Sở Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020

Ngày 15/7/2020, Đảng bộ, chính quyền Sở Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Hoàng Hà Bắc- Tỉnh ủy viên, Bí thư đảng bộ, Giám đốc Sở Công Thương; các đồng chí trong Ban Chấp hành đảng ủy, Ban Giám đốc Sở, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cùng toàn thể các đồng chí đảng viên trong đảng bộ và toàn thể công chức, viên chức, người lao động Sở.

Năm 2020, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2020; Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 09/01/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2020 và sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã ban hành Chương trình hành động số 554/CTrHĐ-SCT ngày 24/12/2019 về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 ngành công thương; ngày 02/01/2020, ban hành Quyết định số 01/QĐ-SCT về giao nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2020 cho các đơn vị. Lãnh đạo Sở đã thường xuyên quán triệt, chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể đối với từng lĩnh vực quản lý và tích cực triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã được giao.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã xảy ra dịch bệnh Covid-19, với diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đối với mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, đây là khoảng thời gian có nhiều biến động đối với ngành công nghiệp – thương mại, dịch vụ cả nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Ngành Công nghiệp bị tác động không nhỏ, gây nhiều khó khăn cho sản xuất công nghiệp, một số doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn… ; các nhà máy chế biến thiếu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, điển hình như: ván dán, chì kim loại,…; bên cạnh đó, các sản phẩm của các doanh nghiệp phần lớn là xuất sang thị trường Trung Quốc, vì vậy khi dịch Covd-19 xảy ra các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bị đình trệ và phải qua nhiều thủ tục kiểm dịch hơn so với trước, do đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với lĩnh vực thương mại – dịch vụ giảm sâu so với cùng kỳ, đặc biệt là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống bị ảnh hưởng lớn do giảm lượng khách du lịch trong và ngoài nước dẫn đến doanh thu giảm so cùng kỳ năm trước. Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về các giải pháp nới lỏng để khôi phục phát triển kinh tế – xã hội, do đó tình hình phát triển công nghiệp – thương mại trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc: Từ đầu tháng 5/2020 đến nay, đa số các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã dần ổn định đi vào sản xuất. Các cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ đã được phép mở cửa hoạt động bình thường nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh; sức mua từ tháng 5 đến nay đã tăng hơn so với tháng trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhìn chung ổn định, không có biến động lớn, riêng giá mặt hàng thịt lợn vẫn ở mức cao. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi tầng lớp nhân dân.

Dự báo tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 3.334.462 triệu đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 876.586 triệu đồng, tăng 1,47%; Khu vực công nghiệp, xây dựng đạt 534.334 triệu đồng, tăng 3,6% và riêng ngành công nghiệp đạt 226.633 triệu đồng, tăng 3,25%; Khu vực dịch vụ đạt 1.812.207 triệu đồng, tăng 0,98% so với cùng kỳ 2019; Thuế sản xuất trừ trợ cấp tăng 3,42%.  Xét cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh: Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất là 55,23%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 14,07%; Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 27,37%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,34%.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Công Thương đã kịp thời triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành trung ương, Bộ Công Thương và của Tỉnh; đã lãnh đạo, chỉ đạo các Chi bộ, các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý nhà nước, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 thuộc lĩnh vực ngành công thương, đồng thời tập trung tham mưu thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển công nghiệp – thương mại 6 tháng đầu năm 2020 mà ngành Công Thương đạt được so với chỉ tiêu giao tại Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh như sau:

* Về phát triển công nghiệp:

– Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 602.875 triệu đồng, tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 44% kế hoạch năm 2020. Trong đó: Công nghiệp khai thác ước đạt 167.675 triệu đồng, giảm 0,76%; Công nghiệp chế biến ước đạt 387.941 triệu đồng, 3,70%; Công nghiệp sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước đạt 28.383 triệu đồng, tăng 8,9%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 18.876 triệu đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước;

– Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành cộng dồn 6 tháng năm 2020 tăng 1,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,97%; ngành chế biến, chế tạo tăng 3,68%; ngành sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,28% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,95%;

– Một số sản phẩm công nghiệp sản xuất chủ yếu trong 6 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước ước tính như sau: Tinh quặng kẽm 9.635 tấn, bằng 93,54%; Quặng ôxít kẽm 9.302 tấn, tăng 10,34%; Đá xây dựng 185.153 m3, tăng 13,64%; Quần áo may sẵn 466 nghìn cái, tăng 6,6%; Gỗ xẻ các loại 4.518m3, bằng 48,71%; Giấy bìa các loại 1.100 tấn, tằng 89,36%; Gạch các loại 22.935 nghìn viên, tăng 26,94%; Điện thương phẩm phát ra 123,96 triệu kwh, tăng 8,17%; Nước máy sản xuất 1.535 m3, tăng 5,35%… (Sản lượng một số sản phẩm chi tiết theo biểu đính kèm);

– Đến thời điểm báo cáo, tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 97,29%. Do hiện nay Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 3131/QĐ-BCT ngày 27/7/2016 nhưng chưa được cấp vốn nên tỷ lệ số hộ sử dụng điện đến nay không có thay đổi so với cuối năm 2019.

* Về phát triển thương mại, dịch vụ:

– Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2.308 triệu đồng, giảm 14,78% so với cùng kỳ 2019, đạt 35,41% kế hoạch năm 2020. Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh bình quân 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 3,32%. Trong đó, các nhóm hàng tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 13,24%; nhóm hàng dịch vụ y tế tăng 2,86%; nhóm hàng giáo dục tăng 2,49%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,5%….;

– Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 4,111 triệu USD, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 41,11% kế hoạch năm 2020. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,923 triệu USD với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ dán ép, đũa gỗ, quả mơ gừng đã sơ chế; kim ngạch nhập khẩu đạt 2,188 triệu USD với mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, veneer làm lớp mặt, tinh quặng chì.

Hiện nay nước ta đang chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế, song song với đó, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan còn cao, chưa dự đoán được chính xác mức độ ảnh hưởng và thời điểm kết thúc của dịch, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương thời gian tới tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Bên cạnh các khó khăn thì trong thời gian tới một số chính sách hỗ trợ, khôi phục sản xuất của Chính phủ sẽ dần phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp ngành công thương sẽ tích cực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nỗ lực thực hiện hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu theo kế hoạch năm 2020 đã đề ra. Thực hiện công tác quản lý nhà nước ngành công thương, trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành trung ương và của Tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội trước tác động của dịch Covd-19; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thuộc lĩnh vực ngành công thương theo kế hoạch của UBND tỉnh, của ngành đã đề ra từ đầu năm; tập trung theo dõi, đôn đốc, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời tham mưu, báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cho các doanh nghiệp an tâm và tập trung đẩy mạnh sản xuất.

Tin: Hoàng Huyền ; Ảnh: Nông Thảo (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 179
Views This Month : 2695
Views This Year : 10603
Total views : 71143
Language
Skip to content