Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo tổ chức triển khai các nội dung đảm bảo theo Kế hoạch số 399/KH- UBND ngày 19 tháng 9 năm 2018 về việc tổ chức sự kiện “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và các đặc sản tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội” năm 2018 gồm các nội dung: phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị giới thiệu “Tuần lễ sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại Hà Nội” năm 2018; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khai mạc Hội chợ Nông đặc sản vùng miền, Tuần lễ quảng bá Cam sành Hà Giang, Quýt Bắc Kạn; tổ chức bán hàng tại nơi diễn ra sự kiện và bán hàng quảng bá tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời triển khai tốt công tác thông tin tuyên truyền, trước, trong và sau sự kiện. Một số kết quả cụ thể như sau:
Ngày 19 tháng 12 năm 2018, tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức Hội nghị giới thiệu “Tuần lễ sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn” tại Hà Nội năm 2018 với quy mô gần 200 đại biểu dự, trong đó có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương, lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Kạn. Đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản tỉnh Bắc Kạn, các nhà phân phối, tiêu thụ của thành phố Hà Nội và phóng viên báo, đài đến dự và đưa tin. Thông qua Hội nghị, tỉnh Bắc Kạn đã giới thiệu về thế mạnh, tiềm năng của sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn; tiến hành trao đổi thông tin sản phẩm, kết nối giữa các đơn vị, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh.Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh khẳng định: Tỉnh Bắc Kạn sở hữu nhiều sản phẩm nổi bật. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn cần chú trọng triển khai các giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến và hệ thống doanh nghiệp phân phối, để xây dựng các liên kết cung cầu một cách có hiệu quả và bền vững,cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình quảng bá sản phẩm, làm tốt công tác định hướng truyền thông nhằm hỗ trợ tốt nhất cho kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trái cây có múi của tỉnh.
Vào buổi tối cùng ngày, tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức khai mạc Hội chợ Nông đặc sản vùng miền và Tuần lễ quảng bá Cam sành Hà Giang, Quýt Bắc Kạn năm 2018 tại địa chỉ số 489, Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Từ ngày 19/12 đến ngày 25/12/2018, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức khu trưng bày giới thiệu cam, quýt và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn với diện tích 180m2, bố trí cho 12 gian hàng của 14 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp trưng bày sản phẩm hàng hóa. Trong đó, có 04 gian trưng bày sản phẩm cam, quýt Bắc Kạn, 08 gian trưng bày các đặc sản khác của tỉnh Bắc Kạn. Hàng hóa tham gia trưng bày, bán gồm 105 sản phẩm với số lượng lớn,sắp xếp bố trí tương đối phong phú, đa dạng, mang bản sắc của địa phương. Sản phẩm chủ yếu là cam, quýt đạt tiêu chuẩn VietGap hoặc đã được chứng nhận đủ điều kiện An toàn thực phẩm và các sản phẩm OCOP đạt ba sao trở lên và các đặc sản thế mạnh của Bắc Kạn như: miến dong Bắc Kạn, Gạo Bao Thai, gạo nếp Khẩu nua Lếch, mật ong, tinh bột nghệ, curcumin nghệ, bí xanh thơm, chè sạch, măng khô, măng tươi, lạp sườn, bún khô, rượu men lá, thịt trâu khô, mác mật sấy…thu hút hàng nghìn lượt khách hàng thăm quan, mua sắm, tìm kiếm đối tác.Sản lượng cam, quýt tiêu thụ tại Hội chợ ước khoảng 4,5 tấn, giá bán cao và duy trì ổn định trong suốt thời gian diễn ra Tuần lễ như Quýt Na Rì: 50.000đ/kg, Cam đường canh 40.000đ/kg, Quýt Bắc Kạn loại 4-5 quả/kg giá bán 30.000đ/kg. Thông qua Hội chợ, Quýt Bắc Kạn bắt đầu tiếp cận với một bộ phận người tiêu dùng thành phố Hà Nội và có phản hồi tích cực về sản phẩm.Các sản phẩm nông sản khác được người tiêu dùng khá ưa chuộng như sản phẩm gạo nếp Khẩu nua Lếch Ngân Sơn, miến dong Bắc Kạn, măng khô, bún khô, lạp sườn, rượu men lá… Thông qua sự kiện lần này, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản đã kết nối được với một số nhà phân phối, tiêu thụ nông sản và sẵn sàng tham gia hợp đồng, gửi hàng theo đơn đặt hàng của khách.
Cùng thời gian diễn ra tuần lễ, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức kết nối và đưa sản phẩm của 05 Hợp tác xã vào bán hàng và quảng bá tại hệ thống 5 siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội.Sản phẩm quảng bá tại các điểm là quýt Bắc Kạn; cam đường canh; rau bồ khai; rượu chuối, thịt hun khói, giấm chuối, chuối sấy dẻo, lạp sườn, bánh gio; tinh bột nghệ. Các sản phẩm có đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có bao bì sản phẩm, có tem mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm đã được người tiêu dùng đánh giá tốt, có tiềm năng kết nối lâu dài vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch của thủ đô Hà Nội.
Các hoạt động truyền thông được tổ chức chu đáo, tạo hiệu ứng truyền thông tốt, thông tin về sự kiện và các hoạt động được báo, đài Trung ương, Hà Nội và tỉnh Bắc Kạn đưa tintrước, trong và sau sự kiện.
Trong thời gian tới,Sở Công Thương sẽ kiến nghị với UBND tỉnh Bắc Kạnchỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển một số nông sản có thế mạnh của tỉnh, quan tâm đến việc phát triển diện tích sản xuất theo các quy trình VietGAP, hữu cơ; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh với quy mô ngoài tỉnh trong những năm tiếp theo để tạo hiệu ứng quảng bá sâu rộng hơn nữa đến người tiêu dùng./.
Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)