Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4: “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới”

Sáng 11/10/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4 chủ đề “Từ CPTPP tới EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới” với mục tiêu cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Diễn đàn có sự tham gia của 250 đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện các Ban, đơn vị của Hội, lãnh đạo Hội nông dân các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các đại sứ quán tại Việt Nam, đặc biệt là sự có mặt của 63 nông dân xuất sắc năm 2019.

Từng bước khẳng định và tiếp tục củng cố vị trí là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới 

 diễn đàn nông dân 1

Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Định, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, hiện cả nước đang có 11 triệu hộ nông dân đang sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân trong sản xuất, cũng như tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, nhìn chung giá trị gia tăng trong xuất khẩu đối với hàng nông sản Việt Nam còn thấp, gặp nhiều rào cản, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, Diễn đàn lần này sẽ là cơ hội cho lãnh đạo các Bộ, ngành, Hội Nông dân, các doanh nghiệp, nông dân xuất sắc thảo luận để tìm ra các giải pháp, cũng như kiến nghị, đề xuất các chính sách lên Đảng, Nhà nước đối với nông dân.

Tuy năm 2018, Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc về xuất khẩu nông sản, nhưng xuất khẩu nông sản cũng đang đối mặt với không ít rào cản, khó khăn. Đó có thể là khó khăn đến từ bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nước và khu vực. Đó cũng có thể là thách thức đến từ các quy định về kiểm dịch và an toàn động thực vật (SPS), quy định về dãn nhãn hàng hóa (TBT) hoặc các quy định liên quan về môi trường, lao động… của các thị trường nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với các thị trường mà Việt Nam mới thiết lập quan hệ FTA nhưng có tiêu chuẩn rất khắt khe như EU, Ca-na-đa.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng hải nhận định tại Diễn đàn, việc cung cấp một cách đúng đắn, toàn diện các thông tin liên quan của hai Hiệp định CPTPP và EVFTA tới cho cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là rất cần thiết nhằm chuẩn bị nền tảng kiến thức cơ bản, toàn diện cho các doanh nghiệp và các bên quan tâm khác trong quá trình tìm hiểu để xây dựng, mở rộng thị trường trong chiến lược sản xuất kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu của mình.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Nông nghiệp đã và đang có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt thể hiện qua sự thành công và tăng trưởng trong việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2019 đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có một số nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.

diễn đàn nông dân 2

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Với kết quả này, Việt Nam đã từng bước khẳng định và tiếp tục củng cố vị trí là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới: chúng ta thuộc nhóm top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Những thành tựu như vậy có được là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của những chính sách thuận lợi hóa thương mại, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu của Chính phủ.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp

diễn đàn nông dân 3
Bên cạnh những chính sách hiện tại, không thể không kể đến vai trò quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngoài việc giúp mở rộng hơn nữa thị trường, chuyển dịch cơ cấu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, còn đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư nhờ những cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường và quản trị nhà nước.

Việt Nam đã tham gia một số FTA “thế hệ mới”, cụ thể là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 14 tháng 1 năm 2019 và Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết ngày 30 tháng 6 năm 2019. Việc này chắc chắn mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác.

Hiệp định CPTPP với 10 đối tác, trong đó có những đối tác mà thông qua Hiệp định này, Việt Nam lần đầu thiết lập mối quan hệ thương mại tự do song phương như Ca-na-đa, Chi-lê, Mê-hi-cô và Pê-ru, sẽ mở ra các cơ hội hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các đối tác CPTPP.

Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm, ví dụ như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô… Đây là cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông lâm thủy sản có thế mạnh của ta.

Với EVFTA, đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, góp phần củng cố mối quan hệ song phương theo hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. Về góc độ mở cửa thị trường, Hiệp định này sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn. Cụ thể: ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 07 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

diễn đàn nông dân 4
“Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỷ đô la Mỹ và tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018.” Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng hải cho biết.

Theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, việc ký kết các hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Thông qua các hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cần tới 37 thị trường với dân số sơn 1 tỷ người.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã tập trung nội dung thảo luận qua hai phiên đối thoại chính thức để tìm hiểu rõ những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các tác động cả tích cực và tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của 11 triệu hộ nông dân ở Việt Nam.

Diễn đàn đã mang lại nhiều kiến thức hữu ích cũng như làm tốt vai trò là cầu nối cho các doanh nghiệp mở rộng, củng cố thêm mạng lưới hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương

 


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 236
Views This Month : 3899
Views This Year : 11807
Total views : 72347
Language
Skip to content