Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khoá X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26 – NQ/TW  về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, ngành Công Thương Bắc Kạn đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện và đạt được một số kết quả, góp phần vào kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân toàn tỉnh Bắc Kạn.

Về công tác thể chế hoá các chủ trương của Nghị quyết: Đã xây dựng và trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 13 – NQ/TU về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2011 – 2015; Nghị quyết số 18- NQ/TU về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Tham mưu xây dựng các quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của ngành: Quy hoạch Thuỷ điện vừa và nhỏ tỉnh Bắc Kạn; Quy hoạch phát triển Điện lực; Quy hoạch phát triển Công nghiệp tỉnh Bắc Kạn; Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ, Quy hoạch phát triển mạng lưới Chợ, Trung tâm thương mại, Siêu thị trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2015, có xét đến năm 2020; Quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu, Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025.

Kết quả đạt được:

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp nông thôn từng bước được cải thiện, tuy nhiên quy mô của hoạt động phát triển công nghiệp phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh còn nhỏ. Công tác khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường luôn được quan tâm thực hiện, đến nay một số mô hình đã có hiệu quả nhất định như: Mô hình sản xuất miến dong, mô hình chế biến tinh bột nghệ; mô hình chế biến chè tuyết; các mô hình chế biến nông, lâm sản…Trên địa bàn tỉnh hiện có 76 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản và công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; có 2.147 cơ sở chế biến, chế tạo cá thể, trong đó tập trung vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản (miến dong, bún, phở, rượu, bánh kẹo, chế biến gỗ);

Công tác cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, bảo đảm đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn luôn được quan tâm. Từ năm 2011, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã thực hiện xong công tác tiếp nhận lưới điện trung và hạ áp nông thôn. Đến nay hệ thống lưới điện nông thôn đã được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành, tỷ lệ tổn thất điện năng chỉ còn dưới 10%,  góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, điện khí hoá nông thôn, đời sống sinh hoạt của người dân nông thôn được thay đổi rõ rệt, góp phần quan trọng cho địa phương thực hiện tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Toàn tỉnh đã có 112/112 xã có điện, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đạt 96,53%, có 09/112 xã đạt tiêu chí số 4 về điện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

Hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ phát triển tốt với nhiều chuyển biến tích cực, thị trường hàng hoá lưu thông thuận lợi, sức mua năm sau cao hơn năm trước, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, bảo đảm có sự kiểm soát của nhà nước. Mạng lưới bán buôn, bán lẻ, đặc biệt là hệ thống chợ và siêu thị đã có nhiều chuyển biến rõ rệt về hình thức tổ chức và quy mô. Thị trường từng bước được mở rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, góp phần ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển;

Hàng năm, Sở Công Thương đã xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hoá thông qua các kỳ hội chợ triển lãm thương mại trong tỉnh và ngoại tỉnh, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, bao bì đóng gói và tiêu thụ một số sản phẩm hàng hoá nông sản của Bắc Kạn: Hồng không hạt, Miến dong, Khoai môn, Cam quýt Quang Thuận, quả Mơ tươi… Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh, tập trung vào dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán, đáp ứng nguyện vọng cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là bà con nông dân, nông thôn nhân dân vùng sâu, vùng xa. Hỗ trợ ứng dụng ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất từ nguồn vốn khuyến công cho 98 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ gần 4,7 tỷ đồng. Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, từ năm 2012 đến nay đã bình chọn được 28 sản phẩm CNNTTB của địa phương, trong đó có một số sản phẩm nhiều năm liền được bình chọn và có 01 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia. Thực hiện đào tạo nghề và tạo việc làm cho 1.400 lao động nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo khoảng 1,13 tỷ đồng, các nghề thực hiện đào tạo gồm: Chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, sản xuất miến dong, chế biến tinh bột dong riềng, sản xuất mành cọ, sản xuất hạt gỗ, sản xuất cốt nứa sơn mài…;

Các sản phẩm dịch vụ Tài chính – Ngân hàng hiện đại được triển khai thực hiện như: Bảo lãnh, ủy thác, tài trợ thương mại, tín dụng, thanh toán, thẻ, kiều hối Western union, BSMS, ngân quỹ, bảo hiểm, trả lương qua tài khoản, tư vấn, bảo hiểm, thu hộ ngân sách, giữ hộ tài sản, dịch vụ ngân hàng điện tử (IBMB, internetbanking, home banking…) và các loại dịch vụ ngân hàng khác phát triển. Bên cạnh đó, các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; dịch vụ bưu chính, viễn thông; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ vận tải… phát triển hết sức nhanh chóng, đa dạng và mở rộng mạng lưới tới tất cả các huyện, thành phố và các xã nông thôn;

 Hệ thống chợ đã được quan tâm đầu tư và phát triển. Hiện nay trên địa bàn tỉnh là 65 chợ, trong đó có 01 chợ hạng 1, 04 chợ hạng 2 và 60 chợ hạng 3. Số chợ nông thôn phục vụ cho nhu cầu trao đổi hàng hoá của nhân dân chiếm tỷ lệ lớn (54/65 chợ), trong đó đã hình thành một số chợ chuyên doanh nông, lâm sản và gia súc, gia cầm. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ, phấn đấu đến năm 2020 chuyển đổi được 26/52 chợ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ. Trên địa bàn tỉnh có 10 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó: 04 xã có chợ đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường: lực lượng QLTT đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong việc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Tại một số địa bàn trọng điểm, đã thành lập các đội kiểm tra liên ngành trong đó lực lượng QLTT là nòng cốt thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành các qui định trong hoạt động sản xuất và kinh doanh thương mại, kiểm tra VSATTP, nguồn gốc xuất sứ hàng hoá, chất lượng hàng hoá, kiểm tra việc khai thác và vận chuyển khoáng sản, lâm sản trái phép… do đó đã hạn chế có hiệu quả tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng kém chất lượng len lỏi vào thị trường nông thôn từ đó góp phần bình ổn thị trường, phát triển sản xuất và nâng cao dời sống của nhân dân, các dân tộc trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một số hạn chế sau: ngành công nghiệp phục vụ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế về quy mô, năng lực, loại hình sản phẩm chưa đa dạng; đầu tư hạ tầng thương mại nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế tuy nhiên việc xã hội hóa trong đầu tư thương mại tại nông thôn rất khó khăn, một số đã được đầu tư nay xuống cấp không có nguồn duy tu, nâng cấp; sản phẩm nông thôn còn đơn giản về mẫu mã, chưa áp dụng các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, khó khăn về thị truờng tiêu thụ; sự gắn kết giữa công nghiệp, dịch vụ với sản xuất nông nghiệp còn thiếu đồng bộ và chưa chặt chẽ; công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa tạo bước đốt phá, có sức lan tỏa ra phạm vi toàn tỉnh.

Trong thời gian tới, để phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm có tiềm năng, có thế mạnh của địa phương; nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua việc thực hiện các chuỗi giá trị sản phẩm, thực hành sản xuất sản phẩm an toàn, có giá trị kinh tế cao.

Ba là, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong đó, xác định rõ những ngành nghề hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, gắn với việc hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp – dịch vụ, các khu chế xuất và phát triển đô thị ở nông thôn.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến, công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp; khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ sử dụng nhiều lao động và nguyên vật liệu tại chỗ ở nông thôn.

Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Tăng cường xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị gia tăng và tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.

Bốn là, đổi mới chính sách, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm, kết nối thị trường đối với các sản phẩm nông sản. Củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã dịch vụ thương mại nông thôn.

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn.

          Đối với tỉnh Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, địa bàn nông thôn chiếm hơn 80% diện tích, vì vậy khu vực nông thôn chiếm giữ vị trí rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, bằng sự quyết tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân sẽ tạo được những kết quả cao hơn nữa, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện mọi mặt đời sống cho đồng bào khu vực nông nghiệp, nông thôn./.

Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)

 

 


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005160
Views Today : 41
Views This Month : 2740
Views This Year : 10648
Total views : 71188
Language
Skip to content