Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia (giai đoạn 2014-2018)

Trong giai đoạn 2014-2018, các chương trình hoạt động khuyến công của tỉnh Bắc Kạn đã tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm mà tỉnh có lợi thế về vùng nguyên liệu, như chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, kịp thời động viên khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tập trung hỗ trợ cơ sở CNNT nâng cao công nghệ sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, đào tạo khởi sự doanh nghiệp từng bước tổ chức có hiệu quả, góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới cho các cơ sở CNNT, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới, kết quả đạt được cụ thể như sau:

 Căn cứ vào kế hoạch khuyến công được giao hàng năm, giai đoạn 2014 – 2018 tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức triển khai thực hiện 07/09 nội dung hoạt động khuyến công với 65 đề án khuyến công (riêng về nội dung hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp và hỗ trợ hợp tác quốc tế về khuyến công chưa thực hiện được), cụ thể như sau:

  1. Về hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề

Giai đoạn 2014 -2018, tổ chức được 01 đề án đào tạo nghề chế biến tinh bột dong riềng cho 240 lao động nông thôn (gồm 08 lớp đào tạo) của 08 Hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh với tổng kinh phí khuyến công quốc gia (năm 2014) hỗ trợ 195,88 triệu đồng. Ngoài ra, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội tổ chức 01 lớp truyền nghề sản xuất đũa gỗ xuất khẩu cho 35 lao động của 01 doanh nghiệp tại phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn (năm 2014).

  1. Về hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

Giai đoạn 2014 – 2018, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh triển khai hoàn thành 05 lớp tập huấn đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 175 học viên với tổng kinh phí thực hiện là 174,0 triệu đồng; năm 2014 phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 triển khai 02 khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 100 học viên trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Hoạt động đào tạo khởi sự doanh nghiệp đã đạt được những hiệu quả nhất định khi hỗ trợ các hội viên hội nông dân, đoàn viên thanh niên về kiến thức khởi nghiệp, lựa chọn lĩnh vực, sản phẩm kinh doanh có thế mạnh, có tiềm lực phát triển tại địa phương. Qua các lớp đào tạo, tuy chưa có học viên có điều kiện để thành lập doanh nghiệp nhưng đã có khoảng 40% học viên đã tổ chức kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh) và số còn lại tự sản xuất kinh doanh theo mô hình gia đình (không đăng ký kinh doanh).

  1. Về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật

Giai đoạn 2014 – 2018, đã thực hiện 02 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật (chế biến gỗ, nông sản), kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng) đã thực hiện được 30 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.118,5 triệu đồng (bao gồm: 07 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 1.140 triệu đồng, 23 đề án khuyến công địa phương với kinh phí 978,5 triệu đồng). Ngoài ra, năm 2017 Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 triển khai thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất tấm lợp cách âm, cách nhiệt và phụ kiện kim loại” với kinh phí hỗ trợ là 400 triệu đồng tại phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

  1. Về hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

– Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tham gia các hội chợ triển lãm trong nước nhằm giới thiệu, quảng bá những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh đến người tiêu dùng và các đối tác tiêu thụ tại trong nước, gồm: Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công trên địa bàn tỉnh tham gia 14 hội chợ triển lãm trong nước với kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ là 528,5 triệu đồng; hỗ trợ 150 gian hàng giới thiệu sản phẩm của 60 cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ triển lãm trong nước thông qua việc tổ chức Hội chợ Công nghiệp- Thương mại vùng Đông Bắc (năm 2016) tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn với kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 720 triệu đồng;

– Hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu (nhãn hiệu) sản phẩm được 01 đề án khuyến công địa phương (năm 2016) để xây dựng và đăng ký thương hiệu (nhãn hiệu) sản phẩm miến dong với kinh phí thực hiện 30 triệu đồng (được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm miến dong). Hiện nay, Hộ kinh doanh sở hữu nhãn hiệu miến dong đang duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng sản phẩm;

– Hoạt động tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Đã tổ chức được 03 lần bình chọn cấp tỉnh, hỗ trợ sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia. Kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ là 190 triệu đồng (năm 2014 tổ chức bình chọn và tôn vinh được 09 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh của 08 cơ sở CNNT; năm 2016 tổ chức bình chọn và tôn vinh được 12 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh của 12 cơ sở CNNT; năm 2018 tổ chức bình chọn và tôn vinh được 18 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh của 16 cơ sở CNNT).

Trên cơ sở kết quả bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bắc đã đề xuất lựa chọn, đăng ký các sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc (kết quả có 10 sản phẩm CNNT tiêu biểu trên địa bàn tỉnh được tôn vinh là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc và 01 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia).

  1. Về hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn

Hoạt động hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm thực hiện hỗ trợ thiết kế được 31 mẫu mã (sản phẩm miến dong, rượu, bún khô, phở khô, chè, tinh nghệ, curcumin nghệ, bánh kẹo) của 28 CNNT trên địa bàn tỉnh với kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 590 triệu đồng.

Hiện nay, các đơn vị được hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm đang duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của thị trường.

  1. Về hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công

Trong giai đoạn từ năm 2014-2018, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện được 30 chuyên mục tuyên truyền hoạt động Công Thương trên kênh truyền hình Bắc Kạn và Báo Bắc Kạn (gồm có 22 chuyên mục phát trên truyền hình Bắc Kạn và 08 chuyên mục đăng trên Báo Bắc Kạn) với kinh phí thực hiện từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 126 triệu đồng.

Các chuyên mục tuyên truyền hoạt động Công Thương trên địa bàn tỉnh đã giúp cộng đồng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nhận thức được rõ nét hơn vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp nông thôn trong chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

  1. Về hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công

Hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động khuyến công hằng năm đến nay đã thực hiện được 07 đề án, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ hoạt động này 124,41 triệu đồng để hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các chương trình đề án khuyến công và khảo sát cơ sở phục vụ xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm. Năm 2018, đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác khuyến công cho 80 đại biểu là đại diện của các xã, phường, thị trấn, phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, phòng kinh tế thành phố Bắc Kạn với kinh phí thực hiện là 14,5 triệu đồng.

Tuy nhiên còn tồn tại, hạn chế sau:

– Một số lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp. Dẫn đến việc lựa chọn thực hiện các chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh chưa được đa dạng và chưa tạo sự chuyển biến tích cực lên cả ngành công nghiệp;

– Đa số các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, năng lực quản trị còn hạn chế, năng lực tài chính chưa đảm bảo nên một số đơn vị thụ hưởng đề án khuyến công chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, sơ chế sản phẩm, chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của địa phương về vùng nguyên liệu để chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bền vững;

– Tỉnh chưa bố trí được mạng lưới cộng tác viên khuyến công ở cấp huyện, xã trong khi phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện và phòng Kinh tế thành phố chưa có cán bộ khuyến công chuyên trách để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nắm bắt và tiếp cận các chính sách về khuyến công để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nên tiến độ, chất lượng đăng ký, thực hiện một số đề án khuyến công chưa đảm bảo, phải điều chỉnh.

Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện, nâng cao hiệu quả chương trình từ nay đến năm 2020, như sau:

– Mục tiêu, nhiệm vụ chung: Huy động các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở phát huy các lợi thế của tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường. Tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương được giao hằng năm đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

– Một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể:

+ Hỗ trợ xây dựng 02 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới hoặc công nghệ mới; hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất sản phẩm;

+ Hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu cho 04 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì cho 15 sản phẩm của các cơ sở;

+ Tổ chức 01 cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; tham gia 06 hội chợ triển lãm trong nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh;

+ Thực hiện 08 chuyên mục tuyên truyền về hoạt động khuyến công trên sóng truyền hình Bắc Kạn;

+ Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 01 cụm công nghiệp và đầu tư hạ tầng cho 01 cụm công nghiệp; tổ chức 01 đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm cho cán bộ quản lý về khuyến công của tỉnh ở trong nước.

– Giải pháp thực hiện:

+ Tích cực tổ chức triển khai thực hiện tốt các đề án khuyến công đã được giao, đồng thời quan tâm xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng điểm, có sự bứt phá và có bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách của nhà nước để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển công nghiệp ở nông thôn thông qua các hội nghị tập huấn, qua các kênh thông tin truyền thông;

+ Ưu tiên các cơ sở CNNT thực hiện những đề án khuyến công có tính khả thi cao, có hiệu quả rõ rệt. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ hành chính công qua mạng cấp độ 3 để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện chương trình khuyến công;

+ Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, khảo sát, lựa chọn đơn vị thụ hưởng chính sách khuyến công. Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến công;

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai các đề án khuyến công để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đề án, chương trình, đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ theo quy định hiện hành. Đặc biệt chú trọng công tác đánh giá tổng kết giai đoạn để đưa ra những kế hoạch, chiến lược phù hợp và phát huy hiệu quả của chương trình./.

Nông Thị Thảo – Sở Công Thương




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005167
Views Today : 197
Views This Month : 4098
Views This Year : 12006
Total views : 72546
Language
Skip to content