Kỷ niệm 75 năm trận Công đồn Phủ Thông (25/7/1948 – 25/7/2023)

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bắc Kạn là căn cứ địa kháng chiến, vùng trọng điểm trong các kế hoạch tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp. Nơi đây, vào tháng 10 năm 1947, quân đội viễn chinh Pháp đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn), mở màn chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông năm 1947. 

Ngày 15 tháng 10 năm 1947, chúng tiến quân lên chiếm đóng, xây đồn kiên cố trên một mỏm đồi tại khu vực núi Nà Cọt, thị trấn Phủ Thông nhằm khống chế và tiêu diệt lực lượng của ta. Đồn có hình chữ nhật, dài 100m, rộng 50m, cổng đồn quay về phía Nam, làm bằng gỗ chắc chắn, tường đắp bằng đất, dày 1m, cao 2m, trong và ngoài tường ghép gỗ, bên ngoài có cọc chống, 4 phía có nhiều lỗ châu mai; 4 góc đồn là 4 lô cốt mẹ, xây nhà 2 tầng bằng gạch và đá: Góc tây bắc bố trí khẩu 12 ly 7 và cối 60 ly. Góc đông bắc bố trí 1 trung liên, góc đông nam bố trí 1 đại liên và cối 81 ly. Đồn cách ngã ba Phủ Thông 300m, nằm trên đường giao nhau giữa Quốc lộ 3 với đường tỉnh lộ 258, cách thị xã Bắc Kạn 18km; phía sau đồn là núi đất, cây cối rậm rạp; trong đồn có một nhà gạch và một số lều bạt vải dã chiến, công sự hầm hào lúc đầu còn khá sơ sài. Đây là một vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch, là tiền tiêu phía Bắc thị xã, bảo vệ hành lang trên 2 trục đường: Bắc Kạn – Ngân Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn – Chợ Rã (Ba Bể). Lực lượng của chúng gồm 1 đại đội bộ binh, 1 trung đội trợ chiến khoảng 150 tên địch với nhiều vũ khí tối tân kèm súng trường và lựu đạn.

Thấy rõ được vị trí chiếm đóng và sự bố trí kiên cố của lực lượng địch tại Đồn Phủ Thông, ngày 08/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Người đã phân tích, vạch rõ những ý định và tình hình địch. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy khí thế tiến công địch, tại đồn Phủ Thông đã liên tiếp xảy ra những trận công đồn.

Trận tập kích lần thứ nhất diễn ra vào đêm 30/11/1947,Đại đội 395 (Trung đoàn 72) phối hợp với Trung đội tập trung của du kích thị xã tập kích đồn Phủ Thông nhằm bao vây, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, ngăn chặn sự tiếp ứng của chúng cho cánh quân ở phía Nam Bắc Kạn. Quân ta bí mật hành quân chiếm lĩnh trận địa, diệt lính gác, dũng cảm xung phong vào đồn thực hiện “cướp súng giặc diệt giặc” làm chủ hoàn toàn khu lều bạt. Tên chỉ huy đồn ra lệnh phản kích chiếm lại nhưng bị hoả lực của ta bắn chặn quyết liệt, địch phải cố thủ trong nhà gạch. Binh lính trong đồn bị thương vong nhiều, kêu la ầm ĩ, xô nhau trèo tường chạy toán loạn ra ngoài rừng. Bộ phận yểm trợ của ta bố trí cách đường khoảng 100m, hết đạn và lựu đạn các chiến sĩ đột kích vào đồn dùng cả gạch, đá đánh địch. Thấy tình hình trở lên bất lợi, bộ đội và du kích chủ động rút ra ngoài. Trong trận này, ta tiêu diệt khoảng 50 tên (15 tên chết), phá doanh trại và thu một số vũ khí của địch. Tuy trận đánh diễn ra không đúng kế hoạch, hiệp đồng tác chiến giữa bộ phận yểm trợ bên ngoài và bộ phận đột kích vào đồn chưa chặt chẽ, nhưng đã làm cho quân Pháp hoảng sợ, phải điều thêm lực lượng về chiếm giữ đồn, củng cố công sự, canh phòng cẩn mật hơn.

Trận tập kích Đồn Phủ Thông đêm 30/11/1947 có ý nghĩa quan trọng, làm tiêu hao lực lượng địch, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang, cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội, du kích, củng cố niềm tin của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với Đại đội 395 và Trung đội du kích thị xã.

Trận tập kích lần thứ hai diễn ra vào đêm ngày 12/3/1948, Tiểu đoàn 45 có pháo binh yểm trợ đã tập kích Đồn Phủ Thông. Tuy không đột nhập vào đồn được, nhưng đạn pháo đã diệt 30 tên, làm bị thương 40 tên địch, phá hỏng nặng hầm hào, công sự và doanh trại của chúng. Bọn địch ở thị xã Bắc Kạn lên ứng cứu bị Đại đội Cẩm Lý phối hợp với một phân đội của Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 72) và Trung đội du kích tập trung huyện Bạch Thông phục kích địch tại km số 8 phía Bắc thị xã. Trận phục kích đã buộc địch phải quay về thị xã, 3 ngày sau mới dám cho quân tăng cường lên Phủ Thông. Lo sợ bị quân ta tiêu diệt, quân địch vội vàng mạo hiểm cho máy bay tiếp tế lương thực, vũ khí và tìm cách đưa thương binh về Hà Nội.

Đầu tháng 6/1948, Đảng bộ Bắc Kạn họp đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh ta trong tình hình mới. Đại hội chủ trương đẩy mạnh xây dựng lực lượng (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), tích cực tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, tiến lên giải phóng toàn tỉnh. Quân và dân trong tỉnh nói chung, huyện Bạch Thông nói riêng, phối hợp tích cực với Tiểu đoàn bộ binh 11 (Trung đoàn 308); Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 72) và một đại đội của Tiểu đoàn pháo binh 410 tăng cường đánh Đồn Phủ Thông lần 3 vào đêm 25/7/1948 để thực hiện mục đích chiến dịch và phương pháp cường tập. Đây là trận đánh có quy mô lớn nhất do Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo. Khoảng 18giờ, ngày 25/7/1948, pháo binh ta bắt đầu nổ súng phá sập một phần khu thông tin và làm hỏng một số tường rào, giao thông hào bao quanh cứ điểm. Lúc này, bộ phận xung phong của ta lợi dụng địa hình, địa vật cơ động triển khai đội hình bên ngoài hàng rào nhanh chóng vượt rào dũng mãnh xông lên đánh chiếm các vị trí theo kế hoạch đã phân công.

Các chiến sĩ ném lựu đạn, dùng tiểu liên và súng trường bắn vào hỏa điểm của địch, rồi dùng mác xung kích, dao găm diệt địch. Khi quân ta vượt qua cửa mở vào đồn, bọn địch dựa vào các ụ súng, đài quan sát và các nhà ở chống lại điên cuồng. Trong lúc ta tiêu diệt được những hoả lực chủ yếu và phát triển tiến công mạnh, những tên còn sống sót rút chạy về phía góc Tây Bắc, dựa vào nhà kho, lô cốt chống cự quyết liệt. Bị thương vong nhiều, binh lính địch rút xuống hầm ngầm. Ta hoàn toàn làm chủ chiến trường, thu vũ khí, chiến lợi phẩm và dùng loa gọi địch ra hàng. Do chủ quan sơ hở, một số cán bộ chiến sĩ của ta tập trung giữa sân đồn, bọn địch trốn theo hầm ngầm ra ngã ba Phủ Thông dùng trọng liên bắn vào. Trận đánh kéo dài đến 23giờ đêm, mặc dù không chiếm được cứ điểm nhưng ta đã tiêu diệt và làm bị thương 3/4 quân số địch, trong đó có tên đồn trưởng và phó đồn trưởng, phá hủy hệ thống công sự, vật cản, nhà ở trong đồn. Về phía ta, có 109 đồng chí đã hy sinh. Trận đánh này đã tạo sức ép khiến cho quân địch phải rời khỏi thị xã Bắc Kạn. Trận đánh được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy biểu dương, Tiểu đoàn 11 được mang tên “Tiểu đoàn Phủ Thông”.

Trận đánh tiến công cứ điểm Phủ Thông đêm 25/7/1948 là trận đánh công kiên bằng hoả lực quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên của quân đội ta. Tuy không giành được thắng lợi hoàn toàn song có ý nghĩa rất quan trọng. Trận tập dượt của quân đội ta chống lại chiến thuật phòng ngự kiểu “cứ điểm nhỏ” của thực dân Pháp, đánh dấu sự trưởng thành của quân đội ta về khả năng và phương pháp tác chiến, đồng thời quân, dân ta càng hiểu rõ hơn đối tượng tác chiến. Đây là điểm mốc quan trọng ghi dấu ấn thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng chiến thuật cường tập tiêu diệt cứ điểm địch. Trận đánh đã để lại cho ta nhiều bài học kinh nghiệm quý về khâu điều tra trinh sát địch, sử dụng hoả lực trong điều kiện vũ khí, trang bị còn thiếu; thời cơ sử dụng lực lượng; tổ chức chỉ huy, đảm bảo thông tin liên lạc, hiệp đồng tác chiến giữa bộ binh, pháo binh được tổng kết và phổ biến kịp thời trong toàn quân.        

Chiến thắng Phủ Thông đã tạo điều kiện cho quân và dân Bắc Kạn phát huy thế chủ động, liên tiếp mở những trận tập kích, phục kích tiêu hao sinh lực địch. Đồng thời, làm cho quân Pháp ở Bắc Kạn thêm cô lập, lúng túng, một lần nữa làm rung chuyển hệ thống cứ điểm của địch trên mặt trận đường số 3. Bộ chỉ huy của quân địch ở Đông Dương lo lắng, lục đục. Chiến thắng này gây tiếng vang lớn, làm nức lòng quân dân cả nước và dư luận nước Pháp, nó đi vào lịch sử gắn liền với những chiến công vang dội của quân dân ta.

***

75 năm trôi qua, trận Công đồn Phủ Thông đã đi vào lịch sử như một niềm tự hào của dân tộc, quê hương Bắc Kạn nói chung, huyện Bạch Thông nói riêng.Trận đánh thể hiện ý chí kiên cường, lòng dũng cảm của quân và dân ta, là bước phát triển mới về chiến thuật quân sự, chiến thuật đánh công kiên, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của quân đội ta về khả năng tác chiến và phương pháp tác chiến. Đây là điểm mốc quan trọng ghi dấu ấn thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng chiến thuật cường tập cấp tiểu đoàn tiêu diệt cứ điểm địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên của bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng đã mang lại niềm tin và kinh nghiệm, có cống hiến lớn cho bộ đội ta tiến công lên con đường đánh công kiên, đặc biệt là Chiến dịch giải phóng biên giới và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nói chung trong cả 30 năm kháng chiến”.

Trân trọng ý nghĩa lịch sử đó, ngày 27 tháng 3 năm 1998, Đồn Phủ Thông được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày 01 tháng 6 năm 1999, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân thị trấn Phủ Thông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn nói chung, huyện Bạch Thông và thị trấn Phủ Thông nói riêng luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, góp phần xây dựng quê hương Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững./.

Theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm trận Công đồn Phủ Thông 25/7/1948 – 25/7/2023 (Kèm theo Công văn số 1212-CV/BTGTU, ngày 06 tháng 6 năm 2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005174
Views Today : 172
Views This Month : 478
Views This Year : 12888
Total views : 73428
Language
Skip to content