Kết quả thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam 06 tháng đầu năm 2018

Sáu tháng đầu năm, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, Sở Công Thương Bắc Kạn đã ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động nhằm tuyên truyền về Cuộc vận động, công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kiểm tra, kiểm soát thị trường, công tác quản lý giá cả vào các dịp lễ, tết góp phần ổn định thị trường đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả khả quan góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.

            Công tác thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn ngày càng được Sở Công Thương quan tâm. Thời gian qua, Sở đã Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thông qua Cổng thông tin điện tử của ngành nhằm tuyên truyền nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Thông báo Kết luận số 264 ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng chính phủ, nhằm làm cho cán bộ công chức trong toàn ngành Công Thương, cũng như người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá Việt Nam, từ đó tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế xã hội, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, xây dựng văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam – “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh;

            Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện Công văn số 4565/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị – xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh;

            Phối hợp với Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại thực hiện đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng” trên địa bàn huyện Chợ Mới và Na Rì và đề án “Đào tạo, tập huấn ngắn hạn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ” năm 2018, tại huyện Bạch Thông, huyện Na Rì và huyện Chợ Mới, với tổng số 165 học viên tham dự. Hướng dẫn các địa phương hưởng ứng ngày Quyền người tiêu dùng 15/3 bằng hình thức treo băng rôn, biểu ngữ trên các tuyến đường.

            Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến thương mại được Sở Công Thương chú trọng. Hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại (đã tiếp nhận thông báo khuyến mại 3.147 thông báo qua đường bưu điện, tiếp nhận trực tiếp 461 thông báo, 21 hồ sơ xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại). Chỉ đạo Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch khảo sát địa điểm để tổ chức 03 phiên chợ hàng Việt về nông thôn thuộc Đề án Xúc tiến thương mại quốc gia và xây dựng kế hoạch tổ chức phiên chợ và mời các đơn vị có nhu cầu tham gia phiên chợ. Tiếp nhận theo dõi, xác nhận việc tổ chức 14 hội chợ tại các huyện, thành phố trên địa bàn.

            Để ổn định thị trường và giá cả hàng hóa, Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý  nhà nước kiểm tra, kiểm soát thị trường chặt chẽ, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Tham mưu các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong các lĩnh vực ATTP, kinh doanh xăng dầu, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, tăng cường quản lý thuốc lá, xì gà ngoại nhập lậu; kiểm tra các mặt hàng nông sản và sản phẩm chế biến từ nông sản; quản lý phòng, chống ngộ độc rượu và bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm tra thuốc Zinnat 500 mg giả và rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với sản phẩm của VINACA; tăng cường quản lý hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam….6 tháng đầu năm 2018, lực lượng QLTT đã kiểm tra tổng số: 815 lượt vụ, trong đó: Số vụ xử lý 213 vụ, với 226 hành vi (03 vụ buôn bán hàng cấm; 17 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu; 02 vụ buôn bán hàng giả; 27 vụ không niêm yết giá; 17 vụ vi phạm trong kinh doanh;  89 vụ  vi phạm trong lĩnh vực ATTP và 58 vụ có hành vi vi phạm khác). Tổng số tiền thu nộp NSNN: 1.318.410.000 đồng.

            Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn trở nên sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân. Người dân nông thôn đa số thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong khi đó hàng ngoại chất lượng tốt thì giá quá cao, một số mặt hàng giá thấp thì chất lượng không đảm bảo nên hàng Việt vẫn là sự lựa chọn phù hợp của người tiêu dùng. Cuộc vận động đã tạo được bước chuyển biến tích cực và có sự lan tỏa đến mọi người dân, các doanh nghiệp, thương nhân và toàn xã hội.

            Để tiếp tục thực hiện Cuộc vận động có hiệu quả, 6 tháng cuối năm, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; vận động các doanh nghiệp triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về khuyến mại, tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh chống các hành vi kinh doanh trái phép, nhằm kiểm soát tốt việc kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu lưu thông trên thị trường.

                                                                                    Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 238
Views This Month : 3901
Views This Year : 11809
Total views : 72349
Language
Skip to content