Tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ Tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2019 của Thủ Tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sau hơn 02 năm triển khai thực hiện, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

Lĩnh vực công nghệ thông tin: Ứng dụng CNTT để công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (http://backan.gov.vn), chuyên trang hệ thống thông tin thủ tục hành chính tỉnh Bắc Kạn (tthc.backan.gov.vn), chuyên trang dịch vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn (https://dichvucong.backan.gov.vn) và trang/cổng thông tin điện tử của 21 Sở, ngành, địa phương đã phát huy hiệu quả nhiệm vụ cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ, giúp người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc truy cập, tra cứu, sử dụng, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

– Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Việc cung cấp DVCTT đến người dân, tổ chức được thực hiện trên trang Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (https://dichvucong.backan.gov.vn) được kết nối liên thông thông tin, dữ liệu với hệ thống Một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông và Dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tỉnh (gọi tắt là Hệ thống MCĐT). Hệ thống Một cửa điện tử đuợc triển khai sử dụng tại 146 Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Tính đến quý 3 năm 2019, đã phát sinh 8.734 hồ sơ trực tuyến mức độ 3; 1.627 hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Một số DVCTT do các Bộ, ngành triển khai theo ngành dọc được các sở, ngành duy trì sử dụng song song với hệ thống MCĐT và thực hiện khá hiệu quả như: Lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Giấy phép lái xe, Phù hiệu xe, Cấp phiếu lý lịch tư pháp…

– Bộ phận Một cửa điện tử trong giải quyết TTHC: Hệ thống “Một cửa điện tử”, “Một cửa điện tử liên thông” và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tiếp tục được các cơ quan, đơn vị sử dụng ổn định trong việc cập nhật, luân chuyển hồ sơ xử lý các thủ tục hành chính. Đến hết ngày 15 tháng 10 năm 2019, đã có gần 114 nghìn hồ sơ được xử lý trên hệ thống.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn đã đi vào hoạt động từ ngày 01/8/2019. Đến ngày 16/9/2019 đã có 15 sở, ngành vào tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm. 100% TTHC giải quyết tại Trung tâm được tiếp nhận, trả kết quả qua hệ thống thông tin một cửa điện tử. Trung tâm đã bố trí 03 máy tính để bàn cho cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến. Đồng thời, Trung tâm cũng bố trí các thiết bị điện tử để tra cứu thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

– Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước: Hệ thống phần mềm chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TDOffice) sử dụng chung trong toàn tỉnh Bắc Kạn, kết nối liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Trong năm 2019 hệ thống đã kết nối và thực hiện trao đổi được văn bản đến các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố khác thông qua trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh hiện có 4.106 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức và tài khoản tổ chức thuộc các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong những tháng gần đây, mức độ sử dụng hòm thư trung bình trong tháng đạt trên 90%. Về triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng, năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện theo Kế hoạch triển khai ứng dụng chữ ký số giai đoạn 2017 – 2020 ban hành tại Quyết định số 832/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

Cải thiện môi trường kinh doanh: Tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ. UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả PCI năm 2018, ban hành Chỉ thị về tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện giải pháp khắc phục các lĩnh vực, tiêu chí có thứ hạng thấp. Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời. UBND tỉnh đã công bố kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ngành, huyện, thành phố năm 2018 và chỉ đạo có giải pháp cải thiện các tiêu chí thấp điểm. Năm 2019, toàn tỉnh có 55 doanh nghiệp thành lập mới với tổng mức vốn đăng ký 498 tỷ đồng (giảm 10 doanh nghiệp); 37 doanh nghiệp ngừng hoạt động (tăng 04 doanh nghiệp) và 09 doanh nghiệp giải thể (tăng 05 doanh nghiệp). Hiện nay có trên 840 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX). Năm 2019 cả tỉnh thành lập mới 37 hợp tác xã (tăng 02 HTX so với cùng kỳ năm 2018), trong đó 25 HTX nông nghiệp, đạt 156% kế hoạch. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 181 hợp tác xã, bao gồm 137 HTX nông, lâm nghiệp và 44 HTX phi nông nghiệp. Hiệu quả hoạt động các hợp tác xã từng bước được nâng lên. Các HTX đã chủ động liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong tháng 11/2019, 15 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đã liên kết thành lập 01 cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch. Đến nay đã có 50 HTX tham gia chuỗi giá trị, 30/37 sản phẩm OCOP là của các HTX.

Thực hiện Chương trình hành động, chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh: UBND tỉnh đã có Quyết định 664/QĐ-UBND  ngày 26/4/2019 ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bắc Kạn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bắc Kạn (phê duyệt tại Quyết định số 1794/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh Bắc Kạn); xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2018-2020; xây dựng dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn; xây dựng định mức kỹ thuật các cây trồng, vật nuôi để áp dụng cho các dự án phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo,…Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, cơ giới hoá, điện khí hoá vào sản xuất; quan tâm đầu tư từ khâu quy hoạch, công tác giống đến việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật với nhiều phương thức đa dạng nhằm giúp nông dân giảm chi phí, khắc phục tình trạng thiếu lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích ở những vùng có điều kiện đã hình thành và phát triển vùng sản xuất hàng hóa.

Năm 2019, tỉnh thực hiện 25 đề tài/dự án khoa học công nghệ, trong đó 08 đề tài/dự án triển khai năm 2019, 17 đề tài/dự án chuyển tiếp. Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh đã xét duyệt và nghiệm thu 05 đề tài/dự án (xuất sắc 03, khá 02). Các đề tài, dự án khoa học tập trung vào các lĩnh vực trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo thực hiện xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Bắc Kạn; tư vấn xây dựng hệ thống tổ chức và vận hành cho hệ thống OCOP từ tỉnh đến huyện nhằm hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hoá sản phẩm; hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm mới hoặc nâng cấp sản phẩm cũ tại địa phương.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Năm 2019, UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo ngành Khoa học và công nghệ thực hiện các nội dung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2022, định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 20/4/2018). Triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh. Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn. Tạo lập môi trường thuận lợi để hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Ngành Khoa học công nghệ đã xây dựng kế hoạch tổ chức Tọa đàm chuyên đề xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn năm 2019, qua đó sẽ tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa thực tiễn, thúc đẩy và phát triển phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, làm cầu nối các ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư.

Giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề: Trên cơ sở kế hoạch đào tạo, tập huấn của tỉnh và của các Bộ, ngành Trung ương, hàng năm các Sở, ngành và UBND các địa phương đều cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, tập huấn dài hạn, ngắn hạn tại tỉnh hoặc tại trung ương để trang bị cho cán bộ, công chức có đủ trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và năng lực thi hành công vụ đáp ứng yêu cầu nền hành chính công trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời, nghiên cứu các chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, thu hút những chuyên gia giỏi trong nước. Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề nông thôn, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới một cách toàn diện, có hiệu quả.

Về chất lượng giáo dục năm 2018-2019 có chuyển biến tích cực. Tỉnh duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 trở lên. Tỷ lệ tốt nghiệp kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đạt 88,84%, trong đó hệ giáo dục THPT đạt 91,55%, hệ GDTX đạt 61,41%. Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 318 trường học các cấp với 76,9 nghìn học sinh. Công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới được thực hiện tốt, các trường học trên địa bàn tỉnh đã bước vào năm học mới theo đúng thời gian quy định. Dự kiến đến hết năm 2019, cả tỉnh có thêm 08 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt kế hoạch đề ra nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 96 trường, chiếm 30,2% tổng số trường học trên địa bàn tỉnh.

Công tác lao động, việc làm được triển khai theo kế hoạch. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 5.455 lao động, đạt 109% kế hoạch; trong đó số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 420 người, đạt 105% kế hoạch; ngành chức năng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 6.100 người, đạt 175% kế hoạch, trong đó số tìm được việc làm 1.420 người, đạt 142% kế hoạch. Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đạt khá. Số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 2.566/2.175 người, đạt 118% kế hoạch. Công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, toàn tỉnh đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 6.000 lao động, đạt 100% kế hoạch.

Nâng cao nhận thức các cấp, các ngành: Tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương và các văn bản pháp luật Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thông tin, tuyên truyền, phổ biến và triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg và cuộc CMCN 4.0, qua đó nhằm nâng cao nhận thức cho toàn thể công chức, viên chức và người lao động về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của cuộc CMCN 4.0 để có cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Huyền (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 160
Views This Month : 2676
Views This Year : 10584
Total views : 71124
Language
Skip to content