Thực trạng công tác khai thác, quản lý an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Theo kết quả công tác điều tra địa chất, tỉnh Bắc Kạn có 273 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 24 loại khoáng sản được chia thành 5 nhóm: Khoáng sản nhiên liệu; Khoáng sản kim loại: Khoáng chất công nghiệp (Đá vôi xi măng, sét xi măng, đá vôi trắng, dolomit, pyrit, barit, graphit và thạch anh tinh thể, đá ốp lát); Vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) khá phổ biến gồm đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; đất sét làm gạch, ngói; cát, sỏi phân bố ở các huyện. Trong đó, tiềm năng về khoáng sản kim loại là khá triển vọng gồm quặng sắt, sắt – mangan với tài nguyên dự báo khoảng hơn 15 triệu tấn; vàng (có 19 mỏ và điểm quặng). Nhiều nhất là khoáng sản chì kẽm: Có 77 mỏ và điểm khoáng sản tập trung chủ yếu ở các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn, tài nguyên dự báo khoảng 4 triệu tấn kim loại chì kẽm. Trong những năm qua, các hoạt động khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản từng bước được nâng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Thứ nhất, về hoạt động khai thác khoáng sản: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 37 giấy phép khai thác còn thời hạn khai thác (trong đó: 08 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 29 giấy phép do UBND tỉnh Bắc Kạn cấp). Cụ thể: Giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp: 05 mỏ chì kẽm, 02 mỏ sắt, 01 mỏ đá vôi trắng. Giấy phép do UBND tỉnh Bắc Kạn cấp: 04 mỏ chì kẽm, 01 mỏ sắt, 01 mỏ vàng gốc, 08 mỏ đá vôi làm VLXD thông thường và 05 mỏ cát, sỏi. Theo đó sản lượng khai thác năm 2018: 181.982 tấn quặng chì kẽm; 7.000 tấn quặng sắt; 263.802m3 đá vôi làm VLXD thông thường và 54.116m3 cát, sỏi. Nhìn chung, các mỏ khai thác đảm bảo đúng vị trí mỏ đã được cấp phép, phương pháp khai thác cơ bản theo thiết kế mỏ đã phê duyệt. Các hoạt động khai thác khoáng sản kim loại trong những năm gần đây có chiều hướng giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ thấp, đặc biệt là quặng sắt. Đối với quặng chì kẽm, trong số 08 mỏ được cấp phép chỉ có 2 mỏ (Chợ Điền và mỏ Nà Bốp – Pù Sáp) là hoạt động khá ổn định; còn lại các mỏ hoạt động cầm chừng và dừng sản xuất.

Thứ hai, về hoạt động chế biến khoáng sản: Trên địa bàn tỉnh có 07 dự án chế biến khoáng sản, gồm 04 dự án chế biến sâu chì kẽm, 02 dự án chế biến quặng sắt, 01 dự án chế biến đá vôi trắng, cụ thể như sau:

– Dự án Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn, công suất 30.000 tấn kẽm chì/năm của Công ty TNHH Ngọc Linh được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007, đến nay Nhà máy đã đưa dây chuyền thiêu kết quặng, dây chuyền xử lý thu hồi axit sunfuarric đi vào hoạt động và đang tiếp tục hoàn thiện;

– Nhà máy luyện chì, công suất 5.000 tấn chì kim loại/năm của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn được đầu tư cải tạo năm 2015 và hiện nay đã đi vào sản xuất sản phẩm theo thiết kế;

– Nhà máy tuyển luyện chì công suất 5.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico được xây dựng năm 2011 đến tháng 6/2012 hoàn thành. Tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu và dây truyền thiết bị nên Nhà máy dừng sản xuất và hiện nay đang xây dựng kế hoạch cải tạo, sửa chữa Nhà máy;

– Xưởng tận thu, chế biến kim loại công suất 1.500 tấn chì/năm của DNTN Cao Bắc đã xây dựng xong và đi vào sản xuất; tuy nhiên, do thay đổi nguyên liệu không phù hợp với dây truyền xử lý môi trường nên Xưởng dừng sản xuất để sửa chữa khắc phục và hoàn thiện các thủ tục đầu tư;

– Nhà máy luyện gang Bắc Kạn công suất 40.000 tấn gang và 60.000 tấn xỉ giàu mangan/năm của Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn được tái cơ cấu từ tháng 01/2015 và đi vào sản xuất; tuy nhiên, do thiết bị công nghệ không phù hợp với nguồn nguyên liệu (quặng sắt – mangan nghèo có thành phần silic cao) nên chưa đảm bảo công tác bảo vệ môi trường về khí thải;

– Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn, công suất 100.000 tấn sắt xốp/năm tại KCN Thanh Bình của Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ đã xây dựng xong từ năm 2013; tuy nhiên, Nhà máy dừng sản xuất từ năm 2016 đến nay;

– Nhà máy chế biến Canxi cacbonat công suất 54.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty cổ phần Phiabjoóc đã xây dựng từ năm 2013; tuy nhiên, từ 2015 đến nay Nhà máy dừng hoạt động do khó khăn trong công tác vận chuyển nguyên liệu và Công ty có sự thay đổi hội đồng thành viên góp vốn.

Nhìn chung các Dự án chế biến sâu khoáng sản đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua đã góp phần nâng cao giá trị khoáng sản, hạn chế việc vận chuyển khoáng sản thô, đóng góp ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho lao động địa phương; tuy nhiên, trong thời gian qua tình hình hoạt động của các Dự án đạt hiệu quả rất thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Công tác thẩm định thiết kế cơ sở các dự án chế biến khoáng sản đã được chú trọng triển khai thực hiện; tuy nhiên, công tác thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, kiểm tra công tác nghiệm thu và quản lý chất lượng công trình, cũng như chưa có hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật để làm cơ sở kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, về công tác quản lý về an toàn, vệ sinh lao động

Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; đặc biệt trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khoáng sản. Sở Công Thương đã triển khai cơ bản đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan đến các doanh nghiệp; chú trọng về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động từ khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, báo cáo đánh giá tác động môi trường (thành viên hội đồng thẩm định) và triển khai kiểm tra công tác nghiệm thu xây dựng công trình; tổ chức các đợt huấn luyện an toàn lao động làm việc trực tiếp liên quan đến hóa chất, VLNCN, khai thác và chế biến khoáng sản (năm 2018, tổ chức được 03 lớp huấn luyện với 400 lao động tham gia). Hàng năm, Sở Công Thương chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó có lồng ghép các nội dung về công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động; các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến công tác quản lý về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản và hầu hết đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng an toàn lao động, trang bị cơ bản đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động phù hợp; một số doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện an toàn lao động định kỳ, phân công cán bộ quản lý về an toàn theo quy định; xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc;… Qua đó, năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản không xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản còn một số khó khăn, tồn tại và bất cập. Công trình khai thác, chế biến khoáng sản hầu hết thuộc danh mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quản lý chất lượng công trình đối với lĩnh vực này, đặc biệt là về kiểm tra công tác nghiệm thu, bảo trì công trình; chưa có quy chuẩn kỹ thuật, quy định cụ thể về đập chứa bùn thải quặng đuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt của Sở Công Thương chưa được quy định cụ thể. Ngoài ra, theo quy định của Luật xây dựng thì Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn đối với công trình khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại địa phương; trong khi, nguy cơ mất an toàn lao động là hoạt động khoan nổ mìn thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Công Thương. Theo đó, gây ra sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động, đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra tai nạn lao động.

Thứ tư, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện; Sở Công Thương là cơ quan phối hợp trong công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nghiệm thu công trình bảo vệ môi trường (đối với công trình khai thác khoáng sản), kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương. Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, năm 2017 Sở Công Thương và Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp công tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện quản lý nhà nước về môi trường trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn, Sở Công Thương vẫn chưa thực sự chủ động và gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chức năng, quản lý nhà nước về môi trường trong hoạt động khoáng sản theo quy định tại Thông tư số 35/2015/TT-BCT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ CôngThương. Nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ngành Công Thương cấp tỉnh; chưa có hướng dẫn nội dung về phương án vận hành, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hồ chứa chất thải quặng đuôi,… Ngoài ra, quy định giữa các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường với xây dựng, khoáng sản còn nhiều nội dung chưa thống nhất, chồng chéo, điển hình như: Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nghiệm thu công trình bảo vệ môi trường với việc thẩm đinh thiết kế cơ sở/thiết kế bản vẽ thi công, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình khai thác, chế biến khoáng sản…

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác khai thác, quản lý an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, Rà soát, điều chỉnh bổ sung và hoàn thiện quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các công trình/hạng mục công trình khai thác, chế biến khoáng sản có nguy cơ cao về mất an toàn; quy định việc cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra/giám sát công tác tổ chức huấn luyện an toàn lao động của doanh nghiệp.

Hai là, Ban hành quy định khung về quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản để làm cơ sở cho các doanh nghiệp thực hiện, cũng như để làm cơ sở kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Ba là, Hướng dẫn về công tác quản lý chất lượng công trình khai thác, chế biến khoáng sản đảm bảo theo đúng quy định của Luật xây dựng và phù hợp với đặc thù của công trình khai thác, chế biến khoáng sản. Đồng thời, phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường quy định thống nhất về trình tự thẩm định thiết kế mỏ với thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phối hợp trong việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng mỏ với việc nghiệm thu công trình  bảo vệ môi trường.

Bốn là, Rà soát, phân công cụ thể rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản giữa ngành Công Thương với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội; cũng như có cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động, an toàn VLNCN, an toàn hóa chất với an toàn phòng chống cháy nổ, đặc biệt là trong công tác huấn luyện về an toàn lao động và an toàn phòng cháy chữa cháy.

Năm là, Đề nghị sửa đổi bổ sung Thông tư số 35/2015/TT-BCT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ngành Công Thương tại cấp tỉnh.

Sáu là, Đối với công trình xây dựng khai thác khoáng sản là công trình khá đặc thù; theo đó, đề nghị đối với các công trình này thực hiện tối thiểu hai bước thiết kế để đảm bảo sát với thực tế, khả thi khi triển khai thực hiện và đảm bảo an toàn lao động.

                                                                   Sở Công Thương




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

004730
Views Today : 115
Views This Month : 3849
Views This Year : 12533
Total views : 26959
Language
Skip to content