Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế.

Phòng ngừa giải quyết các tranh chấp quốc tế được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Chỉ thị số 27/CT-TTg – cột mốc mới trong lộ trình phòng ngừa tranh chấp

Ngày 10/7/2020, lần đầu tiên Thủ tướng ban hành một chỉ thị mang tính tổng chỉ đạo toàn diện các bộ ngành về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư và phòng ngừa việc phát sinh các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế. Thật ra đây không phải là lần đầu tiên nhà nước Việt Nam quan tâm đến vấn đề này. Các văn bản nghị quyết khác làm khung nền cho Chỉ thị 27 này bao gồm Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.

Trước đó, một loạt các cuộc tập huấn về phòng ngừa và giảm thiểu hay hóa giải các mầm mống về tranh chấp đầu tư đã diễn với tần số rất thường xuyên ra từ năm 2017 bao gồm những cuộc hội thảo do ngân hàng thế giới, USAID cùng phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức. Tổng thư ký cùa Trung tâm Giải quyết tranh chấp đầu tư thuộc Ngân hàng thế giới ICSID cũng đã đến Việt Nam trao đổi với chuyên gia các bộ liên quan về những Bộ qui tắc ICSID và những hoạt động của  trung tâm này. Chuyên gia phụ trách về phòng ngừa tranh chấp quốc tế và thư ký UNCITRAL một chuyên gia hàng đầu và rất tích cực thúc đẩy cho việc hòa giải trong tranh chấp đầu tư cũng đã đến trình bày tại hội thảo ở Hạ Long năm 2018 về các biện pháp phòng ngừa.

Tiếp theo đó, vào năm 2019, các chuyên gia của Bộ Tư pháp và một số luật sư cũng đã tham gia các buổi tập huấn sâu cho các cán bộ làm công tác quản lý đầu tư tại các tỉnh địa phương chứ không chỉ tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Một số điểm cần lưu ý trong Chỉ thị 27/CT-TTg

Mặc dù nhà nước đã nhận diện được những nguy cơ nhà nước Việt Nam có thể bị nhà đầu tư  kiện tại các trung tâm trọng tài về tranh chấp đầu tư quốc tế và đã có chủ trương theo dõi phòng ngừa như đã nêu ở trên, nhưng chỉ đến rất gần đây, với việc ban hành Chỉ thị này, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt và toàn diện trong chủ trương phòng ngừa và chuẩn bị tinh thần để bảo vệ và phản biện khi nhà đầu tư khởi kiện.

Tại khoản 1.a của Chỉ thị 27, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, hàng năm rà soát, đánh giá việc đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế của Việt Nam về đầu tư; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các điều ước và nhận diện nguyên nhân cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về đầu tư.

Đặc biệt tại Chỉ thị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về đầu tư không còn phù hợp với Việt Nam. Tôi băn khoăn không biết có thể hiểu rằng nhiệm vụ này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một biểu thị cho chính sách xem xét lại và có thể đơn phương rút khỏi hay chấm dứt hiệu lực của các điều ước quốc tế hay hiệp định song phương không còn phù hợp với Việt Nam nữa. Sẽ cần thêm thông tin để khẳng định Việt Nam có đi theo chính sách này không. Trên thế giới đã có một số nước tuyên bố đơn phương chấm dứt điều ước hay hiệp định song phương, ví dụ như các nước Bolivia, Venezuela, Ecuador, South Africa, Indonesia, Italy, Russia.

Nếu quả thật Việt Nam xem xét đi theo hướng này, thì cần có những nghiên cứu cẩn thận về cách thức làm và các  hệ quả về kinh tế và ngoại giao, sao cho cân bằng giữa lợi ích của việc rút khỏi hoặc đơn phương chấm dứt các hiệp định song phương đa phương mà Việt Nam cho rằng không còn phù hợp và các bất lợi về ngoại giao.

Một điểm hay của Chỉ thị này là đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tập hợp, sắp xếp, bảo quản và lưu giữ đầy đủ hồ sơ đàm phán các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế của Việt Nam về đầu tư phục vụ cho việc giải thích, áp dụng các quy định liên quan; nghiên cứu xây dựng điều ước quốc tế mẫu về đầu tư của Việt Nam; định kỳ hai năm tiến hành rà soát, đánh giá tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế về đầu tư để có đề xuất, kiến nghị phù hợp; hàng năm rà soát, đánh giá pháp luật Việt Nam về đầu tư; phát hiện và đề xuất xử lý các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp; nghiên cứu, đề xuất thiết lập đầu mối tiếp nhận, giải quyết.

Song song với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ rà soát đánh giá việc đàm phán ký két và thực hiện các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về thương mại liên quan đến đầu tư thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; phát hiện và đề xuất các phương án giải quyết những khó khăn trong việc thực hiện các điều ước và hiệp định thuộc sự quản lý.

Trong khi đó Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho nhân lực để tư vấn cho Chính phủ và các bộ ngành địa phương khi tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Đặc biệt, tại khoản c Điều 3 Chỉ thị 27/CT-TTg nhấn mạnh, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý nhà nước về đầu tư làm phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các thiệt hại phát sinh cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm dẫn đến khiếu kiện gây thiệt hại ngân sách nhà nước sẽ bị xử lý theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử