Quyết tâm xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và đại đoàn kết các dân tộc; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững” trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Tiền đề cho sự phát triển trong thời gian tới

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Các cấp ủy trong toàn Đảng bộ đã quyết tâm, từng bước đổi mới trong công tác lãnh đạo, điều hành, thường xuyên bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết các cấp. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tập thể các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh đã tập trung bàn bạc, thảo luận và thống nhất đề ra các nhóm giải pháp phù hợp, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Các cấp, các ngành của tỉnh đã tập trung điều hành, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm; chú trọng cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng; bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể từng bước đổi mới, tiến bộ; việc tăng cường đoàn kết các dân tộc không ngừng được phát huy. Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua chính là tiền đề quan trọng để tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Theo nhận định của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, trong những năm tới, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước ổn định. Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân. Dự báo, kinh tế trong nước giai đoạn 2020-2025 tiếp tục tăng trưởng, phát triển, tạo sức mua ổn định cho thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực, nhất là tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tập trung phát triển mạnh về công nghiệp sẽ là điều kiện thuận lợi cho lực lượng lao động của tỉnh, đồng thời là cơ hội phát triển, cung cấp sản phẩm nông lâm nghiệp ra thị trường ngoài tỉnh…

Trên địa bàn tỉnh, hạ tầng kinh tế – xã hội đã và đang đầu tư sẽ là cơ hội để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững. Xu hướng liên kết, hợp tác trong sản xuất nông, lâm nghiệp để hình thành vùng sản xuất hàng hoá sẽ phát triển. Với truyền thống quê hương cách mạng, Nhân dân cần cù chịu khó, lực lượng lao động dồi dào, trình độ từng bước được nâng lên, vì thế, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao, tạo tiền đề để nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến sẽ được đẩy mạnh. Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp luôn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên sẽ là động lực chính cho sự phát triển trong nhiệm kỳ tới. Bên cạnh đó, việc tập trung phát huy bản sắc văn hóa, đại đoàn kết các dân tộc sẽ là nền tảng quan trọng cho quá trình phát triển.

Những kết quả đạt được và kinh nghiệm sau 23 năm tái lập tỉnh, cùng với truyền thống đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của đảng bộ, Nhân dân sẽ là tiền đề, cơ hội thuận lợi để tỉnh Bắc Kạn khai thác tốt mọi tiềm năng, thế mạnh cho phát triển.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra

Trên cơ sở những kết quả nhiệm kỳ vừa qua, phân tích dự báo tình hình trong nước, khu vực và của tỉnh, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh quyết tâm xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững với 19 mục tiêu cụ thể. Trong đó: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 6,5-7,0%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 62 triệu/năm; sản lượng lương thực bình quân đầu người duy trì 500 kg/năm; duy trì tỷ lệ che phủ rừng 72,9%; đến năm 2025, xây dựng thành phố Bắc Kạn trở thành đô thị xanh – sạch – văn minh, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II; cả tỉnh có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 41 xã); thu ngân sách đến năm 2025 đạt 1.100 tỷ đồng; xuất, nhập khẩu tăng trưởng bình quân 10%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 2-2,5%, huyện nghèo giảm 3,5 – 4% trở lên…


Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển du lịch hồ Ba Bể

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh quyết tâm thực hiện có hiệu quả 04 Chương trình trọng tâm: (1) Tăng cường xây dựng Đảng, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác cán bộ theo phương châm tận tâm với công việc, tâm huyết với quê hương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới. Có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới. (2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX). (3) Phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. (4) Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch và công nghiệp chế biến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể. Hoàn thành các khu công nghiệp, phát triển các cụm công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp chế biến nông lâm sản và một số ngành có lợi thế của địa phương. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để phát triển nông lâm nghiệp và du lịch.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh khẳng định: Để thực hiện 04 chương trình trọng tâm đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII quyết nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tập trung chỉ đạo ban hành các nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm trên sát với tình hình thực tiễn, với tinh thần phát huy những kết quả 04 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ trước, đồng thời, tỉnh sẽ có cơ chế chính sách thực hiện có hiệu quả 04 chương trình trọng tâm trên.

Qua phân tích dự báo tình hình trong nước, khu vực và trong tỉnh, thời gian tới tuy có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi tỉnh phải có giải pháp phù hợp, đồng thời, công tác chỉ đạo điều hành phải năng động, sáng tạo để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh, phải vừa có những giải pháp ứng phó kịp thời trước mắt, vừa có chiến lược lâu dài để hạn chế tối đa những khó khăn, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Chính vì vậy, để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh xác định thực hiện 27 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:

Về phát triển kinh tế, gồm 09 nhóm giải pháp: Ưu tiên phát triển nông – lâm nghiệp, chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn; từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một số cây trồng có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung chỉ đạo xây dựng thành phố Bắc Kạn trở thành đô thị xanh – sạch – văn minh, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái; nâng dần tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Phát triển thương mại – dịch vụ, du lịch theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn sản xuất và đời sống Nhân dân. Thực hiện tốt công tác quản lý tài chính – tiền tệ – ngân hàng. Quy hoạch, đầu tư phát triển về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư các hạng mục trong chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có. Tạo môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi để thực hiện chủ trương khai thác và phát huy những lợi thế của địa phương, đồng thời tạo bước đột phá đồng bộ để phát triển kinh tế – xã hội. Thu hút, phát triển và khơi dậy nguồn lực của các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên của tỉnh. Khắc phục và hạn chế các dự án hiệu quả thấp để ưu tiên phát triển khoa học – công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào thực tiễn, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng cao. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên – môi trường; quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường.

Về phát triển văn hoá – xã hội, gồm 06 nhóm giải pháp: (1) Quán triệt, vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về giáo dục – đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; đồng thời, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong toàn dân để nâng cao trình độ dân trí. (2)Tập trung nguồn lực phát triển lĩnh vực y tế, đảm bảo thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. (3) Nâng cao chất lượng, đa dạng hoá loại hình hoạt động của lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin truyền thông. (4) Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; thực hiện các chỉ tiêu phát triển văn hóa nông thôn; phát triển các môn thể thao có thế mạnh, giữ gìn và phát triển các môn thể thao dân tộc truyền thống; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao. (5) Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và chế độ, chính sách đối với đối tượng người có công với cách mạng. (6) Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo.

Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, gồm 03 nhóm giải pháp: (1) Củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. (2) Đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. (3) Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nội chính, cải cách tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Về xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, gồm 03 nhóm giải pháp: (1) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định để làm tốt vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. (2) Đổi mới phương thức, lề lối làm việc và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện quan hệ của cơ quan hành chính Nhà nước với Nhân dân, nhất là cơ sở. (3) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phối hợp thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Về xây dựng Đảng, gồm 06 nhóm giải pháp: (1) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. (2) Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy viên và người đứng đầu cấp ủy các cấp đáp ứng với yêu cầu phát triển. (3) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. (4) Nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng và công tác dân vận chính quyền. (5) Chú trọng thực hiện việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định số 101-QĐ/TW, Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương. (6) Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Với truyền thống đoàn kết, cách mạng của quê hương Bắc Kạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục triển khai, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và 04 chương trình trọng tâm mà Đại hội đã quyết nghị; tranh thủ thời cơ, vận hội mới, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu xây dựng Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững./.

Nguồn: https://backan.gov.vn/




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005165
Views Today : 185
Views This Month : 3645
Views This Year : 11553
Total views : 72093
Language
Skip to content