Đức. Điều này được thể hiện rõ trong Hiệp ước thành lập Cộng đồng than thép châu Âu năm 1951, tiền thân của EEC. Một trong những mục đích của Hiệp ước là: “…Việc thiết lập một cộng đồng kinh tế sẽ tạo cơ sở xây dựng một cộng đồng rộng lớn hơn và sâu sắc hơn giữa các dân tộc vốn đã từng bị chia cắt lâu dài bởi các cuộc xung đột đẫm máu …”.

Tương tự, Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) cũng là một bước tiến trong quá trình tăng cường ổn định kinh tế-xã hội sau những căng thẳng và xung đột giữa một số nước Đông Nam Á vào những năm 1960.(12)

Trung Quốc hiện chưa tham gia TPP, vì vẫn còn khoảng cách chính trị và kinh tế giữa nước này với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Về phía Hoa Kỳ, việc hình thành FTA xuyên Thái Bình Dương này sẽ là một “bệ phóng” kinh tế lý tưởng để Hoa Kỳ có thể giữ Trung Quốc trong tầm kiểm soát, và tiếp tục là cường quốc kinh tế dẫn đầu ở cả khu vực Bắc Mỹ và Đông Á, Đông Nam Á.(13) Việc ký kết TPP cũng nằm trong chiến lược “xoay trục” của Hoa Kỳ(14). Đối với Nhật Bản, việc tham gia FTA này sẽ củng cố vị trí kinh tế-chính trị của Nhật Bản so với một Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng

Chiến lược FTA của Trung Quốc cũng là một phần của một kế hoạch lớn hơn, để giải quyết các mối quan ngại về địa chính trị. Dù nhiều nhà bình luận nghi ngờ các lợi ích kinh tế đem lại cho Trung Quốc từ Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), bởi cả ASEAN và Trung Quốc đều là các đối thủ cạnh tranh của nhau liên quan đến nhiều sản phẩm, nhưng Trung Quốc đã áp dụng phương châm “cho đi rất nhiều, yêu cầu rất ít” trong đàm phán các FTA, vì tầm quan trọng về chính trị trong một FTA như vậy có giá trị lớn hơn những cân nhắc về mặt kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc đã được hưởng lợi, khi mà tất cả các nền kinh tế tham gia vào các FTA với Trung Quốc đều công nhận quy chế nền kinh tế thị trường của Trung Quốc.

2.2. Các FTA là giải pháp tốt để đàm phán các vấn đề không được giải quyết đầy đủ ở cấp độ toàn cầu

Trong khi các vòng đàm phán thương mại toàn cầu của WTO đang bế tắc và trước mắt chưa thể có bước đột phá, thì các FTA “thế hệ mới” đang là cách duy nhất có tính khả thi để thúc đẩy các biện pháp tự do hóa thương mại và đầu tư, cạnh tranh, nâng cao tiêu chuẩn bảo hộ IPR, môi trường và tiêu chuẩn lao động, vốn chưa được quy định trong các hiệp định hiện tại của WTO. Nói cách khác, các nước phát triển muốn ký những hiệp định “WTO cộng” – những hiệp định nhiều tham vọng hơn, bằng cách ký kết các FTA “thế hệ mới”.

2.3. Tận dụng mặt tích cực của hiệu ứng “bát mì Spaghetti” để khai thác các thị trường lớn hơn được tạo ra bởi các FTA

Điểm “chồng lấn” lớn nhất của các FTA là đặt ra vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi cấp bách phải cải cách thể chế. Như vậy, “chồng lấn” căn bản ở đây là “chồng lấn” tích cực, có thể giúp các nước đang phát triển và Việt Nam cải cách thể chế và dẫn dắt doanh nghiệp đi theo hướng tích cực hơn.

Trong mỗi khu vực, Trung Quốc thường chọn một đối tác thương mại để bắt đầu các cuộc đàm phán. Bằng cách này, Trung Quốc có tiềm năng khai thác các thị trường lớn hơn được tạo ra bởi sự “chồng chéo” các FTA. Đây là một cách khai thác các thị trường mới rất hiệu quả của Trung Quốc.

Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang sẵn sàng tham gia các FTA “thế hệ mới”, thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức.

Hoàng Yến  (Sở Công Thương). Sưu tầm




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005163
Views Today : 151
Views This Month : 3417
Views This Year : 11325
Total views : 71865
Language
Skip to content