Hoạt động thương mại điện tử và một số lưu ý về thương mại điện tử trong tình hình hiện nay

Theo quy định của pháp luật, Website thương mại điện tử: Là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. Và để dễ hình dung hơn nữa thì chúng ta chỉ cần hiểu về website thương mại điện tử đó là buôn bán, giao dịch thông qua website, trang web này hoạt động bằng mạng internet. Thương mại điện tử có đặc tính phi biên giới (hoạt động bằng mạng internet), với các hình thức kinh doanh cơ bản gồm: Thư điện tử; thanh toán điện tử; trao đổi dữ liệu điện tử; truyền dung liệu; bán lẻ hàng hóa hữu hình. Với đa dạng đối tượng tham gia theo các phương thức khác nhau, có thể: Doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp với người tiêu dùng (không giới hạn khoảng cách địa lý)…. Theo đó, công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các thương nhân, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử của các cơ quan chức năng còn có bất cập, cùng với đó là người tiêu dùng chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, mua – bán hàng qua mạng ở Việt Nam được đánh giá phát triển rất nhanh chóng, thu hút được nhiều khách hàng tin dùng. Mua hàng qua mạng có nhiều điểm ưu việt so với cách mua – bán trực tiếp. Khi mua hàng trực tuyến bạn sẽ: Tiết kiệm thời gian – nhận hàng tận nhà; So sánh giá cả dễ dàng; Lựa chọn đa dạng; Giá thành rẻ; Chủ động, an toàn ở mọi tình huống; Tránh nơi đông đúc,…và những lợi ích khác như: Mua hàng đơn giản hơn, bạn có thể đánh giá sản phẩm qua những phản hồi của các khách hàng trước, nhận được những khuyến mãi, giảm giá, quà tặng vào dịp đặc biệt qua việc đăng ký khách hàng thân thiết, đăng ký thành viên, bạn còn cập nhật thông tin các sản phẩm mới của hãng, của Website …

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử quy định: Tổ chức, cá nhân khi thiết lập website thương mại điện tử có trách nhiệm đăng ký/thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tùy theo hình thức website, cũng như nghĩa vụ khác theo quy định. Trong đó:

Thứ nhất, về hình thức của website thương mại điện tử (sau đây gọi tắt là website): Hoạt động thương mại điện tử có thể được tổ chức dưới hình thức website bán hàng (do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình) hoặc website   môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm: Sàn giao dịch thương mại điện tử; website đấu giá trực tuyến; website khuyến mại trực tuyến và các loại website khác do Bộ Công thương quy định).

Thứ hai, về chủ sở hữu website: Chủ sở hữu website bán hàng có thể là thương nhân có đăng ký kinh doanh, tổ chức mà trong chức năng, nhiệm vụ có bao gồm việc tổ chức hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc tiến hành các hoạt động thương mại điện tử hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, chỉ thương nhân và tổ chức có đăng ký ngành nghề kinh doanh hoặc có chức năng, nhiệm vụ phù hợp mới được thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Thứ ba, về trách nhiệm đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

 (1). Chủ sở hữu website bán hàng không cần phải đăng ký mà chỉ phải thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website bán hàng; (2). Đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, chủ sở hữu website phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương về việc thiết lập website sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng. Lưu ý, trường hợp website cho phép người tham gia tiến hành mua bán hàng hóa theo phương thức của Sở giao dịch hàng hóa thì phải có giấy phép thành lập Sở giao dịch hàng hóa và tuân thủ các quy định pháp luật về Sở giao dịch hàng hóa.

Thứ tư, về nghĩa vụ công bố thông tin trên website:

(1). Website bán hàng phải công bố đầy đủ thông tin về người sở hữu website, hàng hóa, dịch vụ, các phương thức thanh toán, giá cả (nếu có) áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website; (2). Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải công bố đầy đủ, chính xác các thông tin như sau:

–  Sàn giao dịch thương mại điện tử phải công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch, thông tin của người bán trên sàn giao dịch và cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch;…

– Website đấu giá trực tuyến phải thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa được bán đấu giá, giá khởi điểm, mức giá chấp nhận bán (nếu có);…

– Website khuyến mại trực tuyến phải nêu thông tin về từng hoạt động khuyến mại trên website như: tên, địa chỉ, số điện thoại và các thông tin liên hệ khác của thương nhân, tổ chức, cá nhân có hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại; mô tả hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, thời gian khuyến mại.

Thứ năm, chủ sở hữu website có nghĩa vụ bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng. Chủ sở hữu website có hành vi đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, hoặc bán các thông tin cá nhân của khách hàng trong giao dịch thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử. Chi tiết về chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử được quy định tại Nghị định 185⁄2013⁄NĐ-CP Ngày 15⁄11⁄2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185⁄2013⁄NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng dịch vụ, tiêu dùng sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử, người tiêu dùng cũng không nên bỏ qua một số cảnh báo sau đây:

Một là, người tiêu dùng nên tìm hiểu ứng dụng mình sẽ sử dụng cũng như doanh nghiệp cung cấp ứng dụng để đánh giá xem ứng dụng đó có đáng tin cậy, doanh nghiệp đó có uy tín hay không.

Hai là, người tiêu dùng đừng tin những cam kết chung chung về những hàng hóa, mà nhất thiết phải chủ động lựa chọn hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng mà website phải thực hiện thông báo để người tiêu dùng lựa chọn.

           Ba là, về giá cả, để tránh mua phải giá đắt, khách hàng nên có sự tham khảo, so sánh giữa các hãng, các nhà cung ứng dịch vụ khác nhau, giá cả tại thời điểm trên thị trường…

           Bốn là, người tiêu dùng nên lựa chọn hình thức giao hàng phù hợp nhất với mình để tránh phiền toái hay nhầm lẫn hàng hóa, như: Trực tiếp nhận và kiểm tra thông tin sản phẩm so với các tiêu chí lựa chọn sản phẩm của mình, nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm theo thông tin quảng cáo hoặc công bố của website…

Hiện nay, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng với các hình thức kinh doanh theo phân khúc khác nhau đang phát triển, trong đó có giao dịch thông qua website hoạt động bằng mạng internet, vì mục tiêu lợi nhuận không thể tránh khỏi có một số thương nhân bất chấp thủ đoạn kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng không thể không tự trang bị cho mình các thông tin cần thiết cũng như lựa chọn đối tác và ứng dụng uy tín để quá trình mua sắm thông qua website của mình vừa an toàn, tiết kiệm lại hiệu quả./.

                    Ngôn Thị Hiền – Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005160
Views Today : 53
Views This Month : 2752
Views This Year : 10660
Total views : 71200
Language
Skip to content