Tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 16/10/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1733/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “phát triển 15.000 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 107 HTX nông nghiệp, trong đó: 30 HTX trồng trọt, 31 HTX chăn nuôi, 02 HTX lâm nghiệp, 02 HTX nước sạch nông thôn và 42 HTX nông nghiệp tổng hợp. Tổng số có 1.179 thành viên, bình quân 12 thành viên/01HTX  bao gồm cả thành viên quản lý và sản xuất. Dự ước đến hết năm 2018, toàn tỉnh sẽ có 115 HTX nông nghiệp hoạt động. Toàn tỉnh đến nay còn 42/110 xã chưa có hình thức tổ chức sản xuất (Hợp tác xã). Cùng với thực trạng trên cho thấy hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh phát triển còn chậm và còn nhiều yếu kém, chưa thực sự là một tổ chức kinh tế tập thể đại diện cho đa số nông dân trong phát triển kinh tế, trong sản xuất nông lâm nghiệp, cũng như để đạt được mục tiêu hiệu quả và phát triển ổn định bền vững để góp phần thực hiện trong chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Công tác tổ chức triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 và các kế hoạch, đề án của tỉnh còn hạn chế, bất cập, trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các mục tiêu kế hoạch; năng lực và kinh nghiệm của bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền ở các sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân về vai trò và vị trí của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, phát triển hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa cao, chưa đáp ứng kịp đòi hỏi của nền kinh tế thị trường hiện nay. Ngoài ra, cũng phải kể đến nguồn lực về tài chính để hỗ trợ phát triển các HTX còn hạn chế. Một số cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chưa đi vào thực tiễn, thiếu nguồn lực, tài chính để hỗ trợ, thực hiện.

Xuất phát từ thực trạng trên, Kế hoạch có mục đích triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp để đạt được mục tiêu của Đề án. Tạo điều kiện đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững kinh tế hợp tác, hợp tác xã của tỉnh từ nay đến năm 2020 trên cơ sở vận dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và liên kết hợp tác gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển ổn định, hiệu quả bền vững.

Mục tiêu của Kế hoạch là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hiện có và hợp tác xã thành mới trong sản xuất, kinh doanh. Phát triển liên kết giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp, đối tác trong liên kết đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm, phát triển ổn định, bền vững. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu có 155 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; Xây dựng 15 mô hình Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; 40 HTX đạt hiệu quả có tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; 08 HTX là đại diện sở hữu sản phẩm OCOP của địa phương và phấn đấu thành lập 01 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp trở lên.

          Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch, UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

– Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển HTX kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;

– Nâng cao trình độ năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế hợp tác nói chung và đối với HTX nói riêng;

– Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cơ chế, chính sách hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và địa phương, trên các lĩnh vực: Về đất đai, cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ, dạy nghề cho lao động nông thôn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực…;

– Hỗ trợ các HTX nông nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh đa nghề, đa lĩnh vực nhằm chủ động cây con giống chất lượng cao, phân bón, thuốc thu ý, thuốc bảo vệ thực vật… cung cấp cho các thành viên HTX. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn từ  05 đến 10 HTX kiểu mới, hiệu quả để tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã có tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và là chủ sở hữu các sản phẩm đặc thù của địa phương;

– Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã và  định hướng phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản an toàn: hỗ trợ các HTX nông nghiệp sản xuất tốt (VietGAP), sản xuất an toàn và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hỗ trợ các HTX nông nghiệp xây dựng tem, nhãn nhận diện sản phẩm; tiếp cận thị trường quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng kế hoạch chi tiết quảng bá, xúc tiến thương mại thị trường theo Đề án xúc tiến thương mại của tỉnh ban hành;

– Hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng;

– Tăng cường sự lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong đổi mới, phát triển hợp tác xã kiểu mới, hiệu quả.

Đối với Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và Liên minh hợp tác xã tỉnh thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã. Sử dụng nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới.

                                                          Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 152
Views This Month : 2668
Views This Year : 10576
Total views : 71116
Language
Skip to content