Tình hình triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2019

Thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 01 tháng 3 năm 2019 về triển khai thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó xác định rõ mục tiêu, yêu cầu cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị đã chủ động gắn các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 01/3/2019 với kế hoạch công tác hàng năm, đồng thời chủ động phân bổ kinh phí để thực hiện chương trình, kế hoạch đối với lĩnh vực ngành quản lý để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả.

– Công tác đào tạo bồi dưỡng: Trong năm 2019, phối hợp với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ công thương Trung ương – Bộ Công Thương mở 02 lớp Bồi dưỡng kiến thức Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2019 cho Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 122 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã thông tin, tuyên truyền, triển khai về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thời cơ và thách thức đối với Việt Nam (quá trình hình thành, nội dung chính của Hiệp định, những cơ hội và thách thức khi tham gia CPTPP, các cam kết của Việt Nam trong một số lĩnh vực chính của Hiệp định CPTPP, Kế hoạch của Chính Phủ về thực hiện hiệp định CPTPP, Kế hoạch của các tỉnh về thực hiện Hiệp định CPTPP.

Công tác xây dựng pháp luật, thể chế: UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do tỉnh ban hành, trên cơ sở đó bãi bỏ, thay thế, bổ sung, điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết mà Việt Nam tham gia. Năm 2019, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định về việc ban hành Quy chế phối hợp rà soát hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn tỉnh; Quyết định công bố kết quả hệ thống hóa VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành giai đoạn 2014 – 2018 (có 464 VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh được tập hợp để hệ thống hóa kỳ 2014 – 2018; 459 văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa; 05 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; 134 văn bản cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới); Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn kỳ 2014 – 2018. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 16/7/2019 bãi bỏ một số văn bản QPPL do UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành.

Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực: Hàng năm UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh chủ động xây dựng Chương trình, dự án, đề án nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cơ hội được trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, giao lưu với doanh nghiệp các tỉnh bạn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Các Sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2015- 2020. Tiếp tục đẩy mạnh và triển khai các dự án công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, áp dụng vào thực tế góp phần cải thiện năng suất và chất lượng của sản phẩm, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên của tỉnh trong sản xuất và đời sống, bước đầu tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, ổn định trật tự an toàn xã hội của địa phương, như: một số đề tài, dự án về mở rộng sản xuất cam, quýt theo hướng VietGap; sản xuất chè theo hướng VietGap, hữu cơ; xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; chế biến các sản phẩm và xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho chè Shan tuyết Bằng Phúc, Chợ Đồn…. Triển khai có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn (OCOP – BK).

Đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, triển khai các biện pháp cải thiện, nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp và các ngành sản xuất; thực hiện hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã: Tổ chức Hội nghị triển khai công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và dạy nghề năm 2019. Tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động năm 2019 cho UBND các huyện, thành phố. Tổ chức 05 lớp tập huấn các quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho cán bộ đoàn thể không hưởng lương của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về việc làm năm 2019 cho cán bộ lao động của 122 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Giới thiệu 44 doanh nghiệp tuyển người đi lao động ở nước ngoài. Rà soát người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Hướng dẫn 58 người lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn trong ngành nông nghiệp năm 2019 hoàn thiện hồ sơ và tổng hợp nộp về Trung tâm lao động ngoài nước. Thông báo và tổ chức tiếp nhận đăng ký thi tiếng Hàn cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2019 cho ngành sản xuất chế tạo, xây dựng và ngư nghiệp. Thông báo tuyển chọn ứng viên đi hoc tập và làm việc trong ngành điều dưỡng tại CHLB Đức – Khóa 5 – Đợt 2/2019. Triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 1, 2 năm 2019.

– Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp: Tổ chức công đoàn các cấp thường xuyên rà soát đề đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với các tổ chức công đoàn nhằm củng cố, nâng cao vị thế và hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn; Tăng cường hoạt động của tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại các doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định, thành công, đúng với quy định của pháp luật Việt Nam.

– Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:

Việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh về việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và triển khai thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Qua hướng dẫn, một số đơn vị đã thực hiện tốt việc xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp; thực hiện phân công cán bộ đầu mối để phụ trách, theo dõi việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Hình thức hợp tác với doanh nghiệp bao gồm: hợp tác đào tạo nâng cao tay nghề trực tiếp tại xưởng, cơ sở sản xuất; hợp tác tuyển dụng lao động sau khi HSSV hoàn thành khóa học. Thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giúp giáo viên và học sinh được tiếp cận, trực tiếp tham gia sản xuất tại Công ty, doanh nghiệp, bổ sung nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động; giải quyết việc làm cho HSSV trong và sau khi hoàn thành khóa học; có thêm thu nhập khi HSSV vẫn đang trong thời gian học tại cơ sở GDNN.

Chính sách hỗ trợ vay vốn: Thực hiện Quyết định số 88/QĐ-UBND ngày 08/01/2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phân bổ chỉ tiêu giải quyết việc làm (GQVL) cho các huyện, thành phố năm 2019, UBND các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội các huyện triển khai hoạt động cho vay GQVL từ Quỹ quốc gia về việc làm. Hiện nay, tổng nguồn Quỹ quốc gia về việc làm trên địa bàn tỉnh là: 67.411 triệu đồng (nguồn do UBND tỉnh quản lý là: 61.066 triệu đồng, trong đó dư nợ: 60.402 triệu đồng; kinh phí quá hạn là: 237 triệu đồng). Doanh số cho vay trên địa bàn tỉnh (số liệu tính tính từ ngày 01/1/2019 – 31/3/2019) là 3.332 triệu đồng; số dự án cho vay: 97 dự án (trong đó có 96 dự án của người lao động, 01 dự án của cơ sở sản xuất kinh doanh); số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: 100 người. giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhận thấy các dự án cho vay hầu hết đều là dự án trồng rừng và chăn nuôi. Tất cả các dự án đều cho vay đúng quy định, đúng đối tượng. Các dự án về chăn nuôi cơ bản có hiệu quả, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động (do chu kỳ vay vốn ngắn nên có thể thấy hiệu quả ngay); các dự án trồng rừng do chu kỳ vay dài (5 năm) nên chưa đánh giá được hiệu quả.

Các dịch vụ tư vấn việc làm: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn và các nhà trường tổ chức các cuộc tuyên truyền, tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp, việc làm và công tác xuất khẩu lao động cho học sinh, sinh viên, người lao động, cán bộ công chức cấp xã.

Bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững: Tỉnh Bắc Kạn luôn chỉ đạo tăng cường khai thác, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh Bắc Kạn nhưng bên cạnh đó phải đảm bảo bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Công tác quản lý về tài nguyên và môi trường được triển khai thực hiện theo đúng quy định. Công tác kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường; việc xử lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Năm 2019, tổ chức thẩm định, phê duyệt 14 báo cáo ĐTM, 06 phương án cải tạo phục hồi môi trường và xác nhận 20 kế hoạch bảo vệ môi trường, làm cơ sở cho các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại 02 đơn vị theo ý kiến phản ánh và 10 đơn vị theo kế hoạch kiểm tra hàng năm, qua kiểm tra đã đôn đốc nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định về môi trường nhằm giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tăng cường thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trên tinh thần hội nhập để phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6, hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; phối hợp với các tổ chức – chính trị, xã hội và trường học tổ chức các lớp tập huấn các buổi ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến Luật, văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức cơ bản về môi trường cho tổ chức, cá nhân và học sinh,.. nhằm tăng cường thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên tinh thần hội nhập để phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội và đối ngoại, đặc biệt là tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, triển khai các kế hoạch bảo vệ an ninh kinh tế ở các vùng, các ngành trọng điểm… Do đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được giữ ổn định, an ninh nông thôn được giữ vững. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật gây thiệt hại về kinh tế, phá hủy môi trường, trốn lậu thuế…

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn cũng đã có có kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn, thực thi các FTA mới ký kết hoặc chuẩn bị có hiệu lực trong thời gian tới; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương thực hiện nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế; thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương trong việc tăng cường năng lực, cập nhật kiến thức, kỹ năng về hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp của tỉnh.

Hoàng Huyền (Sở Công Thương)

 


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005194
Views Today : 52
Views This Month : 2931
Views This Year : 15341
Total views : 75881
Language
Skip to content