Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có tổng số 65 chợ, gồm: 01 chợ hạng 1, 04 chợ hạng 2, 60 chợ hạng 3. Trong đó, phân loại theo đơn vị quản lý chợ có: 06 chợ do doanh nghiệp quản lý; 03 chợ do hợp tác xã quản lý; 15 chợ do ban quản lý chợ quản lý; 40 chợ do tổ quản lý chợ quản lý; 01 chợ chưa có đơn vị quản lý. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm đảm bảo hoạt động chợ thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quản lý, khai thác có hiệu quả, thu hút khách hàng đến với các chợ truyền thống, tăng sức mua, sức cạnh tranh cho kênh lưu thông hàng hóa qua chợ, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2232/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 của UBND tỉnh Bắc Kạn Ban hành Quy chế chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 27/4/2017 về viêc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ năm 2017 và giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ đều được các địa phương đánh giá phù hợp với xu thế phát triển trong công tác quản lý và phát triển chợ giai doạn hiện nay, góp phần nâng cấp, đầu tư, cải tạo chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thực hiện Đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, từ năm 2016 cho đến nay đã chuyển đổi được 05 chợ từ Ban, Tổ quản lý chợ sang Doanh nghiệp/Hợp tác xã quản lý (Trong đó, huyện Na Rỳ chuyển đổi 03 chợ, huyện Bạch Thông chuyển đổi 02 chợ). Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ đối với 05 chợ trên chưa hoàn toàn áp dụng theo Quyết định số 2232/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh, Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 của UBND tỉnh về xử lý tài sản chợ mà chỉ thực hiện kiểm kê, định giá tài sản tại thời điểm thực hiện chuyển đổi và bàn giao tài sản cho đơn vị mới tiếp quản để thực hiện quyền khai thác, quản lý và kinh doanh chợ.
Nhìn chung, công tác chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ chưa đạt được theo đúng lộ trình đã đề ra. Do công tác chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ là nhiệm vụ mới nên các địa phương còn lúng túng trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong công tác định giá tài sản chợ, chuyển giao tài sản chợ, hình thức lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác và kinh doanh chợ… Một số chợ hiện nay bị thất lạc hồ sơ pháp lý chợ do chợ được xây dựng từ khá lâu, ngoài ra còn có chợ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc diện tích đất chợ còn chưa thống nhất (có lấn chiếm của người dân khu vực lân cận) do đó gây khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý chợ cũng như công tác định giá và xây dựng phương án chuyển đổi. Một số chợ trên địa bàn hoạt động chưa hiệu quả nên chưa có sức hút đối với đơn vị đầu tư vào quản lý, khai thác và kinh doanh chợ. Các quy định hiện hành còn nhiều nội dung chưa cụ thể, thống nhất, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt, Luật Quản lý sử dụng tài sản công được ban hành mới, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể đối với xử lý tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng (chợ), nhiều nội dung đối với xử lý tài sản chợ tại Quyết định số 2232/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 và Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh không còn phù hợp, không thống nhất với văn bản cấp trên, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể đối với xử lý tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng (chợ).
Để công tác chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nhất trí dừng thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, địa phương, đơn vị tiếp tục phối hợp địa phương hoàn thiện các điều kiện về hồ sơ pháp lý liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý chợ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển đổi chợ trong thời gian tới khi có văn bản hướng dẫn của cấp trên.
Một số hình ảnh của chợ đầu mối nông sản tại Thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì) sau khi chuyển đổi:
Triệu Thanh Hoa (Sở Công Thương)