Nhìn lại 10 năm thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Bước sang năm thứ 10 kể từ khi phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Cuộc vận động đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp và địa phương.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dung hàng Việt Nam”, UB MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn và Sở Công Thương tham quan, làm việc tại điểm bán hàng Việt tại Siêu thị BK Mart (thành phố Bắc Kạn)
Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dung hàng Việt Nam”, UB MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn và Sở Công Thương tham quan, làm việc tại điểm bán hàng Việt tại Siêu thị BK Mart (thành phố Bắc Kạn)

Cho đến nay, mạng lưới chợ, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng góp phần tập trung và phân phối nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Hoạt động xúc tiến quảng bá thương hiệu các sản phẩm hàng Việt trong thời gian qua luôn được chú trọng; trong đó tăng cường các hoạt động hội chợ, Phiên chợ hàng Việt, tổ chức các điểm bán hàng Việt để phục vụ hàng Việt đối với người dân. Công tác thanh tra, kiểm tra và triển khai giám sát các hoạt động về giá cả, bình ổn, vệ sinh an toàn thực phẩm…; chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong những năm qua tương đối tốt, đã góp phần hạn chế đáng kể được các hoạt động buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả. Qua đó góp phần nâng hình ảnh, khả năng cạnh tranh của hàng Việt, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiêu dùng, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt của người Việt Nam.

Hàng năm, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương đã chủ động triển khai thực hiện các nội dung tuyên truyền, phổ biến các nội dung về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua nhiều hình thức như: Đăng tin, bài trên Báo Bắc Kạn, đài PTTH địa phương, báo Điện tử, trên Bản tin, Website Sở Công Thương, làm băng rôn, tờ rơi tuyên truyền nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Thông báo 264-KL/TW ngày 31/7/2009 của Bộ chính trị, Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng chính phủ và các văn bản khác có liên quan, nhằm làm cho cán bộ công chức cũng như người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá Việt Nam, từ đó tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế xã hội, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam “ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hoá, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từng bước tham gia thị trường bán lẻ hiện đại, hướng tới xuất khẩu và hướng dẫn các thương nhân thuộc các thành phần kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các ngành nghề có tiềm năng thế mạnh của tỉnh như chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng (ưu tiên phát triển tổ chức kinh tế tập thể hộ gia đình sản xuất, chế biến nông sản; tổ hợp tác xã nông nghiệp)…. Triển khai có hiệu quả các Chương trình phối hợp, Quy chế phối hợp với các đơn vị có liên quan, nhằm phát triển thương mại nông thôn, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp … trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với UBND các cấp, các sở, ngành có liên quan tiến hành triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động xuất nhập khẩu, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động, Đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ, Dự án thuộc Đề án phát triển thị trường tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh, liên kết đầu tư, chủ động hội nhập trong cơ chế thị trường; nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động và phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt trong năm 2014, ngay sau khi Quyết định số 634/QĐ-TTg của Chính phủ có hiệu lực, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Kạn Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 01/10/2014 về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, năm 2017, Sở Công Thương đã tham mưu ban hành Quyết định số 1909/QĐ-UBND ngày 13/11/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt bổ sung một số nội dung tại QĐ số 1679/QĐ-UBND ngày 01/10/2014 của UBND tỉnh Bắc Kạn.

Để phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, từ năm 2015 đến năm 2017, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và được Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí xây dựng Điểm bán hàng Việt với tên gọi “tự hào hàng Việt Nam” tại thành phố Bắc Kạn (02 điểm – Siêu thị BK Mart, cửa hàng Bách hóa Hạ Thị Huệ), huyện Chợ Đồn (01 điểm – Cửa hàng bà Hoàng Thị Cúc). Các điểm bán hàng này cũng đã kết nối được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh có các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đưa vào trưng bày, quảng cáo và tiêu thụ. Điểm bán hàng này đã thực hiện đúng theo cam kết là 100% hàng hóa do Việt Nam sản xuất, xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, hưởng ứng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc kiểm tra, giám sát hàng hóa tham gia các kỳ hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn tiếp tục yêu cầu các đơn vị tổ chức hội chợ cam kết thực hiện các nội dung nhằm đảm bảo hàng hóa tham gia giới thiệu, bày bán tại hội chợ đảm bảo trên 70% là hàng Việt Nam, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn hàng hoá đúng theo quy định, đảm bảo không có hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng hóa đa dạng về chủng loại, mẫu mã đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng;

Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường (nay là Cục Quản lý thị trưởng) xây dựng kế hoạch triển khai, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá cả, chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh trái phép, nhất là việc kiểm tra chống buôn, bán hàng ngoại nhập lậu và các hành vi gian lận thương mại… tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển, từng bước chiếm lĩnh thị trường. Trong đó, các mặt hàng trọng điểm được thường xuyên kiểm tra như hàng hóa nhập khẩu, xăng dầu, vật tư nông nghiệp, mũ bảo hiểm, sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi, hàng thực phẩm tươi sống, sản phẩm chăn nuôi, văn hóa phẩm độc hại… Từ đó góp phần vào việc bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm cho thị trường phát triển lành mạnh.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về Cuộc vận động nên đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nhận được sự hưởng ứng của đa số người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng hàng Việt, góp phần thay đổi tâm lý thích hàng ngoại trong một bộ phận người tiêu dùng, xây dựng thói quen sử dụng hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc bằng những hành động thiết thực trong mỗi người dân, hướng đến lựa chọn hàng nội địa, nhất là những mặt hàng trong nước sản xuất có chất lượng cao, giá cả phù hợp, cũng như những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh. Người tiêu dùng đã có sự cân nhắc, so sánh giữa giá cả và chất lượng của hàng Việt Nam sản xuất và hàng ngoại nhập để lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, sản phẩm may mặc, đồ gia dụng, nhóm các mặt hàng cơ khí, điện tử…

Tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, người dân cũng đã nhận thức được ý nghĩa, vai trò của Cuộc vận động, quan tâm hơn đến các hoạt động mua sắm tiêu dùng hàng Việt. Các sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam có giá thành hợp lý và chất lượng đảm bảo luôn được người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên chọn mua, thay thế cho các sản phẩm ngoại nhập, hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc, mập mờ về nhãn mác. Cụ thể, tại các hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh, các gian hàng trưng bày sản phẩm chất lượng cao do các doanh nghiệp trong nước sản xuất luôn thu hút số lượng lớn khách tới tham quan mua sắm.

Trong thời gian qua, Cuộc vận động đã có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện Cuộc vận động cũng còn nhiều hạn chế, do sự vào cuộc của chính quyền địa phương có nơi còn thiếu tích cực và đồng bộ, nên việc phát triển mạng lưới kinh doanh hàng Việt chưa có tính liên kết vùng miền giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong và ngoài tỉnh, mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng hiện diện của hàng Việt Nam trên thị trường. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh, uy tín sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn còn nhỏ lẻ, mạng lưới dịch vụ còn quá mỏng nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng đang ngày càng tinh vi, khó phân biệt và vẫn còn tồn tại nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa do đời sống thu nhập của người dân còn thấp, người dân vẫn còn ham của rẻ, do vậy được các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả lợi dụng. Trong khi đó, giá cả của một số sản phẩm hàng Việt còn cao, chưa đáp ứng với thu nhập của người dân…

Trong thời gian tới, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự phát huy hiệu quả, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ chính trị; Chỉ thị số 24/CT-TTg  ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các văn bản có liên quan. Xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới, nâng cao nhận thức cho nhân dân và tư vấn cụ thể cho khách hàng về tiện ích, lợi ích trong việc sử dụng hàng Việt Nam trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng và doanh nghiệp hiểu rõ mục đích cuộc vận động và chú trọng đến các điểm bán hàng Việt. Phát huy hết năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hàng nội địa, khơi dậy ở người dân Việt Nam lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc.

Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường nông thôn, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, tiếp tục nâng cấp và mở rộng mạng lưới chợ bán lẻ tại các xã, thị trấn, đẩy mạnh phát triển dịch vụ tổng hợp ở các xã, thị trấn đồng thời đề xuất các biện pháp, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển.

Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt; hỗ trợ đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ cho các doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa, sản phẩm. Vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của địa phương.

Tăng cường phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh chống các hành vi kinh doanh trái phép, nhằm kiểm soát tốt việc kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu lưu thông trên thị trường cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức hội chợ do Sở cấp xác nhận cho các doanh nghiệp tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại về hàng hóa của địa phương sản xuất, chế biến, nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm và tạo điều kiện để các tổ chức, hộ kinh doanh có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các nhà phân phối lớn đến từ các tỉnh bạn, trao đổi thông tin để từng bước cải tiến sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường.

Để Cuộc vận động thực sự có ý nghĩa lan rộng trong thời gian tới cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các tầng lớp nhân dân để tạo ra phong trào thi đua sâu rộng hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động.

Triệu Thanh Hoa (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005167
Views Today : 110
Views This Month : 4011
Views This Year : 11919
Total views : 72459
Language
Skip to content