Sau khi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 634/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016-2020. Qua 2 năm triển khai thực hiện, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:
Công tác tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua đã được thực hiện tương đối đồng bộ, rông khắp với nhiều nội dung phù hợp, sát với thực tế và tạo được sự chuyển biến trong phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào thi đua trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả (Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “5 không 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; “Cựu chiến binh gương mẫu”, “ Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi” của Hội Cựu chiến binh; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ tổ quốc”; xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”; Cuộc vận động “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới”…). Phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào trọng tâm của các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh. Các phong trào, các cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện mức sống của người dân tại khu vực nông thôn. Dù dưới tên gọi nào, thì mục tiêu hướng tới của phong trào thi đua cũng chính là việc góp phần thực hiện và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong hơn hai năm thực hiện chương trình, đã huy động được trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh nguồn lực quy ra tiền trị giá hàng trăm tỷ đồng, trong đó có trên 55.059 ngày công lao động, đóng góp tiền mặt 2.586 triệu đồng. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… Điển hình trong phong trào này như các ông Hà Văn Bảu, xã Quang Phong; ông Hoàng Văn Tiến, xã Xuân Dương (huyện Na Rì); ông Hoàng Văn Huân, xã Hương Nê; ông Nông Ngọc Tùng, xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn); ông Dương Quang Thạo và ông Lý Phúc Ba, (xã Quảng Khê, huyện Ba Bể); ông Ma Văn Tình (xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm)…Trong phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả của nông dân như mô hình sản xuất chuyên canh với quy mô lớn về cam, quýt ở xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (huyện Bạch Thông); xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên (huyện Chợ Đồn); hồng không hạt ở huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn; dong riềng ở huyện Na Rỳ, Ba Bể; trồng cây thuốc lá ở huyện Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Mới; phát triển trồng quế, trồng chuối (Xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn)…
Thực hiện Công văn số 381-CV/TU ngày 09/9/2016 của Tỉnh ủy phân công các đơn vị giúp đỡ xã khó khăn xây dựng nông thôn mới, các cơ quan, doanh nhiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang đã triển khai thực hiện với những việc làm thiết thực, đa dạng như: tư vấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực (xây dựng, giao thông, trông trọt, chăn nuôi, dạy nghề, bảo vệ môi trường…) tổ chức các hoạt động giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng (vận động ủng hộ tiền, tham gia ngày công lao động), giao lưu văn hóa, thể thao; tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, hỗ trợ giáo dục, y tế tại các cộng đồng dân cư. Các hoạt động đó đã giúp các xã từng bước thực hiện các tiêu chí về cơ sở vật chất, xây dựng các thiết chế văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo…đồng thời giúp nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng phong trào, ngành giao thông vận tải đã hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới trị giá gần 4,2 tỷ đồng, lực lượng Công an tỉnh trên 900 triệu đồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh quên góp 500 triệu đồng, Công ty Điện lực Bắc Kạn 489 triệu đồng; lực lượng vũ trang tỉnh đóng góp 411,9 triệu đồng; Trường Cao đẳng nghề nội trú tỉnh hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề hệ sơ cấp tương ứng với kinh phí 391,500 triệu đồng… Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; tổ chức rà soát, tổng hợp các xã còn yếu trong xây dựng nông thôn mới để có sự điều chỉnh kịp thời. Việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã góp phần tích cực trong thực hiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh có 09 xã đạt chuẩn và được công nhận xã nông thôn mới, tăng 07 xã so với năm 2016, 01 xã đạt 16 tiêu chí, 38 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 61 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, dự kiến hết năm 2018 tăng thêm 06 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 75% kế hoạch), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 15 xã (chiếm 13,6%) và bình quân mỗi xã đạt 10,9 tiêu chí. Tuy kết quả thực hiện chương trình còn khiêm tốn, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng về cơ bản bộ mặt nông thôn tỉnh ta đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực so với khi mới triển khai thực hiện chương trình.
Qua hơn hai năm tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã cho thấy sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức trong việc hưởng ứng phong trào thi đua với nhiều việc làm thiết thực, cụ thể. Kết quả đạt được cho dù còn khiêm tốn nhưng về cơ bản đã làm cho bộ mặt nông thôn của tỉnh ta có nhiều có nhiều đổi mới về cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Phong trào thi đua đã huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân, trong các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước góp phần tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp và đại bộ phận nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn.
Để đạt được mục tiêu khi kết thúc giai đoạn II Phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” vào năm 2020 cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp chính sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc tổ chức các phong trào thi đua, trong đó phong trào xây dựng nông thôn mới là trung tâm. Thường xuyên củng cố kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia và Hội đồng thi đua, khen thưởng cấp cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;
- Trên cơ sở kết phong trào thi đua, các địa phương đề ra các biện pháp hữu hiệu, phù hợp với thực tiễn để khắc phục những hạn chế để thực hiện có hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới chưa đạt. Đối với các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cần quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng phong trào để huy động các nguồn lực (công sức, tài sản, trí tuệ) vào xây dựng nông thôn mới;
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế được tỉnh giao nhiệm vụ giúp các xã trong xây dựng nông thôn mới tiếp tục quan tâm, có các giải pháp cụ thể, thiết thực để giúp cơ sở thực hiện các tiêu chí nông thôn mới;
- Các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền những cách làm hay, những mô hình mới, gương người tốt việc tốt để tạo sự lan tỏa trong nhân dân, thúc đẩy phong trào thi đua rộng khắp trên địa bàn tỉnh;
- Quan tâm phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân, gia đình có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới để tôn vinh những đóng góp của họ đối với cộng đồng, xã hội.
Hoàng Huyền (Sở Công Thương)