Hoạt động kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, một số giải pháp trong công tác quản lý

Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu; Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã; Nhà nước thống nhất quản lý đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, ghi nhãn, quảng cáo, chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường, phòng, chống cháy nổ trong sản xuất, kinh doanh rượu và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu.

 Trước thực tế tại địa phương, đa phần các cơ sở sản xuất rượu thủ công quy mô nhỏ, vừa nấu rượu vừa kết hợp sử dụng bỗng rượu để chăn nuôi, không có đăng ký kinh doanh và không đăng ký thuế, cơ sở thiết bị hạ tầng trong sản xuất được sử dụng chung các thiết bị, khu vực sinh hoạt gia đình, hoạt động kinh doanh rượu nhỏ lẻ, kinh doanh kèm các mặt hàng khác, thậm chí được người dân tự nấu bán tại các chợ nông thôn nhằm tăng thêm thu nhập.  Thời gian vừa qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng Quản lý thị trường chủ yếu tăng cường tuyên truyền và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phải thực hiện quy định về xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh và thực hiện đầy đủ quy định về tem, nhãn và bao bì sản phẩm. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra tuyên truyền, khuyến cáo các cơ sở sản xuất rượu phải sản xuất, chưng cất rượu đảm bảo ATTP, không vì lợi nhuận trước mắt mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; đối với nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống bán rượu tiêu dùng tại chỗ nên sử dụng các loại rượu: Có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng rượu kém chất lượng; có hợp đồng mua bán rượu với tổ chức, các nhân có Giấy phép theo quy định để kinh doanh; vận động ký cam kết về chấp hành các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, đến nay đã vận động ký cam kết được trên 290 cơ sở.

Nhằm quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, phòng ngừa những hệ lụy do tiêu dùng rượu thủ công không phép, không bảo đảm chất lượng gây ra, cần có sự tham gia quyết liệt của các cơ quan chức năng và hộ sản xuất. Đi đôi với việc giải quyết những bất cập, tạo thuận lợi cho các hộ trong việc đăng ký cấp giấy phép sản xuất, đăng ký sản xuất, cần nâng cao vai trò của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp xã) trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục người dân sản xuất và sử dụng rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Kịp thời giải đáp các thắc mắc cho người dân, minh bạch thủ tục hành chính từng khâu để người dân hiểu và thực hiện nội dung quy định. Có chế tài xử lý vi phạm thích đáng, bởi vì dù có tuyên truyền, hướng dẫn song nếu không có cơ quan hậu kiểm thì tâm lý “mặc kệ” của nhiều hộ nấu rượu thủ công sẽ còn tiếp diễn. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng, chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất rượu thủ công cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất cũ, thể hiện thái độ cầu thị và có trách nhiệm với cộng đồng.

Đối với Cục Quản lý thị trường tỉnh:

– Tiếp tục chỉ đạo các đội Quản lý thị trường chủ động và phối hợp với các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn về việc chấp hành các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; kiểm tra và truy xuất nguồn gốc các nguyên liệu sản xuất rượu vừa là để nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm của người kinh doanh, vừa giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm, nhất là rượu nấu thủ công. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có);

– Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc, xuất xứ theo qui định; vận động và yêu cầu các hộ dân nấu rượu thủ công cam kết không pha chế cồn công nghiệp và chất cấm sử dụng vào rượu. Đặc biệt là chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để kịp thời ngăn chặn và xử lý;

– Tiếp tục tổ chức tập huấn về nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường lĩnh vực an toàn thực phẩm;  tạo điều kiện cho công chức Quản lý thị trường được tập huấn kỹ thuật lấy mẫu phục vụ thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu./.

Ngôn Thị Hiền – Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005163
Views Today : 141
Views This Month : 3407
Views This Year : 11315
Total views : 71855
Language
Skip to content