Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020

Chiều 18/3/2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Trong 10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hoá nền hành chính.

Công tác cải cách thể chế được các cơ quan Nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính, về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, về CCHC, TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới. Tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay là hơn 8.600 văn bản.

Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa TTHC; cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa dòng hàng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền, bước đầu đạt được một số kết quả trong thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020; đã cắt giảm, đơn giản hóa đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm, muộn, nhũng nhiễu, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.

Các cơ quan Trung ương đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục, 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ. Ở địa phương, tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng; tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; đã giảm 5 cơ quan chuyên môn, gần 1.000 tổ chức cấp phòng, gần 130 tổ chức cấp chi cục, gần 1.200 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; cấp huyện giảm gần 300 tổ chức; giảm biên chế 8,7% so với năm 2015.

Về công tác cải cách tài chính công, nhiều chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, đã từng bước góp phần hoàn thiện chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và chính sách an sinh xã hội, trở thành động lực phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện tốt hơn công bằng xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo lập nền tảng Chính phủ điện tử từng bước được hoàn thiện như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia, các Cơ sở dữ liệu quốc gia…

Đối với tỉnh Bắc Kạn, trong 10 năm qua, công tác CCHC được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả 6 lĩnh vực, từ cải cách thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ công chức, tài chính công đến hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là TTHC được kiểm soát chặt chẽ trước khi ban hành và thường xuyên rà soát đơn giản hóa; việc rà soát thống kê, công bố TTHC thực hiện kịp thời theo quy định; công tác giải quyết TTHC có nhiều chuyển biến tích cực, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC đã công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vị trí việc làm các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thường xuyên được rà soát, sắp xếp theo quy định. Tỉnh cũng triển khai thực hiện tốt các quy định về cải cách tài chính công, qua đó tạo thuận lợi cho các đơn vị chủ động trong việc sử dụng kinh phí do ngân sách cấp phục vụ hoạt động của đơn vị…

Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2021 – 2030, Chính phủ, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh CCHC một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu rõ cách thức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC, những cách làm hay, những mô hình tiêu biểu và kết quả đạt được của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố. Đồng thời, chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại ở các bộ, ngành, địa phương và đề xuất một số giải pháp để thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 nhiệm vụ CCHC trong giai đoạn tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những năm qua, CCHC đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung thực hiện tốt cả 6 nội dung CCHC.

Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 phải được thực hiện một cách toàn diện, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, thành phần hồ sơ không cần thiết nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm được giao; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý và xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ cho việc triển khai phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và thực hiện chiến lược chuyển đổi số Quốc gia theo lộ trình./.

Nguồn: https://backan.gov.vn/




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005167
Views Today : 69
Views This Month : 3970
Views This Year : 11878
Total views : 72418
Language
Skip to content