Kết quả thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2020

  1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu Đề án 701

– Giai đoạn 2017-2020 ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước tăng trưởng đáng kể, dự báo tổng sản phẩm (GRDP) ngành công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2017-2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,1%/năm (cao hơn 7% so với mục tiêu Đề án), tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 11,9%/năm. Đến năm 2020, dự ước cơ cấu GRDP khu vực công nghiệp chiếm 6,54% trong GRDP của tỉnh, GRDP khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm 14,7% trong GRDP của tỉnh (không đạt mục tiêu của Đề án là 20%).

– Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2017-2020 tăng bình quân 6,4%/năm (chưa đạt mục tiêu Đề án là 12%). Đến năm 2020, thu ngân sách từ hoạt động công nghiệp chiếm tỷ trọng 29,2% trong tổng số thu ngân sách của tỉnh.

– Mục tiêu phấn đấu hoàn chỉnh đầu tư hạ tầng 02 cụm công nghiệp theo quy hoạch để có mặt bằng thu hút các dự án công nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp chưa thực hiện hoàn thành. Hiện nay mới đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Huyền Tụng, diện tích khoảng 16 ha từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Ngoài ra, thực hiện thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cụm công nghiệp Quảng Chu, huyện Chợ Mới, diện tích 74,4 ha và CCN Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, diện tích 43ha (UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập cụm công nghiệp, các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định hiện hành).

– Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến nay, có 100% số xã có điện lưới quốc gia với hơn 1.114/1.261 thôn, bản có điện đạt 88,34% và tỷ lệ số hộ trên địa bàn tỉnh sử dụng điện lưới quốc gia tính đến hết năm 2020 ước đạt 97,31% (so với mục tiêu Đề án là 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia).

– Mặc dù tại một số địa phương có tiềm năng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp theo hình thức làng nghề (như miến dong, rượu men lá, chè…). Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có làng nghề nào được công nhận theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

  1. 2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp tại Đề án 701

2.1. Công tác rà soát các dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai, chậm tiến độ, dừng hoạt động, không hiệu quả để có giải pháp xử lý dứt điểm.

Công tác rà soát, bổ sung danh mục các dự án sản xuất công nghiệp có tiềm năng, lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhất là trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng để kêu gọi, thu hút đầu tư được thực hiện thường xuyên. Giai đoạn 2017 – 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 45 dự án đầu tư trong nước thuộc lĩnh vực công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.700 tỷ đồng. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã chủ động phối hợp thực hiện tăng cường công tác đôn đốc tiến độ triển khai đầu tư của các dự án, rà soát các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư không thực hiện theo tiến độ đã cam kết để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo. Trong đó, đã quyết định chấm dứt hoạt động đối với 08 dự án đăng ký đầu tư và đề nghị doanh nghiệp tự quyết định chấm dứt hoạt động 03 dự án do không tiếp tục triển khai thực hiện, hết thời hạn hoạt động triển khai dự án.

Sở Công Thương thường xuyên thăm nắm tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chủ động tham mưu công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động ổn định theo công suất thiết kế. Đôn đốc các dự án công nghiệp đang dừng sản xuất xây dựng phương án, lộ trình để hoạt động sản xuất trở lại (như nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm tại huyện Chợ Đồn của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn; nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm tại huyện Ngân Sơn của Công ty CP Khoáng sản Na Rì Hamico,…). Tuy nhiên, đến nay một số nhà máy công nghiệp có quy mô chưa hoạt động sản xuất trở lại như: Nhà máy sắt xốp Bắc Kạn, công suất 100.000 tấn sắt xốp/năm; nhà máy chế biến Canxi cacbonat công suất 54.000 tấn sản phẩm/năm; nhà máy luyện gang Bắc Kạn công suất 40.000 tấn gang và 60.000 tấn xỉ giàu mangan/năm; Dự án Nhà náy điện phân chì kẽm Bắc Kạn của Công ty TNHH Ngọc Linh tiến độ đầu tư hoàn thành Dự án chậm do Công ty thiếu vốn để tiếp tục đàu tư.

2.2. Công tác đánh giá, bổ sung quy hoạch

Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành liên quan đến công nghiệp được quan tâm thực hiện, trong năm 2018 đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 485/QĐ-UBND ngày 30/3/2018). Ngoài ra, năm 2020 đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung 01 cụm công nghiệp tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới vào Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn 2010 – 2020, có xét đến năm 2025 nhằm thu hút vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (Quyết định số 1399/QĐ-UBND ngày 31/7/2020).

Công tác điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trên đã tạo điều kiện để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh và là cơ sở để thu hút 02 doanh nghiệp ngoài tỉnh vào đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tại huyện Chợ Mới và huyện Bạch Thông.

2.3. Công tác phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước…).

* Về phát triển nguồn nhân lực.

Trong giai đoạn 2017-2020 Sở Nội vụ đã phối hợp tổ chức được 20 lớp đào tạo với 1.452 lượt cán bộ, công chức tham gia (02 lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương, 01 lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng, 02 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, 05 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, 01 lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Tổ chức, cán bộ, 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và quản lý nhà nước ngạch kiểm lâm, 02 lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo, quản lý).

Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực lao động cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua còn có mặt hạn chế, chủ yếu thực hiện từ nguồn ngân sách thông qua các lớp tập huấn đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo, nhân sự của các cơ sở công nghiệp nông thôn được khoảng 140 lượt người (do ngành Công Thương, Nông nghiệp và PTNT tổ chức).

* Công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước…)

– Về hạ tầng khu, cụm công nghiệp:

+ Về Khu công nghiệp: Hạ tầng kỹ thuật KCN Thanh Bình từng bước được xây dựng, hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư các dự án công nghiệp, đến nay Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I với diện tích 73,5 ha đã được đầu tư hoàn chỉnh tương đối đồng bộ và đưa vào sử dụng thu hút 12 dự án đăng ký hoạt động (trong đó 08 dự án đang hoạt động sản xuất, 03 dự án đang thực hiện công tác đầu tư, 01 dự án đang dừng hoạt động do sản xuất không hiệu quả). Hiện nay, tỉnh đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng triển khai thực hiện Dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình – giai đoạn II với quy mô 80,3 ha để thu hút nguồn vốn xã hội hóa (vốn ngoài nhà nước).

+ Về Cụm công nghiệp: Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010-2020, có xét đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 25/02/2014, trong đó trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 21 cụm công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích là 488,9 ha. Hiện nay đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Huyền Tụng, diện tích 16 ha từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Ngoài ra, đã thu hút được vốn xã hội hóa đầu tư Cụm công nghiệp Quảng Chu, huyện Chợ Mới, diện tích 74,4 ha và Cụm công nghiệp Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, diện tích 43ha (hiện các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định).

– Về hạ tầng đường giao thông: Để đảm bảo kêu gọi xúc tiến vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, ngành Giao thông Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường QL3 mới đoạn Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 (trùng với hướng tuyến dự kiến của tuyến cao tốc Chợ Mới – Thành phố Bắc Kạn), tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Bộ giao thông Vận tải đầu tư, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ qua địa phận tỉnh Bắc Kạn và một số tuyến đường tỉnh có vai trò kết nối các Quốc lộ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và đề xuất với Tổng cục đường bộ Việt Nam thực hiện sửa chữa nền, mặt đường tuyến QL3B, 3C đoạn thuộc địa phận huyện Chợ Đồn.

– Về hạ tầng đường lâm nghiệp: Từ năm 2016 đến năm 2019 địa phương chưa bố trí ngân sách để tổ chức thực hiện mở mới, cải tạo nâng cấp đường lâm nghiệp theo quy hoạch đã được duyệt, việc huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng đường lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên năm 2020, thực hiện Quyết định số 1341/QĐ-UBND ngày 27/7/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc giao chi tiết vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Kạn năm 2020 (đợt 2), ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao làm chủ đầu tư thực hiện xây dựng đường lâm nghiệp năm 2020 theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2020, dự kiến mở 5 tuyến đường lâm nghiệp tại các huyện Chợ Mới, Chợ Đồn và Na Rì với tổng chiều dài khoảng hơn 19km, tổng kinh phí thực hiện là 8,614 tỷ đồng.

– Về hạ tầng đường điện: Sở Công Thương đã thực hiện công tác phát triển lưới điện theo đúng Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035; chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia và năng lượng tái tạo. Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; công tác kiểm tra hành lang an toàn lưới điện được tăng cường, công tác thi công các công trình điện, an toàn hồ đập thủy điện đảm bảo cho vận hành lưới điện trên địa bàn luôn được quan tâm. Tỉnh Bắc Kạn được cấp điện từ đường dây 110kV của trạm biến áp 220kV Bắc Kạn và đường dây 110kV từ Thái Nguyên – Bắc Kạn thông qua 02 trạm biến áp 110kV với tổng công suất lắp đặt 75 MVA tăng 1,13% so với năm 2015 (năm 2015 là 66 MVA), trong đó trạm 110kV Bắc Kạn (E26.1) công suất 50MVA, hiện mang tải 97% và trạm 110kV Chợ Đồn (E26.2) công suất 25MVA, hiện mang tải khoảng 31%. Ngoài ra nguồn cung cấp cho lưới điện tỉnh Bắc Kạn còn có 03 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy 10,1MW. Đến nay 100% các xã có điện lưới quốc gia; có hơn 1.114/1.261 thôn, bản có điện đạt 88,34%; tỷ lệ số hộ trên địa bàn tỉnh sử dụng điện lưới quốc gia tính đến hết năm 2020 ước đạt 97,31%; hiện nay còn khoảng 147 thôn, bản chưa có điện, trong đó 120 thôn, bản đã có trong danh mục tại Quyết định 3131/QĐ-BCT ngày 27/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020. Ngày 13/12/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020, theo đó tỉnh Bắc Kạn cần có tổng số vốn để đầu tư là 412 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn cho tiểu dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia 380 tỷ đồng, tiểu dự án Cấp điện bằng năng lượng tái tạo 32 tỷ đồng).

2.4. Công tác xây dựng, phát triển, quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến.

Công tác xây dựng, phát triển quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến được các ngành quan tâm tham mưu thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm quy hoạch vùng trồng rừng sản xuất, trồng dong riềng để phục vụ công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất miến dong của tỉnh. Từ năm 2017-2020 trên địa bàn tỉnh trồng được trung bình mỗi năm 6.675 ha và đến nay có trên 17.619 ha là rừng trồng cây gỗ lớn, diện tích trồng dong riềng được quy hoạch lại phù hợp với năng lực chế biến của các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác phân vùng, quy hoạch vùng nguyên liệu khoáng sản phục vụ công nghiệp chế biến được quan tâm thực hiện tốt, nhất là nguyên liệu cho các nhà máy luyện chì kim loại trên địa bàn tỉnh.

2.5. Công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng, mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong giai đoạn, hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nghề nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm được các ngành chức năng (Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh) thực hiện hằng năm thông qua các Chương trình: Khuyến công, Chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chương trình khoa học công nghệ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…Trong giai đoạn 2017-2020, có khoảng 114 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí 21,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm và đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực.

Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm được Sở Công Thương thực hiện hằng năm đã hỗ trợ và tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm ở các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Nghệ An, Cần Thơ,…. Ngoài ra, tham mưu tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2017 và năm 2020; tổ chức thành công “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm Cam, Quýt và các đặc sản Bắc Kạn tại thành phố Hà Nội năm 2018”; “Tuần lễ giới thiệu Hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2019” tại Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội; “Tuần lễ giới thiệu Bí xanh thơm, Gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2020” tại thành phố Hà Nội…

Thông qua các sự kiện này nhằm giới thiệu, quảng bá tới các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp trong tỉnh có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tiếp tục có định hướng phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại, bền vững và giữ gìn các giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống của tỉnh.

 Định hướng, giải pháp phát triển công nghiệp trong thời gian tới

  1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân về công tác phát triển công nghiệp. Đa dạng hóa hình thức phổ biến các chương trình, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phát triển công nghiệp đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân để tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn thể nhân dân trong tỉnh.
  2. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu tiểu thủ công nghiệp, phát triển công nghiệp gắn với quá trình sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, xác định nhiệm vụ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trọng tâm để chuyển sản xuất thuần nông, bán thuần nông, lao động nông nghiệp sang sản xuất phi nông nghiệp, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn với công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
  3. Huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp, đặc biệt là phát huy nội lực của các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tận dụng tối đa có hiệu quả các gói hỗ trợ của Nhà nước để các cơ sở công nghiệp nâng cao năng lực sản xuất. Mở rộng và phát triển các quỹ tín dụng nhân dân ở khu vực nông thôn để các cơ sở tiểu thủ công nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
  4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cơ sở công nghiệp, hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm kết nối cung – cầu lao động, tạo thuận lợi cho cơ sở sản xuất trong tuyển dụng lao động. Tăng cường mở các lớp tập huấn phổ biến, cập nhật kiến thức, kỹ năng sản xuất kinh doanh cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.
  5. Tăng cường vận động, khuyến khích các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đổi mới, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh ở trong nước và nước ngoài.
  6. Tiếp tục hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

                                                                   Sở Công Thương




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005167
Views Today : 150
Views This Month : 4051
Views This Year : 11959
Total views : 72499
Language
Skip to content