Tình hình sản xuất và dự báo nhu cầu năm 2020 đối với các sản phẩm chăn nuôi (thịt lợn, gia cầm, trâu, bò) trên địa bàn tỉnh

Trong năm 2019, tình hình Dịch tả lợn Châu Phi đã diễn biến phức tạp, thị trường thịt lợn có thể có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Giá thịt lợn đầu năm 2019 vừa phục hồi sau những đợt giảm giá mạnh, người dân bắt đầu tái đàn trở lại thì dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, sản lượng thịt lợn sụt giảm mạnh, sự thiếu hụt nguồn cung từ dịch tả lợn châu Phi và tốc độ tái đàn chậm. Để nắm bắt được tình hình sản xuất cung cầu đối với các sản phẩm chăn nuôi (thịt lợn, gia cầm, trâu, bò) trên địa bàn tỉnh năm 2019, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan rà soát số liệu, cụ thể như sau:

– Về tình hình sản xuất: Kế hoạch tổng đàn đại gia súc vật nuôi năm 2019 là: 84.400 con. Thực hiện trong năm tổng đàn gia súc (trâu, bò, ngựa ), ước đạt là: 67.000 con bằng  79% so kế hoạch (gồm trâu 44.337/58.020 con đạt 76% so kế hoạch, bò 19.957/23.640 con đạt 84% so kế hoạch; ngựa 2.706/2.740 con đạt 99% kế hoạch); đàn lợn 118.305/193.800 con, đạt 61% kế hoạch; đàn dê 18.923/35.400 con, đạt 53% kế hoạch; đàn gia cầm 2.268.018/1.760.000 con, đạt 129% kế hoạch. Kế hoạch sản lượng thịt hơi năm 2019 là 25.000 tấn. Thực hiện trong năm sản lượng thịt hơi ước đạt 21.777 tấn bằng 87,1% kế hoạch;

– Về nguồn cung: (1). Thịt lợn: Ước tính cả năm 2019 số con lợn xuất bán giết mổ là 199.709 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 13.787 tấn tương đương 9.650 tấn thịt lợn thành phẩm (nếu tỉ lệ thịt đạt 70%). Nguồn cung cấp thịt lợn chủ yếu dự trữ trong các hộ dân trên địa bàn tỉnh, các cơ sở giết mổ là các hộ gia đình.  (2). Gia cầm: Ước tính cả năm 2019 số con xuất bán giết mổ là 1.773.648 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 2.660 tấn tương đương 2.128 tấn thịt gia cầm thành phẩm (nếu tỉ lệ thịt đạt 80%).  (3). Trâu: Ước tính cả năm 2019 số con xuất bán giết mổ là 15.467 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 3.635 tấn tương đương 2.544 tấn thịt trâu thành phẩm (nếu tỉ lệ thịt đạt 70%). (4). Bò: Ước tính cả năm 2019 số con xuất bán giết mổ là 6.568 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 1.340 tấn tương đương 938 tấn thịt bò thành phẩm (nếu tỉ lệ thịt đạt 70%);

– Bên cạnh đó, thời gian gần đây việc Trung Quốc nhập thịt lợn với giá cao cũng gây sức ép cho thị trường trong nước. Trong khi, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn vào thời điểm cuối năm thường tăng cao, cũng đã đẩy giá lợn trên thị trường tăng cao và có xu hướng tiếp tục tăng khi dịp Tết Nguyên đán đã đến gần, kéo theo các mặt hàng thực phẩm khác (gia cầm, trâu, bò) cũng tăng nhẹ, cụ thể:  Giá thịt lợn tại thời điểm báo cáo tăng so với tuần trước, cụ thể: Lợn ta hơi dao động từ 100.000 – 110.000đ/kg, lợn lai hơi dao động từ 90.000 -100.000đ/kg, thịt mông, vai lợn ta dao động từ 190.000 – 200.000đ/kg; thịt mông, vai lợn lai dao động từ 160.000 -1 70.000đ/kg; Giá gia cầm tại thời điểm báo cáo tăng so với tuần trước, cụ thể: Gà hơi trống thiến giá bán từ 180.000- 200.000 đ/kg, gà ta hơi từ 130.000- 140.000đ/kg, gà ta thịt sẵn từ 200.000-220.000đ/kg; vịt thịt sẵn 150.000-160.000 đ/kg; ngan thịt sẵn 120.000-130.000 đ/kg; Giá thịt hơi trâu, bò 10.000.000-15.000.000đ/con, giá thịt trâu bò từ 250.000-270.000đ/kg.

Thịt bò mỹ được bày bán tại Siêu thị Vinmart Bắc Kạn
Thịt bò mỹ được bày bán tại Siêu thị Vinmart Bắc Kạn

Qua công tác thăm nắm, theo dõi địa bàn, tại thời điểm báo cáo, lượng dự trữ các mặt hàng lương thực thực phẩm, thịt tươi sống (gà ta, gà trống thiến, vịt, ngan, thịt lợn, thịt trâu, bò) chủ yếu là nằm trong dân và các đại lý bán buôn, bán lẻ trong tỉnh, số lượng ít, phân tán nên cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, sự chỉ đạo của các cấp, các ngành liên quan để giúp cho thị trường ổn định, không để tư thương ép giá, đầu cơ trục lợi, gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh. Tại tỉnh Bắc Kạn, từ khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng và giá thịt lợn trở nên cao hơn trong thời gian gần đây thì thói quen tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đã có xu hướng giảm đáng kể. Người dân cũng tăng cường sử dụng thêm một số thịt gia súc, gia cầm khác để thay thịt lợn. Tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, giá lợn hơi, giá bán thịt lẻ tăng hơn so với tháng trước, trong khi mức tiêu thụ thịt lợn đang có xu hướng giảm. Sau khi xuất hiện thông tin về dịch tả lợn Châu Phi, nhu cầu mua thịt lợn đã giảm đáng kể so với trước khi có dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, trung bình mỗi quầy thịt bán khoảng 60kg/ngày, hiện nay duy trì từ 20-30kg/ngày. Bên cạnh nhu cầu thịt lợn giảm thì nhu cầu thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) tăng mạnh, kéo theo giá thịt gia cầm cũng tăng theo so với tháng trước là 20.000đ/kg, cụ thể: Giá gà hơi trống thiến giá bán từ 180.000- 200.000 đ/kg, gà ta hơi từ 130.000- 140.000đ /kg, gà ta thịt sẵn từ 200.000-220.000đ/kg. Trong khi đó, các loại cá, thủy hải sản giá có nhích lên nhưng không đáng kể. Với dân số tỉnh Bắc Kạn 327,882 nghìn người, sản lượng thịt lợn hơi theo kế hoạch 13.787 tấn, trung bình đạt 42,0 kg/người/năm. Sản lượng thịt hơi gia cầm theo kế hoạch 1.773.648 con ước 2.660 tấn, trung bình đạt 8,1 kg/người/năm. Sản lượng thịt hơi trâu bò theo kế hoạch là 4.975 tấn, trung bình đạt 15,1 kg/người/năm. Đàn gia cầm chủ yếu nuôi ở các hợp tác xã, các hộ gia đình nuôi tự cung cấp cho gia đình. Khi giá thịt lợn tăng cao nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân giảm một nửa, thay thế bổ sung tăng thêm từ nguồn thực phẩm khác trong bữa ăn hàng ngày như thịt trâu, bò, thịt gà, thủy hải sản, trứng gia cầm…nhằm  đảm bảo cho nhu cầu thiết hàng ngày.

Trước thực tế này, Sở Công Thương làm việc với một số đơn vị cung cấp thực phẩm trong tỉnh, vận động các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp có phương án sẵn sàng dự trữ thịt lợn cấp đông và một số loại thịt hộp, cá hộp, thủy sản đông lạnh và thực phẩm chế biến, đồng thời tuyên truyền người dân sử dụng các sản phẩm thịt khác thay thế thịt lợn. Qua rà soát, hiện nay có siêu thị Vinmart (hoạt động từ 24/12/2019) có khả năng dự trữ khoảng 3 tấn thịt các loại (nhập hàng theo chuỗi siêu thị của Tập đoàn Vincommerce); cửa hàng thuỷ hải sản Tiến Thu (phường Đức Xuân) có khả năng dự trữ khoảng 2 tấn thịt chế biến, hải sản các loại, nếu tình huống khẩn cấp có thể chuyển sang dự trữ thịt lợn cấp đông. Mặt khác, phối hợp với các ngành, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 trong việc quản lý vận chuyển lưu thông để bình ổn thị trường thịt lợn cuối năm.

Thịt lợn sạch được bày bán tại Siêu thị Vinmart Bắc Kạn
Thịt lợn sạch được bày bán tại Siêu thị Vinmart Bắc Kạn

Năm 2020 là năm thứ năm của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Để duy trì được tốc độ tăng trưởng, thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và những năm tiếp theo là hết sức nặng nề, cần được tăng cường chỉ đạo và sự phối hợp tốt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh trong việc tập trung thực hiện có kết quả những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là quản lý chặt chẽ thị trường, không để tình trạng đầu cơ tích trữ gây sốt giá ảo, thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng hàng hóa.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Tính đến ngày 22/11/2019 dịch đã xuất hiện tại 116 xã, 700 thôn, 4.227 hộ, có 16.848 con bị nhiễm bệnh, đã tiêu hủy 27.042 con với khối lượng 1.196.950 kg. Hiện nay, bệnh DTLCP trên địa bàn 51 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch và có 28 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới, các ngành đang phối hợp với địa phương thẩm định, hoàn thiện hồ sơ công bố hết dịch và chỉ đạo người chăn nuôi tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời, tổ chức tái đàn lợn theo quy định tại Quyết định số 2124/QĐ-UBND ngày 11/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; việc tái đàn, phát triển đàn lợn đảm bảo áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; yêu cầu các hộ dân nhập con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, lợn giống khỏe mạnh và nên sử dụng lợn giống tại chỗ thuộc phạm vi địa bàn cấp xã hoặc cấp huyện. Như vậy, tình hình thị trường năm 2020 đối với các sản phẩm chăn nuôi (thịt lợn, gia cầm, trâu, bò) trên địa bàn tỉnh dự kiến dần được ổn định. Dự báo nhu cầu thị trường năm 2020 tăng khoảng 10% so với năm 2019 đối với các sản phẩm chăn nuôi (thịt lợn, gia cầm, trâu, bò)./.

       Kim Oanh (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 85
Views This Month : 3748
Views This Year : 11656
Total views : 72196
Language
Skip to content