Kết quả hoạt động công nghiệp – thương mại tháng 01 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Năm 2019, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tăng trưởng kinh tế đạt cao. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, đạt được kết quả ấn tượng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, thể dục thể thao đạt nhiều thành tích, truyền cảm hứng mạnh mẽ để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống nhân dân trên mọi miền đất nước chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng giữ gìn môi trường hòa bình, khẳng định vai trò, vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ, của kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2030, là năm tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn. Năm 2020 thực hiện tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội khóa XV.

Đối với Bắc Kạn, cùng chung với cả nước đây là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra. Để tạo động lực cho sự phát triển, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh năm 2020. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2488/QĐ-UBND giao chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 cho các Sở, Ban, Ngành; các cơ quan Đảng, Đoàn thể; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu cơ bản cụ thể như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020 là 6,8%, trong đó: Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3,5%; Tăng trưởng khu vực công nghiệp xây dựng 9,0%; Và tăng trưởng khu vực dịch vụ 7,8%.

Để hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020. Từ đầu năm, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có những giải pháp và chỉ đạo, điều hành quyết liệt thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, đời sống dân cư được cải thiện, xã hội ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.

  1. Công nghiệp:

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 1 năm 2020 so với tháng 12 năm 2019 ước tính đạt 90,18%. Trong đó: Ngành khai khoáng đạt 88,70%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 87,17%; Ngành sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 96,77% và nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,83%.

So với tháng 01/2019: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước đạt 98,31%. Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 5,39%; Ngành chế biến, chế tạo đạt 83,13%; Ngành sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,45% và nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,78%.

Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2020 (theo giá so sánh 2010) đạt 112.923 triệu đồng, giảm 1,29% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai thác ước đạt 34.365 triệu đồng, tăng 3,54%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 70.422 triệu đồng, giảm 4,81%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước đạt 5.087 triệu đồng, tăng 15,85%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 3.049 triệu đồng, tăng 7,33% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản xuất công nghiệp tháng 01/2020 giảm so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ năm trước là do tháng 1 năm 2020 trùng với dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy các cơ sở sản xuất công nghiệp chủ yếu chỉ hoạt động trong những ngày đầu tháng tháng 1, thời điểm cuối tháng là nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất của toàn ngành công nghiệp.

Ước tính một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong tháng 01 năm 2020 so với cùng kỳ năm trước như sau: Tinh quặng kẽm 2.127 tấn, tăng 12,01%; Quặng ôxít kẽm 1.468 tấn, tăng 9,55 %; Đá xây dựng 30.945 m3, tăng 19,02%; Quần áo may sẵn 120 nghìn cái, tăng 22,45%; Gỗ xẻ các loại 750 m3, giảm 53,12%; Giấy bìa các loại 200 tấn, giảm 18,37%; Gạch nung các loại 3.275 nghìn viên, tăng 18,66%; Bê tông tươi 1.340 m3, tăng 22,26%; Điện thương phẩm phát ra 20,1 triệu kwh, tăng 9,24%; Nước máy sản xuất 235 nghìn m3, tăng 10,85%.

  1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 năm 2020 ước đạt 421.981 triệu đồng, tăng 14,30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 169.742 triệu đồng, tăng 24,32% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 41.451 triệu đồng, tăng 62,70% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng may mặc ước đạt 35.575 triệu đồng, tăng 13,22% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng phương tiện đi lại ước đạt 26.589 triệu đồng, tăng 12,67% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác tháng 1 năm 2020 ước đạt 90.604 triệu đồng, tăng 8,90% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 6.760 triệu đồng, tăng 11,81% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 58.244 triệu đồng, tăng

3,87% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 25.600 triệu đồng tăng 21,47% so với cùng kỳ năm trước.

Thực hiện Quyết định số 2450/QĐ-UBND, ngày 06/12/2019 về việc ban hành Phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng và biện pháp bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động xây dựng các giải pháp để đảm bảo tốt nguồn cung ứng hàng hóa Tết, cũng như đảm bảo giá cả không tăng đột biến. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết; đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các địa phương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan chủ động theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm để chủ động phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung – cầu, ổn định thị trường không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết. Đồng thời chủ động theo dõi tình hình giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, tránh xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và bất thường.

Theo nhận định của các ngành chức năng, thị trường hàng hóa Bắc Kạn đang có sự phục hồi rõ nét theo xu thế của cả nước, lạm phát được kiểm soát tốt. Lượng hàng dữ trữ trong các tổ chức và hộ kinh doanh cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Hiện nay, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh như: Siêu thị BKmart, Siêu thị Lucky mart, Siêu thị Vinmart, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Huy, các nhà phân phối (Nhà phân phối Ngọc Cường, nhà phân phối Sinh Thành, nhà phân phối Vương Huyền, nhà phân phối Nguyễn Thị Nga), các Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ huyện Ba Bể, Chợ Đồn và các chợ truyền thống, các đại lý bán lẻ hàng tạp hoá, lương thực chế biến trên địa bàn toàn tỉnh đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết, đặc biệt là các mặt hàng lương thực (gạo tẻ ngon, gạo nếp các loại, đỗ, …), thực phẩm tươi sống (gà ta sạch, gà trống thiến, thịt lợn sạch….), thực phẩm công nghệ (bánh, mứt, kẹo, rượu, bia các loại, các loại đồ uống bằng hộp…), các mặt hàng nông, lâm sản (lá dong, mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, hạt bí, hướng dương), …

Ngoài ra, trước ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi lan rộng khiến nguồn cung giảm mạnh, giá thịt lợn trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao và có xu hướng tiếp tục tăng kéo theo các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác cũng tăng nhẹ theo, xu hướng tiêu dùng của người dân về mặt hàng thịt lợn đã giảm đáng kể, do tâm lý e ngại nên người dân sử dụng một số thịt gia súc, gia cầm khác để thay thịt lợn. Qua rà soát và làm việc thực tế tại một số đơn vị, hiện nay siêu thị Vinmart có khả năng dự trữ khoảng 3 tấn thịt các loại (nhập hàng theo chuỗi siêu thị của Tập đoàn Vincommerce); Cửa hàng thuỷ hải sản Tiến Thu (phường Đức Xuân) có khả năng dự trữ khoảng 2 tấn thịt chế biến, hải sản các loại, tình huống khẩn cấp có thể chuyển sang dự trữ thịt lợn cấp đông. Đồng thời tăng nguồn cung từ các địa phương khác và tạo điều kiện thuận lợi trong khâu vận chuyển lưu thông là giải pháp được đưa ra để bình ổn thị trường thịt lợn cuối năm.

Hoàng Huyền (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005165
Views Today : 144
Views This Month : 3604
Views This Year : 11512
Total views : 72052
Language
Skip to content