Hoạt động công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và chế biến nông, lâm sản Bắc Kạn sau 15 năm, giai đoạn 2004-2018

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004, đến hết năm 2018 ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có những tăng trưởng nhất định, tổng sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh) giai đoạn 2004-2018 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4,36%/năm. Đối với hoạt động công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và chế biến nông, lâm sản đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

– Hoạt động công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản: Từ năm 2004 đến nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Kạn, các ngành và địa phương tập trung chỉ đạo là việc quản lý các hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản ở địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, chống thất thu ngân sách và thất thoát tài nguyên khoáng sản. Đến nay các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng. Trên cơ sở định hướng của tỉnh, một số đơn vị khai thác khoáng sản đã đầu tư vào công nghệ chế biến sâu khoáng sản để tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và tránh lãng phí tài nguyên.

Theo kết quả công tác điều tra địa chất, tỉnh Bắc Kạn có 273 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 24 loại khoáng sản được chia thành 5 nhóm: Khoáng sản nhiên liệu; Khoáng sản kim loại: Khoáng chất công nghiệp (Đá vôi xi măng, sét xi măng, đá vôi trắng, dolomit, pyrit, barit, graphit và thạch anh tinh thể, đá ốp lát); Vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) khá phổ biến gồm đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; đất sét làm gạch, ngói; cát, sỏi phân bố ở các huyện. Trong đó, tiềm năng về khoáng sản kim loại là khá triển vọng gồm quặng sắt, sắt – mangan với tài nguyên dự báo khoảng hơn 15 triệu tấn; vàng (có 19 mỏ và điểm quặng). Nhiều nhất là khoáng sản chì kẽm: Có 77 mỏ và điểm khoáng sản tập trung chủ yếu ở các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn, tài nguyên dự báo khoảng 4 triệu tấn kim loại chì kẽm.

Về hoạt động khai thác khoáng sản: Đến nay có 38 giấy phép khai thác còn thời hạn (trong đó: 08 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 30 giấy phép do UBND tỉnh Bắc Kạn cấp). Nhìn chung, các mỏ khai thác đảm bảo đúng vị trí mỏ đã được cấp phép, phương pháp khai thác cơ bản theo thiết kế mỏ đã phê duyệt. Các hoạt động khai thác khoáng sản kim loại trong những năm gần đây có chiều hướng giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ thấp, đặc biệt là quặng sắt.

Về hoạt động chế biến khoáng sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 dự án chế biến khoáng sản, gồm 04 dự án chế biến sâu chì kẽm, 02 dự án chế biến quặng sắt, 01 dự án chế biến đá vôi trắng. Các Dự án chế biến sâu khoáng sản đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua đã góp phần nâng cao giá trị khoáng sản, hạn chế việc vận chuyển khoáng sản thô, đóng góp ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho lao động địa phương. Cơ cấu lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản trong giai đoạn 2004-2018 khoảng 47,8-53,0% trong tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp (năm 2004 chiếm tỷ trọng 47,8%, năm 2018 là 53,0%), trong giai đoạn 2013-2018 giá trị sản xuât công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản đạt mức tăng trưởng bình quân 7,5%/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản còn một số cơ sở đạt hiệu quả thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, công tác phục hồi môi trường tại các mỏ hết hạn cấp phép chưa được các doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc; việc xác định sản lượng quặng khai thác gặp nhiều khó khăn, gây thất thu ngân sách; Công tác thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, kiểm tra công tác nghiệm thu và quản lý chất lượng công trình chất lượng chưa cao, chưa có hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật để làm cơ sở kiểm tra, giám sát.

– Hoạt động công nghiệp chế biến nông, lâm sản: Tỉnh Bắc Kạn có khoảng 372.000 ha rừng (đứng thứ 12/63 tỉnh thành trên toàn quốc), trong đó diện tích rừng trồng là 97.000ha (đứng thứ 19/63 tỉnh thành trên toàn quốc), sản lượng gỗ khai thác hàng năm giai đoạn 2013-2018 bình quân đạt 150.000m3 (tốc độ tăng trưởng sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt 7,4%/năm); tổng diện tích trồng cây nông sản trong giai đoạn từ năm 2015 – 2018 là gần 50.000 ha, sản lượng khai thác gần 250.000 tấn/năm với các loại nông sản như: Cây công nghiệp là cây chè, cây thuốc lá và cây lương thực thực phẩm: Lúa, ngô, đỗ tương, dong riềng…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên gần 400 cơ sở chế biến nông, lâm sản (95 cơ sở ván bóc, 14 cơ sở băm dăm, 36 cơ sở xẻ gỗ, 169 cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng, khoảng 34 cơ sở chế biến tinh bột, sản xuất miến dong và 04 cơ sở chế biến nghệ với sản phẩm là nghệ thái lát, tinh bột nghệ, curcumin nghệ, còn lại là các cơ sở chế biến nông sản khác), đa số có quy mô hoạt động nhỏ (có khoảng gần 100 cơ sở hoạt động theo quy mô doanh nghiệp và HTX), công nghệ chế biến còn ở trình độ hạn chế, chỉ có một số nhà máy chế biến sử dụng công nghệ cao và quy mô lớn (sản xuất miến dong, nano cucurmin nghệ), đến nay trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được một số sản phẩm nông, lâm sản có thị trường tiêu thụ ổn định như: Ván dán, đũa gỗ, miến dong, tinh bột nghệ. Cơ cấu lĩnh vực chế biến nông, lâm sản trong giai đoạn 2004-2018 khoảng 17-20% trong tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp (năm 2004 chiếm tỷ trọng 18,3%, năm 2018 là 17,8%). Hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là theo hình thức hộ gia đình.

* Định hướng trong thời gian tới:

– Đối với phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản: Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 485/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản bình quân đạt trên 8%/năm và đến năm 2030 đạt trên 15%/năm. Trong thời gian tới hoạt động công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản cần tập trung một số vấn đề sau:

Một là, Tăng cường công tác quản lý và cấp phép khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản, lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện, tiềm lực để khai thác, chế biến tài nguyên, ưu tiên công nghệ chế biến khoáng sản tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo ra giá trị kinh tế cao. Tạo điều kiện và có cơ chế để các doanh nghiệp chế biến sâu trên địa bàn có đủ nguyên liệu; xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai hoặc triển khai không hiệu quả.

Hai là, Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Tăng cường sự phối hợp trong thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản và môi trường trong việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần công tác phục hồi môi trường trong quá trình khai thác, sau khai thác, sử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Ba là, Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách thu thuế tài nguyên để bảo đảm điều tiết vào NSNN hợp lý nguồn lợi từ khai thác khoáng sản; Thực hiện  phương án ấn định thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản, đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát để quản lý khối lượng khoáng sản tại một số mỏ theo đề án phê duyệt.

– Đối với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản: Lĩnh vực chế biến nông, lâm sản phấn đấu đạt giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tăng trưởng bình quân trên 15,7%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản chiếm trên 25% trong tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Trong thời gian tới hoạt động công nghiệp chế biến nông, lâm sản cần tập trung một số vấn đề sau:

Một là: Thực hiện có hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm các chính sách của Nhà nước: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11 tháng 4 năm 2017; các chính sác hỗ trợ hiện hành khác.

Hai là: Khuyến khích công tác trồng rừng sản xuất, đặc biệt là rừng xản xuất gỗ lớn, nâng tỷ lệ diện tích rừng trồng, đảm bảo nguyên liệu gỗ cho công nghiệp chế biến nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững tiến tới cấp chứng chỉ rừng FSC.

Ba là: Rà soát các dự án chế biến nông, lâm sản đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, hoạt động không hiệu quả để có giải pháp xử lý; nâng cấp đầu tư trang thiết công nghệ đối với các dự án đã đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, thương hiệu phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích mọi hình thức đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm trên địa bàn tỉnh;

Bốn là: Phát triển đề án OCOP tỉnh Bắc Kạn trong lĩnh vực sản xuất chế biến nông lâm sản, thúc đẩy  thành lập mới các cơ sở sản xuất, rà soát các cơ sở hiện hành có hàm lượng công nghệ thấp (sơ chế) để hỗ trợ chuyển đổi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm tinh chế, hoàn thiện và có giá trị gia tăng cao có nhãn mác, thương  hiệu đủ điều kiện lưu thông trên thị trường./.

                                                              Hoàng Huyền (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005154
Views Today : 142
Views This Month : 2178
Views This Year : 10086
Total views : 70626
Language
Skip to content