Sáng 26/10, UBND tỉnh đã tổ chức họp đánh giá tình hình thu hoạch và bàn giải pháp chế biến, tiêu thụ dong riềng trên địa bàn tỉnh năm 2018.
Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Ngân hàng Agribank, Liên Việt Postbank; 4 huyện có diện tích trồng dong riềng và đại diện các cơ sở sản xuất, chế biến miến dong, tinh bột dong riềng trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, diện tích trồng cây dong riềng toàn tỉnh năm nay hơn 1.000ha, đạt 109% kế hoạch. Trong đó huyện Ba Bể là 330ha, Bạch Thông là 80ha, Ngân Sơn 10ha, Na Rì 550ha, Chợ Mới 50ha, Chợ Đồn 50ha, Pác Nặm 30ha. Năng suất bình quân dự kiến đạt 681 tạ/ha, sản lượng củ dong năm 2018 dự ước trên 70.700 tấn. Về tiến độ thu hoạch, có 60ha dong riềng đã thu hoạch xong trong tháng 10, dự kiến đến hết tháng 1 năm 2019 các địa phương sẽ hoàn thành thu hoạch.
Toàn tỉnh hiện có 27 cơ sở sản xuất, chế biến miến dong và tinh bột dong riềng. Năm 2018 dự kiến sản lượng sản xuất miến dong toàn tỉnh đạt 1.000 – 2.000 tấn, sử dụng khoảng 1.600 – 2.000 tấn tinh bột/năm. Sản lượng tinh bột dong riềng năm 2018 ước đạt 11.620 tấn, như vậy lượng tinh bột dong riềng dư thừa khoảng 8.840 tấn so với khả năng tiêu thụ, chế biến của các cơ sở hiện có trong tỉnh. Đây là vấn đề cần quan tâm giải quyết khi đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch dong riềng.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện đã báo cáo về tiến độ thu hoạch, giá bán dong riềng tại thời điểm này và tình hình tiêu thụ dong riềng, sản xuất miến dong tại địa phương. Các ý kiến thảo luận tại hội nghị xoay quanh vấn đề như: Diện tích trồng dong riềng lớn hơn nhiều so với năng lực sản xuất của các cơ sở chế biến miến dong hiện có; diện tích đã có cam kết thu mua thấp; lượng tinh bột dong riềng dư thừa lớn, giá bán hiện nay thấp; cần quy hoạch, tính toán lại diện tích trồng cây dong riềng cho phù hợp với sản xuất, chế biến miến dong trên địa bàn tỉnh. Riêng huyện Pác Nặm có 37ha dong riềng mà chưa có đơn vị nào đăng ký thu mua cho bà con nông dân. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng kiến nghị với tỉnh một số vấn đề về việc tiếp cận nguồn vốn vay; tạo điều kiện về mặt bằng, đất đai để mở rộng quy mô sản xuất miến dong…
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa nhấn mạnh thời gian tới cần nghiên cứu, đề xuất hình thành cụm công nghiệp về tập trung các cơ sở sản xuất miến dong tại huyện Na Rì, Ba Bể; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến miến dong. Trước mắt, các địa phương tập trung chỉ đạo sát sao công tác thu hoạch dong riềng, bảo đảm việc tiêu thụ đối với những diện tích chưa được các cơ sở sản xuất cam kết bao tiêu, tránh để bị tư thương ép giá bà con nông dân, hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho các cơ sở sản xuất miến dong về thủ tục tiếp cận vốn vay, đất đai, mặt bằng để mở rộng sản xuất.
Đồng chí yêu cầu: Sở NN & PTNT rà soát, đánh giá một cách chính xác năng suất cây dong riềng; chỉ đạo thu hoạch hiệu quả khi thời điểm củ dong cho lượng tinh bột nhiều nhất; tính toán, cân đối lại kế hoạch trồng cây dong riềng vụ năm 2019 phù hợp với thực tế tiêu thụ, sản xuất chế biến miến dong; Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ tích cực cho các cơ sở sản xuất, hợp tác xã tiếp cận được nguồn lực phát triển sản xuất, kết nối thị trường tiêu tụ, hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm miến dong;
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất miến dong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thực hiện đúng hợp đồng ký kết tiêu thụ dong riềng cho nông dân; cân đối tài chính thu mua, dự trữ tinh bột dong riềng phục vụ sản xuất; xây dựng phương án, kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, chế biến; chung tay với bà con nông dân trong vấn đề tiêu thụ dong riềng…/.
Mai Hùng (Theo Cổng TTĐT tỉnh Bắc Kạn)