Với những thành tựu của 30 năm đổi mới và chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập quốc tế trở thành nhân tố quan trọng hơn bao giờ hết để tạo thế và lực của đất nước trong cục diện đang định hình. Do đó, hội nhập quốc tế trong thời điểm hiện nay đang đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới:
Trước hết, khác với các giai đoạn trước, hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay đòi hỏi đổi mới tư duy, chuyển từ “mở rộng quan hệ, gia nhập và tham gia hợp tác quốc tế” sang “chủ động đóng góp, tích cực khởi xướng và tham gia định hình các cơ chế hợp tác”. Với tầm và quy mô hội nhập hiện nay, các mối quan hệ kinh tế quốc tế của nước ta không đơn thuần là “hội nhập” mà ở tầm “liên kết”;
Thứ hai, cần tăng cường cách tiếp cận đa ngành, liên ngành và đa phương. Đây là xu thế khách quan trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, các nội hàm liên kết trở nên sâu rộng hơn, với nhiều đối tác hơn, mang tính liên ngành, đa lĩnh vực, đa tầng nấc, ở mọi cấp độ tiểu vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu;
Thứ ba, phát triển bền vững, sáng tạo và ứng phó với các thách thức toàn cầu là nội hàm quan trọng của hội nhập quốc tế. Điều này là phù hợp với xu thế chuyển đổi sang mô hình bền vững và sáng tạo, tăng trưởng xanh, từ tư duy kinh tế, tư duy phát triển, cách tiếp cận đến cách thức quản trị kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh trên mọi tầng nấc;
Thứ tư, để có thể tận dụng cơ hội, tiềm năng của liên kết quốc tế về công nghệ, quản lý, nguồn lực và tham gia vào tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần có sự đột phá trong cải cách, đổi mới trong nước, nhất là về thể chế, khuôn khổ pháp lý, năng lực thực thi hội nhập quốc tế, trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ của nguồn nhân lực. Cùng với đó là việc hình thành các chính sách tham gia hội nhập, liên kết quốc tế trong từng lĩnh vực và thiết lập các cơ chế chỉ đạo, phối hợp phù hợp với tình hình mới.
Theo đó, năm 2018 là giai đoạn rất quan trọng nước ta cần có những giải pháp để đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và tham gia các FTA.
Nỗ lực hoàn tất các cam kết quốc tế lớn có thời hạn vào 2015 – 2020 nhằm nâng tầm hội nhập quốc tế, trong đó ưu tiên: Cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN, Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025; Cam kết gia nhập WTO (thời hạn 31/12/2018), các Mục tiêu Bô-go của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020…; Hoàn tất đàm phán và thực thi các Hiệp định FTA, trong đó thúc đẩy sớm ký kết, phê chuẩn và thực thi TPP, các FTA với Liên minh Kinh tế Á – Âu, EU và Hàn Quốc; hoàn tất đàm phán RCEP và FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA); các cam kết trong FTA đã ký… Các FTA của ASEAN (AFTA), ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc có thời hạn cắt giảm thuế năm 2018;
Nỗ lực tạo đột phá trong vận động các đối tác, nhất là các đối tác lớn, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của ta trước thời hạn 2018 (là thời điểm kinh tế nước ta được công nhận là nền kinh tế thị trường theo thỏa thuận gia nhập WTO). Xử lý hiệu quả tranh chấp, vướng mắc kinh tế, thương mại nhằm bảo đảm lợi ích của người lao động và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và tham gia các FTA. Đổi mới cách nghĩ, cách làm trong tham gia các hoạt động hội nhập, liên kết quốc tế theo hướng “chủ động tham gia, tích cực đề xuất và đóng góp”. Tư duy mới là nâng lên tầm khu vực và toàn cầu – đó là tư duy của một Cộng đồng ASEAN 600 triệu dân, một thị trường, không gian kinh tế rộng lớn của 56 đối tác FTA đại diện 65% dân số, 95% GDP và 84% thương mại thế giới. Cách làm mới là liên kết, hợp tác liên ngành, đa ngành và đa phương, bền vững, nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương, doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh gay gắt với các đối tác lớn, mạnh hơn.
Đẩy mạnh phổ biến nội dung các cam kết hội nhập của ta, nhất là các hiệp định FTA, chính sách, biện pháp cụ thể để tận dụng thời cơ, xử lý thách thức của hội nhập. Đồng thời hoàn thiện thể chế pháp lý hướng tới hài hòa hóa chính sách với các cam kết quốc tế; hình thành các chiến lược lớn về hội nhập quốc tế, tham gia FTA; rà soát và đẩy mạnh triển khai lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế… Hiện nay rất cần hiệp hội và doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất để hình thành các yêu cầu, cam kết của ta trong tham gia các thỏa thuận quốc tế, các đàm phán FTA.
Đẩy mạnh nâng cao năng lực thực thi hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, có tri thức, kiến thức, kỹ năng hội nhập và kỹ năng nghề, đồng thời các cơ quan, hiệp hội cần đẩy mạnh đổi mới quản lý phù hợp tình hình, nhất là trong tình hình có nhiều yếu tố bất ổn, bất định. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, đội ngũ luật sư, đào tạo nghề, gắn với nhu cầu xã hội và yêu cầu của hội nhập quốc tế nước ta.
Đổi mới cách thức, kiện toàn cơ chế phối hợp liên ngành, phù hợp với những chuyển biến nhanh của tình hình và hội nhập quốc tế nước ta. Công tác chuẩn bị trong nước để hội nhập quốc tế đang có những bước chuyển quan trọng, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong đó đề ra các định hướng lớn về hội nhập và xác định hội nhập kinh tế là trọng tâm.
Hoàng Yến (Sở Công Thương). Sưu tầm