Khắc phục thiệt hại do bão số 9: Bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ người dân vùng lũ

Tại cuộc họp về chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão số 9 và công tác tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh Quảng Nam diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công Thương cung ứng đủ hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, vật liệu, sửa chữa nhà cửa, đặc biệt kiểm soát tốt giá cả thị trường.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ miền Trung

Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, đây là bão lũ lịch sử. Trong thời gian ngắn, có 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.

Thủ tướng nhấn mạnh, khó khăn phía trước còn rất nhiều, thiệt hại về người và của, các công trình hạ tầng xã hội, giao thông vận tải bị ảnh hưởng rất lớn, mùa màng thất bát, nhà cửa bị tàn phá trên diện rộng nhưng Đảng và nhà nước tin tưởng rằng, người dân miền Trung anh hùng sẽ vượt lên tất cả. “Các đồng chí các tỉnh miền Trung cần đoàn kết, quyết tâm vượt qua thử thách, vượt qua những trở ngại của thiên nhiên để phát triển mạnh mẽ hơn nữa” – Thủ tướng động viên.

Buổi làm việc về công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão số 9 và công tác tìm kiếm cứu nạn của Thủ tướng Chính phủ diễn ra tại tỉnh Quảng Nam

Thủ tướng nêu những nhiệm vụ cụ thể, cần ưu tiên thực hiện ngay để khắc phục hậu quả của các cơn bão thời gian qua, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Thứ nhất là bảo đảm giao thông thông suốt. Theo đó, quốc lộ thì Bộ Giao thông vận tải phải lo, tỉnh lộ thì tỉnh phải lo… Đối với tuyến đường vào Phước Lộc, Thủ tướng nhất trí giao Quân khu 5 khảo sát, báo cáo Chính phủ, Bộ Quốc phòng sớm xử lý, không để tuyến này bị tắc hoàn toàn.

Thứ hai, tìm mọi biện pháp cứu người ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định…Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế tỉnh Quảng Nam (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam) tận tình chăm sóc, chữa trị; lo chỗ ăn, ở, đi lại miễn phí cho người dân còn sống sót sau cơn lũ…

Thứ ba, phải tiếp tục chăm sóc gia đình bị nạn kịp thời. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải lo vấn đề này, để người dân bớt khổ đau hơn.

Thứ tư, Không được để người dân lâm cảnh màn trời, chiếu đất, đói cơm lạt muối, bệnh tật sau lũ. Chính vì thế, việc hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương đến người dân phải kịp thời, liên tục. Ngành y tế từ trung ương đến địa phương phải hỗ trợ thuốc men để phòng ngừa dịch bệnh.

Thứ năm là vận động mọi biện pháp có thể để con em trở lại trường lớp, có sách vở học tập.

Thứ sáu, yêu cầu các địa phương tiếp nhận nguồn viện trợ công khai, minh bạch, có tiền đến đâu hỗ trợ cho người dân nhanh đến đó. Thủ tướng ghi nhận và cảm ơn tấm lòng của các nhà hảo tâm đến từ các địa phương.

Thủ tướng chỉ đạo hệ thống chính trị, đơn vị quân đội, công an vận động làm lại nhà ở cho dân tốt hơn. Đối với các Bộ, ngành, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai lực lượng, phương tiện, kể cả máy bay trực thăng, tàu thủy… để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm cứu trợ.

Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục hệ thống điện, sản xuất công nghiệp, cung ứng đủ hàng, nhất là lương thực, thực phẩm thiết yếu, kiểm soát tốt giá cả thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất.

Đối với đề xuất bổ sung gạo hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung, Thủ tướng thống nhất, đồng thời lưu ý gạo phải đưa đến dân, đúng đối tượng. Thủ tướng cũng đồng ý hỗ trợ thêm kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, trong đó có khoản hỗ trợ nhà sập, hư hỏng nặng cho người dân.

Đảm bảo công tác cung cấp hàng hóa thiết yếu, kiểm soát thị trường

Ngay sau buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Thường trực phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (VPTT) đã có báo cáo tình hình chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 9 và mưa lũ tại khu vực miền Trung.

Theo đó, về cung ứng, đảm bảo hàng hóa, tại Nghệ An, tình hình thị trường trên địa bàn vẫn giữ ổn định, không có biến động bất thường về giá, không có hiện tượng đầu cơ tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra. Giá các mặt hàng rau có tăng, giá các mặt hàng thiệt yếu lương thực thực phẩm, gạo, mỳ tôm, sữa … xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm công nghệ vẫn giữ ổn định.

Cục QLTT Nghệ An đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát thị trường không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý xảy ra trên địa bàn. Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện tại hoạt động kinh doanh trên địa bàn vẫn có phần hạn chế; giá cả các mặt hàng đều giữ ở mức ổn định; không xảy ra tình trạng khan hiếm đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề trong trận lũ vừa qua. Đến hiện tại các mặt hàng lương thực, thực phẩm phong phú, đa dạng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Các nhà phân phối, đại lý đã khẩn trương vận chuyển các loại hàng hóa nhu yếu phẩm thiết yếu đến để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Không còn tình trạng ngập lụt, hầu hết các cơ sở kinh doanh và chợ dân sinh đã đi vào hoạt động bình thường, người dân đã quay lại ổn định cuộc sống.

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát và nắm bắt tình hình, trên địa bàn toàn tỉnh chưa thấy có dấu hiệu hàng hóa bị khan hiếm hoặc hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý đối với các loại hàng hóa phục vụ tiêu dùng hàng ngày như lương thực, thực phẩm công nghệ, thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm cấp đông, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai và các loại hàng hóa khác trong cùng nhóm. Các mặt hàng phục vụ sữa chữa công trình xây dựng, sữa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị, đồ gia dụng và các loại thuốc phòng chống dịch bệnh sau mưa lụt, trang thiết bị y tế thông dụng phục vụ sơ cứu như dầu gió, dầu phật linh, thuốc trị cảm cúm, thuốc trị đau bụng,… đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá cả ổn định.

Đối với các mặt hàng rau củ quả, giá không thay đổi so với hôm qua, riêng một số loại rau như: Rau khoai lang, rau mồng tơi, rau cải, rau muống có ít hàng, các sạp chỉ bán với số lượng nhỏ lẻ, giá cả cao hơn trước khi mưa lụt.

Tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, các siêu thị, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Qua theo dõi và kiểm soát chặt chẽ tình hình thị trường trong những ngày qua, đến nay giá cả mặt hàng vật liệu xây dựng vẫn ổn định, sức mua giảm, dần ổn định và không biến động so với 2 những ngày đầu sau bão. Riêng tại Quảng Trị, nguồn rau xanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế do bị ảnh hưởng của ngập lụt, chủ yếu là rau, củ, quả nhập từ ĐăkLăk, Đà Lạt (bắp cải, cà rốt, khoai tây, khoai lang…).

Tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng cơ bản các hoạt động thương mại ổn định, không có tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư y tế và các mặt hàng phục vụ sữa chữa công trình xây dựng, sữa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng, chưa phát hiện hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, Vụ Thị trường trong nước đã thường xuyên đôn đốc, bám sát tình hình cung ứng hàng hóa thiết yêu nói chung, hàng hóa nguyên vật liệu nói riêng tại các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng bão số 9. Đồng thời, lên phương án liên hệ với các nhà cung cấp lớn nhằm điều tiết hàng hóa thiết yếu khi xảy ra đứt nguồn cung tại các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 9.

Nguồn: http://moit.gov.vn/




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005337
Views Today : 92
Views This Month : 1522
Views This Year : 30787
Total views : 91327
Language
Skip to content