Kết quả trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa IX

  1. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH
  2. Cử tri Hoàng Thị Cát, Giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Vũ Loan, huyện Na Rì phản ánh: Tại Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND ngày 06/11/2016 của HĐND tỉnh về việc quy định cụ thể thực hiện một số nội dung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ và một số chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn quy định về hỗ trợ tiền điện như sau:“Hỗ trợ 100% tiền điện thắp sáng cho học sinh ở bán trú theo thực tế sử dụng nhưng tối đa không quá 10KW/học sinh/tháng”. Tuy nhiên, năm học vừa qua, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Vũ Loan và trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vũ Loan không được hỗ trợ tiền điện theo quy định tại Nghị quyết. Đề nghị cho biết nhà trường có thuộc diện được hỗ trợ tiền điện thắp sáng cho học sinh ở bán trú không.

Trả lời:

Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND ngày 06/11/2016 của HĐND tỉnh về việc quy định cụ thể thực hiện một số nội dung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ và một số chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa IX, kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 06/11/2016 và có hiệu lực từ ngày 16/11/2016. Theo đó, Nghị quyết đã quy định cụ thể chính sách hỗ trợ tiền điện và quản lý học sinh ở bán trú trong trường đối với các trường phổ thông có học sinh ở bán trú trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 08/12/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 2421/SGDĐT-KHĐT hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, theo đó đã hướng dẫn thực hiện khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND ngày 06/11/2016 của HĐND tỉnh: “Hỗ trợ 100% tiền điện thắp sáng cho học sinh ở bán trú theo thực tế sử dụng nhưng tối đa không quá 10KW/học sinh/tháng”. Như vậy, đối chiếu với quy định trên, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Vũ Loan và trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vũ Loan thuộc đối tượng được hưởng chính sách.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4522/UBND-THVX ngày 21/8/2018 về việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa IX, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Na Rì đã rà soát lại và ban hành Quyết định số 151/QĐ-GD&ĐT ngày 06/8/2018 về việc giao bổ sung dự toán thu chi Ngân sách Nhà nước năm 2018 cho các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Na Rì để thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh ở bán trú trong trường phổ thông theo Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND, trong đó cấp bổ sung kinh phí thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 03 trường PTDTBT Tiểu học Vũ Loan, PTDTBT THCS Vũ Loan, PTDTBT THCS Đổng Xá học kỳ II năm học 2017 – 2018 (từ tháng 01/2018 đến tháng 05/2018).

Để xảy ra sai sót là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc UBND huyện Na Rì. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Na Rì kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

(Công văn số 1543/SGDĐT-KHTC ngày 31/8/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo; Công văn số 1133/UBND-VP ngày 30/8/2018 của UBND huyện Na Rì).

  1. Cử tri Bế Sỹ Côn, thôn Nam Lanh Chang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông phản ánh: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17, Luật Người cao tuổi và tại Điều 5, Khoản 5, Điểm a Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định 136). Hiện nay, tại thôn Nà Nghịu, xã Lục Bình có hộ bà Đinh Thị Ngư (sinh năm 1947) là hộ nghèo, người cao tuổi, ở cùng với con trai đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng và cùng người cháu dưới 16 tuổi (sinh năm 2008). Bà có đơn đề nghị UBND xã Lục Bình xem xét giải quyết hưởng chế độ theo Điều 5, Khoản 5, điểm a của Nghị định 136. Nhưng đến nay bà Đinh Thị Ngư chưa được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo (từ 60 tuổi đến 80 tuổi). Đề nghị xem xét giải quyết và trả lời cho bà Ngư.

Trả lời:

Đối với hoàn cảnh của bà Đinh Thị Ngư gia đình thuộc hộ nghèo đã được hưởng các chính sách đối với hộ nghèo theo quy định. Hiện nay bà ở cùng với người con khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, nhưng bà còn 4 người con trong độ tuổi lao động và đang sinh sống, làm việc tại địa phương, tuy không sống chung với bà nhưng vẫn phải có nghĩa vụ chăm sóc bà. Do đó, trường hợp của bà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo Điểm a, Khoản 5, Điều 5, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ: “Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng”.

(Báo cáo số 351/BC-UBND ngày 06/9/2018 của UBND huyện Bạch Thông)

  1. Cử tri Quánh Văn Danh, thôn Pác Chang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông phản ánh: Ông nhập ngũ ngày 07/4/1975, kết quả giám định sức khỏe có bệnh do phơi nhiễm chất độc hóa học, nhưng hiện nay chưa được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, do không còn lưu giữ được giấy tờ gốc chứng minh (Kinh tế gia đình khó khăn, không đủ điều kiện đi về đơn vị trước đây để chứng nhận). Đề nghị xem xét có hướng giải quyết để được hưởng chế độ người bị nhiễm chất độc hóa học.

Trả lời:

Căn cứ văn bản quy định hiện hành, để được hưởng chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, cá nhân đề nghị cần có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, nếu hồ sơ không đầy đủ, cơ quan HCNN không thể thực hiện được chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Nếu điều kiện quá khó khăn, đề nghị cử tri cung cấp phiên hiệu đơn vị cho cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội nơi cư trú để giúp đỡ trong việc xác minh, bổ sung hồ sơ sao lục để có đủ cơ sở xem xét giải quyết chế độ cho ông. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Bạch Thông, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp giúp đỡ.

(Công văn số 1567/LĐTBXH-NCC&BVCSTE ngày 28/8/2018 của Sở LĐTBXH)

  1. Cử tri Đào Thiện Tương, thôn Nà Tạ, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể phản ánh: Hiện nay, việc chi trả lương hưu, chi trả tiền trợ cấp xã hội do ngành Bưu điện thực hiện còn nhiều bất cập, cán bộ làm công tác này không nắm rõ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước nên khi đối tượng thụ hưởng chính sách có ý kiến, kiến nghị thì không giải thích, tuyên truyền được. Đề nghị các cơ quan chuyên môn tập huấn cho đội ngũ cán bộ trên.

Trả lời:

Triển khai công tác chi trả Lương hưu và chi trả Bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, Bưu điện tỉnh đã được Bảo hiểm xã hội và Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh bàn giao các tài liệu liên quan, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tất cả cán bộ chi trả thực hiện. Trong quá trình chi trả, cán bộ chi trả sẽ tiếp nhận các ý kiến thắc mắc của người hưởng. Đối với các ý kiến mà nhân viên chi trả biết chính xác thì giải thích ngay để người hưởng hiểu rõ. Đối với các ý kiến mà người hưởng yêu cầu giải đáp vượt quá khả năng và thẩm quyền thì nhân viên chi trả sẽ chuyển thông tin về Bưu điện huyện. Bưu điện huyện sẽ phối hợp cùng cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản tới người hưởng có liên quan.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới Bưu điện tỉnh Bắc Kạn sẽ phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng như các ngành liên quan tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ chi trả nắm bắt kịp thời các chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước về chế độ của người hưởng đảm bảo việc giải đáp các ý kiến thắc mắc của cử chi được đúng và kịp thời.

(Công văn số 924/BĐBK-KHKD ngày 29/8/2018 của Bưu điện tỉnh Bắc Kạn)

  1. Cử tri Dương Thị Duyên, giáo viên trường Tiểu học xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể phản ánh: Một số giáo viên bộ môn trường Tiểu học Thượng Giáo có danh sách dạy ở điểm trường chính nhưng thực tế lại chủ yếu dạy ở các điểm trường lẻ thuộc các thôn đặc biệt khó khăn. Hiện nay, các giáo viên bộ môn này chỉ được hưởng phụ cấp đứng lớp là 50% và không được hưởng phụ cấp công tác lâu năm. Đề nghị cho biết đối với giáo viên có danh sách dạy ở điểm trường chính nhưng chủ yếu lại dạy ở các điểm trường lẻ thuộc các thôn đặc biệt khó khăn thì có được hưởng phụ cấp đứng lớp là 70% và được hưởng phụ cấp công tác lâu năm theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn không?

Trả lời:

Ngày 18/9/2013, Bộ Nội vụ đã ban hành Văn bản số 3332/BNV-TL về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó Bộ Nội vụ có ý kiến về chính sách đối với giáo viên giảng dạy theo tiết môn học tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ như sau: “Trường hợp làm việc chính tại trường học không thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và được phân công kiêm nhiệm giảng dạy tại phân hiệu ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn dưới 50% thời gian làm việc trong tháng thì không áp dụng chính sách quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ”.

Như vậy, đối với giáo viên làm việc chính tại trường học không thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và được phân công kiêm nhiệm giảng dạy tại phân hiệu, điểm trường lẻ theo tiết, môn học ở các thôn đặc biệt khó khăn nếu có từ 50% thời gian làm việc trong tháng trở lên ở các thôn đặc biệt khó khăn thì thuộc đối tượng hưởng chính sách quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ (trong đó có phụ cấp công tác lâu năm) và thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ, trong đó giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi là 70% mức lương hiện hưởng theo ngạch, bậc cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

(Công văn số 1219/SNV-TCBC&CCVC ngày 31/8/2018 của Sở Nội vụ).

  1. GIAO THÔNG, XÂY DỰNG, THỦY LỢI
  2. Cử tri Bế Thị Niên, thôn Bắc Lanh Chang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông: Đề nghị cắm biển báo giảm tốc độ tại đường Kon Tum, thành phố Bắc Kạn để thuận lợi cho người tham gia giao thông.

Trả lời:

Đường Kon Tum thuộc tuyến QL3 đoạn đi qua khu vực nội thị thành phố. Theo đó khu vực nội thị thành phố đã được cắm biển R.420 “bắt đầu khu đông dân cư” theo Quy chuẩn Việt Nam 41:2016/BGTVT và Điều 6, Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định rõ về tốc độ của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông trên tuyến đường trong khu đông dân cư. Do vậy việc cắm thêm biển báo hạn chế tốc độ tại đoạn đường trên là không đúng quy định, người dân khi tham gia giao thông phải tuân thủ đúng tốc độ quy định đối với khu vực đông dân cư và chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

(Công văn số 1164/SGTVT-VP ngày 31/8/2018 của Sở Giao thông Vận tải)

  1. Cử tri Nguyễn Thị Pha, thôn Còi Mò, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông phản ánh: Công nhân của Công ty Cổ phần xây dựng công trình giao thông 244 sau khi tiến hành dọn dẹp lòng mương, phát quang cây cỏ dọc tuyến đường quốc lộ 3, đoạn qua thôn Còi Mò, xã Tân Tiến thì đổ luôn những cây cỏ và rác sang khu vực phía nhà người dân ở bên kia đường khiến người dân phải dọn dẹp lần nữa gây bất bình trong nhân dân. Đề nghị khắc phục tình trạng trên.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Công ty Cổ phần xây dựng công trình giao thông 244 đã tiếp thu, khắc phục trong quá trình thực hiện dọn dẹp, vệ sinh dọc tuyến Quốc lộ 3.

  1. Cử tri Nguyễn Đình Mạc, thôn Bản Mới, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới phản ánh: Đường 256 đoạn qua thôn Bản Mới (từ gia đình ông Ma Phúc Cát đến suối Khuôn Thắng) dài khoảng 300m nhưng mới chỉ làm mương 250m, còn 50m chưa làm nên rác thải, nước chảy xuống ruộng gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị chủ đầu tư khẩn trương thi công đoạn mương còn lại.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến cử tri, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo khắc phục ngay: làm rãnh xây để thoát nước và thi công hết phần rãnh còn lại, khắc phục việc đất đá chảy xuống ruộng. Hiện nay đã khắc phục được tình trạng trên, không còn gây ảnh hưởng đến ruộng của các hộ dân.

(Công văn số 1164/SGTVT-VP ngày 31/8/2018 của Sở Giao thông Vận tải).

  1. Cử tri Tô Văn Tuần – Chủ tịch UBMTTQVN xã Quảng Khê, huyện Ba Bể phản ánh: Tuyến đường từ đập tràn Quảng Khê đến ngã ba đường đi Đồn Đèn hiện nay bị xuống cấp nghiêm trọng và rãnh thoát nước hai bên đường bị vùi lấp khi trời mưa nước chảy ra đường không đảm bảo an toàn giao thông. Đề nghị xem xét khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông.

Trả lời:

Đoạn tuyến từ đập tràn Quảng Khê đến ngã ba đường đi Đồn Đèn do Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể quản lý với chiều dài là 21,5km.

Trong quá trình sử dụng do một số hộ dân lấn chiếm hành lang ATGT để làm nhà đã vùi lấp rãnh thoát nước dọc tuyến dẫn đến nước tràn qua nền đường gây xói lở (đặc biệt là đoạn đối diện cây xăng Chợ Lèng do cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty thương nghiệp Ba Bể có tấm đan lắp qua nhưng bị hỏng, đất đá vùi lấp và bị tắc không thoát nước được). Để khắc phục tình trạng trên, trong năm 2018, BQL Vườn Quốc gia Ba Bể sẽ dùng kinh phí duy tu bảo dưỡng được giao để xây rãnh thoát nước đoạn đường trên dài khoảng 50m; đồng thời đề nghị cử tri thông tin tới các hộ dân dọc tuyến đường chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang ATGT.

  1. Cử tri Hoàng Văn Tấn, Chủ tịch UBMTTQVN xã Chu Hương, huyện Ba Bể phản ánh: Tuyến đường Chu Hương – Hà Hiệu hiện đang được Công ty Hồng Hà thi công nhưng một số nơi nhựa đường rải xuống rất ít, người dân phát hiện và đã phản ánh với đơn vị thi công nhưng không được tiếp thu và cũng không có đơn vị nào kiểm tra, giám sát. Đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng thi công tuyến đường này.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh đã chỉ đạo và yêu cầu nhà thầu tư vấn giám sát có mặt thường xuyên trên công trường để kiểm tra, giám sát các vấn đề liên quan trong quá trình thi công, đặc biệt là chất lượng công trình. Đồng thời Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra đối với đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát, kiểm điểm lại trách nhiệm của các bên, nếu đơn vị nào để xảy ra sự việc như trên thì Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh sẽ xử lý theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết.

(Công văn số 788/QLDA-TVGS ngày 30/8/2018 của Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh)

  1. Cử tri Vũ Thị Lý, Nông Thị Điểm, thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn phản ánh: Rãnh thoát nước tuyến đường tỉnh lộ 255, nay là quốc lộ 3B đoạn qua khu dân cư thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái không có nắp đậy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đề nghị xem xét bổ sung nắp đậy cho rãnh thoát nước trên tuyến đường trên.

Mặt khác, việc thiết kế, thi công rãnh thoát nước qua thôn Cốc Thử hẹp nên khi trời mưa nước tràn vào hộ gia đình bà Trịnh Thị Hằng, thôn Cốc Thử gây đổ tường rào và các công trình phụ khác. Đề nghị xem xét giải quyết và đền bù cho hộ dân nêu trên.

Trả lời:

Đối với đề nghị xem xét bổ sung nắp đậy cho rãnh thoát nước: Qua kiểm tra thực tế hiện trường vị trí cử tri nêu là rãnh xây đoạn Km185+900 – Km186+217 thuộc tuyến QL3B, đoạn rãnh này được thiết kế xây dựng trong quá trình cải tạo nâng cấp tuyến đường ĐT255 , theo thiết kế được phê duyệt thì đoạn rãnh qua vị trí này không có tấm bê tông bản đậy, để đảm bảo an toàn giao thông bên phải tuyến đoạn rãnh này đã trồng, cắm cọc tiêu báo hiệu theo quy định. Mặt khác theo quy định của Tổng cục đường bộ Việt Nam tại Công văn số 1877/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 25/4/2016 về việc sử dụng kết cấu gia cố rãnh dọc bằng bê tông xi măng trên hệ thống Quốc lộ thì cần phải hạn chế tối đa sử dụng rãnh kín để phòng tránh tắc nghẽn, khó khăn cho công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nạo vét khơi thông rãnh. Do vậy không bổ sung nắp đậy cho đoạn rãnh nêu trên để phục vụ cho công tác duy tu bảo dưỡng.

Đối với đề nghị đền bù: Việc xem xét sử dụng NSNN để hỗ trợ thiệt hại tài sản cho hộ dân bị ngập úng hiện nay chưa có quy định. Tuy nhiên, để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện Chợ Đồn nghiên cứu các nguồn vốn khác.

(Công văn số 1164/SGTVT-VP ngày 31/8/2018 của Sở Giao thông Vận tải).

  1. Cử tri Hoàng Thị Kiên, thôn Tồng Mụ, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn đề nghị: Nâng cấp tuyến đường giao thông tỉnh lộ 254 từ đỉnh đèo Lủng Váng đến Kho 380.

Trả lời:

Đoạn tuyến cử tri nêu thuộc lý trình Km58+350 – Km66+00/QL3C. Từ tháng 10/2017, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo đơn vị quản lý thường xuyên khắc phục các vị trí hư hỏng nền mặt đường để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; Đồng thời, đoạn tuyến này đã được Sở Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch sửa chữa trong năm 2018 và được Tổng cục đường bộ Việt Nam cho phép chuẩn bị đầu tư tại Quyết định số 171/QĐ-TCĐBVN ngày 17/01/2018 bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ Trung ương. Hiện nay Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, sau khi có kế hoạch chi của Tổng cục đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải sẽ tổ chức triển khai thực hiện.

(Công văn số 1164/SGTVT-VP ngày 31/8/2018 của Sở Giao thông Vận tải).

  1. Cử tri Hà Văn Hữu, Chủ tịch HĐND xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông phản ánh: Trụ sở làm việc xã Tân Tiến xây dựng từ năm 2005 đến nay đã hư hỏng, xuống cấp. Đề nghị sớm đầu tư nâng cấp Trụ sở làm việc cho xã.

Trả lời:

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của địa phương đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của HĐND tỉnh về việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương); Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 19/4/2018 điều chỉnh, bổ sung Điều 1, Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của HĐND tỉnh, theo đó giai đoạn 2016- 2020 còn 22 trụ sở xã đã xuống cấp chưa có điều kiện đầu tư xây dựng do nguồn vốn được giao chỉ đủ để bố trí kế hoạch vốn tập trung cho trả nợ, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, chỉ khởi công mới một số dự án cấp bách. Do đó, đối với kiến nghị đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã Tân Tiến, khi có điều kiện về nguồn vốn tỉnh sẽ triển khai thực hiện công trình nêu trên.

(Công văn số 1020/SKHĐT-TH ngày 30/8/2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư).

  1. Cử tri Nông Văn Quảng, Bí thư Chi bộ thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn phản ánh: Năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư nâng cấp đập thủy lợi Vằng Han, thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng. Mặc dù đã được sửa chữa, nhưng do đầu tuyến mương thấp, lòng mương hẹp (chỉ 30cm), nên lượng nước chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân ở cuối tuyến mương. Đề nghị tiếp tục xem xét, khắc phục.

Trả lời:

Công trình đập thủy lợi Vằng Han, thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn được UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện đầu tư nâng cấp tại Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 từ nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên một số hạng mục chưa thể thay thế được (như tuyến cầu máng, tuyến đường ống, tuyến kênh cũ phía cuối tuyến). Ngày 14/6/2018 và 23/8/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan kiểm tra, theo đó thống nhất: nâng cấp một phần thành kênh (do đặc điểm địa chất khu tưới, khu ruộng có xuất hiện một số hố sụt đơn vị tư vấn đã chọn chiều cao thành kênh là 50cm gấp 3 lần chiều cao tính toán) và chuyển đoạn kênh đất cuối tuyến sang vị trí thuận lợi hơn, đồng thời đầu tư kiên cố đoạn cuối tuyến kênh để dảm bảo cho công tác cung cấp nước phục vụ sản xuất.

(Công văn số 1482/SNN-KHTC ngày 29/8/2018 của Sở NN&PTNT).

  1. Cử tri Vũ Văn Trình, tổ 8A, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn đề nghị: Xem xét lắp hệ thống đèn tín hiệu giao thông (đèn xanh, đèn đỏ) tại ngã tư 244 (đoạn qua thành phố Bắc Kạn) để đảm bảo an toàn giao thông.

Trả lời:

Năm 2016, UBND thành phố được Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tài trợ xây dựng hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 02 nút: Nút giao đường Phùng Chí Kiên – đường Trần Hưng Đạo- đường Võ Nguyên Giáp – đường Dương Mạc Hiếu (nút giao Cầu Cạn) và nút giao đường Trường Chinh – Phùng Chí Kiên – Kon Tum (nút giao 244), UBND thành phố giao Ban Xây dựng đề án thành phố lập các thủ tục đầu tư xây dựng và cấp phép thi công theo quy định. Tuy nhiên trong quá trình triển khai xây dựng mới thi công được hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao đường Trần Hưng Đạo – đường Võ Nguyên Giáp – đường Dương Mạc Hiếu (nút giao Cầu Cạn), còn nút giao đường Trường Chinh – Phùng Chí Kiên – Kon Tum (nút giao 244) không được Tổng cục đường bộ Việt Nam chấp thuận và Cục Quản lý đường bộ 1 cấp phép thi công nên đã không xây dựng được hệ thống đèn tín hiệu tại nút giao này và đơn vị tài trợ đã thu hồi nguồn kinh phí.

(Công văn số 293/BC-UBND ngày 11/9/2018 của UBND thành phố Bắc Kạn)

  1. Cử tri Hà Sỹ Hoạch, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Dự án “Kè Sông Cầu đoạn qua thành phố Bắc Kạn” đoạn qua thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang đã được cơ quan chức năng đo đếm, thống kê tài sản, hoa màu (từ tháng 6/2018). Đề nghị khi triển khai thi công, xây dựng nâng nền bờ kè thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang cao bằng bờ đê thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang.

Trả lời:

Dự án Kè sông Cầu đoạn qua thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tại Quyết định số 2902/QĐ-BNN-PCTT ngày 23/7/2018. Dự án khi được triển khai thi công xây dựng nằm trên địa bàn thôn Nà Ỏi gồm 02 đoạn. Đoạn kè 01 nằm trên bờ tả sông Cầu, bắt đầu từ đầu cầu Dương Quang đến vị trí hợp lưu của suối Nặm Cắt và sông Cầu, có chiều dài 693,41m. Đoạn kè 02 nằm trên bờ hữu suối Nặm Cắt đi qua thôn Nà Ỏi có chiều dài khoảng 700m, đoạn kè này sau khi xây dựng sẽ cao hơn khoảng 20cm so với nền đường bờ đê thôn Phặc Tràng hiện trạng. Phía trong đường đỉnh kè tùy theo địa hình tại các vị trí trũng đã bố trí các cống tiêu thoát nước D1000 để tăng khả năng thoát nước ra ngoài sông tránh tình trạng ngập úng.

(Công văn số 1024/BQLDA-QLDA II ngày 22/8/2018 của Ban QLDA ĐTXD tỉnh)

  1. Cử tri Nông Thị Vẹ, thôn Nam Lanh Chang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông phản ánh: Đập Phai Pà thiết kế không phù hợp, khi mùa mưa lũ nước tràn vào ruộng, kéo theo đất đá, cây cối, vùi lấp ruộng của gia đình, hiện nay không sản xuất, canh tác được. Đề nghị Công ty TNHH Một thành viên Công trình Thủy nông Bắc Kạn khắc phục đập Phai Pà và khôi phục lại ruộng cho gia đình.

Trả lời:

Công trình Đập Nà Tanh (tên địa phương Đập Phai Pà) thuộc địa phận xã Lục Bình phục vụ cấp nước tưới cho 19ha ruộng lúa thuộc xã Hà Vị và Lục Bình được gia cố từ năm 2017, do nguồn vốn hạn hẹp nên Công ty chỉ có thể khắc phục công trình bằng xếp rọ đá, gia cố thêm cọc thép tại vị trí phai tạm cũ (bằng cọc tre, bao tải do nhân dân tự đắp) để lấy nước vào kênh. Để xây dựng kiên cố công trình và xử lý kè gia cố đòi hỏi nguồn kinh phí lớn vì vậy Công ty đã trình danh mục công trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét. Năm 2018, do ảnh hưởng của thiên tai, phai tạm rọ đá đã bị xói lở dẫn đến cát sỏi tràn vào ruộng của người dân. Sau khi kiểm tra công trình Công ty đã chỉ đạo đơn vị thi công hỗ trợ hộ ông Đàm Văn Trọng (con rể sinh sống cùng bà Nông Thị Vẹ) số tiền là 2 triệu đồng để khắc phục thiệt hại.

(Công văn số 316/CV-Cty ngày 31/8/2018 của Công ty TNHH MTV Quản lý KTCT Thủy lợi).

III. NÔNG – LÂM NGHIỆP

  1. Cử tri Triệu Văn Xô, Trưởng thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì đề nghị:

1.1. Cho biết có dự án nào hỗ trợ người dân trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ không?

1.2. Mức nhận khoán bảo vệ rừng 150.000đ/ha/năm là còn quá thấp. Đề nghị nâng mức khoán lên để đảm bảo cuộc sống của người dân.

Trả lời:

Đối với nội dung kiến nghị 1.1: Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ với diện tích vùng lõi hiện nay là 15.715,02ha (phê duyệt tại Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 16/01/2014 của UBND tỉnh). Hiện nay tỉnh đang triển khai thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 và Thông tư liên tịch số 100/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 26/7/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020. Ngoài các chính sách hỗ trợ theo các văn bản nêu trên thì không có dự án nào khác hỗ trợ cho người dân trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.

Đối với nội dung kiến nghị 1.2:  Định mức giao khoán đối với các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 24/QĐ-TTg  ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 100/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 26/7/2013 của liên Bộ: Tài chính và Nông nghiệp và PTNT là 100.000 đ/ha/tổng diện tích quy hoạch. Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ với diện tích quy hoạch của  là 15.715,02 ha thì mỗi năm được Nhà nước cấp kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương tương ứng với số tiền 1,571 tỷ đồng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng của Khu Bảo tồn Kim Hỷ, trong đó: mức giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng là 150.000 đ/ha/năm, tương ứng 1,387 tỷ đồng/năm (phần kinh phí còn lại được sử dụng cho việc thực hiện các hạng mục hỗ trợ các lực lượng tham gia truy quét bảo vệ rừng, mua sắm trang thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm tra và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng…).

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, do hiện nay mức khoán bảo vệ rừng còn thấp (150.000đ/ha/năm) nên tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các thôn, bản vùng đệm được hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn,bản/năm (thực hiện từ năm 2012-2020). Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng Đề án “Hỗ trợ gạo người dân vùng II, vùng III trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng sản xuất và bảo vệ rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” để hỗ trợ phần nào công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, hiện nay đang báo cáo và xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và PTNT.

(Công văn số 1482/SNN-KHTC ngày 29/8/2018 của Sở NN&PTNT).

  1. Cử tri Lê Minh Đại, công chức Địa chính – Xây dựng và Môi trường phụ trách Nông lâm nghiệp xã Vũ Loan, huyện Na Rì phản ánh: Thực hiện Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành định mức kỹ thuật tạm thời để áp dụng trong thực hiện các chương trình, dự án, các mô hình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, hỗ trợ giống đối với con trâu cái sinh sản với trọng lượng từ 300kg trở lên. Qua thẩm định của Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, trâu cái sinh sản (từ 24 – 36 tháng tuổi) trọng lượng từ 300kg trở lên giá 20 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại địa phương giá trâu cái sinh sản có trọng lượng từ 300kg trở lên giá từ 23 triệu đến 24 triệu đồng, do đó địa phương khó khăn trong việc thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo, bên cạnh đó kinh tế của các hộ gia đình khó khăn không có kinh phí đối ứng. Đề nghị xem xét điều chỉnh trọng lượng trâu cái sinh sản từ 220kg trở lên để thuận lợi cho địa phương thực hiện.

Trả lời:

Trên cơ sở ý kiến kiến nghị của cử tri, việc quy định tiêu chuẩn trâu cái sinh sản có trọng lượng 300kg ban hành kèm theo Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh căn cứ theo quy định tại mục II, Phụ lục 6, chăn nuôi trâu sinh sản của Quyết định số 54/QĐ-BNN-KHCN ngày 09/01/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành tạm thời các định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho các mô hình thuộc dự án khuyến nông trung ương lĩnh vực chăn nuôi.

Ý kiến đề nghị của cử tri về việc xem xét điều chỉnh trọng lượng trâu cái sinh sản từ 220kg trở lên chưa thể thực hiện được, do tỉnh đã giảm trọng lượng trâu cái sinh sản từ 350kg (theo yêu cầu quy định tại Quyết định số 54/QĐ-BNN-KHCN ngày 09/01/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) xuống 300kg (giảm 50kg so với trọng lượng yêu cầu); đồng thời, việc quy định trọng lượng có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác giống, nếu giảm các quy chuẩn về trọng lượng đầu vào của trâu cái sinh sản xuống quá thấp, để thuận lợi cho việc hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo sẽ dẫn đến việc không đảm bảo phẩm cấp của con giống, làm giảm dần chất lượng cho các thế hệ sau sinh ra từ con giống.

(Công văn số 1482/SNN-KHTC ngày 29/8/2018 của Sở NN&PTNT).

  1. Cử tri Phạm Thị Tươi, thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Từ năm 2017 đến nay, các hộ dân thôn Bản Bung, xã Dương Quang chỉ được khai thác 20% diện tích đất rừng, do phần diện tích còn lại (được cấp theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đã được quy hoạch là đất rừng phòng hộ, gây thiệt thòi cho các hộ dân đã bỏ tiền, công sức để trồng rừng. Đề nghị xem xét, rà soát lại việc quy hoạch đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ cho phù hợp.

Trả lời:

Năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bắc Kạn. Kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh theo đó các khoảnh 1, 2, 3, 4 tiểu khu 336; khoảnh 1, 2, 3 khoảnh tiểu khu 336A xã Dương Quang vẫn thuộc quy hoạch rừng phòng hộ.

Việc khai thác gỗ trong rừng phòng hộ được thực hiện theo tỷ lệ nhất định theo quy định tại Điều 15, Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng chính phủ về quy chế quản lý rừng phòng hộ, quy định khai thác gỗ trong rừng phòng hộ là rừng trồng.

(Công văn số 1482/SNN-KHTC ngày 29/8/2018 của Sở NN&PTNT).

  1. ĐẤT ĐAI – MÔI TRƯỜNG – ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
  2. Cử tri Hoàng Ngọc Viết, thôn Tổng Mục, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn phản ánh: Năm 1998, nhà nước thu hồi sổ bìa xanh của khoảng 30 hộ dân thôn Tổng Mục, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn để thực hiện cấp lại sổ mới cho các hộ dân. Từ đó đến nay đã được 20 năm, các hộ dân thôn Tổng Mục vẫn chưa được cấp lại sổ, cũng như chưa được cơ quan chức năng trả lại sổ cũ nên rất khó khăn trong việc bán các sản phẩm trồng được trên đất rừng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế gia đình. Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm cấp lại sổ cho 30 hộ dân thôn Tổng Mục, xã Bằng Lãng.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Chợ Đồn kiểm tra và giải quyết cụ thể từng trường hợp theo đúng quy định.

  1. Cử tri Hoàng Văn Quỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn phản ánh: Tháng 8/2017, do mưa lũ, các bể lắng của Công ty Khai khoáng Bắc Kạn tại mỏ Nà Tùm, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn bị hỏng hóc không sử dụng được, từ đó đến nay, Công ty Khai khoáng Bắc Kạn đã xả thải trực tiếp ra suối (chảy từ thị trấn Bằng Lũng qua xã Bằng Lãng) gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân xã Bằng Lãng. Đề nghị cơ quan chức năng xem xét, khắc phục.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến cử tri, ngày 29/8/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế, kết quả như sau:

Tại buổi làm việc UBND huyện Chợ Đồn báo cáo đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Đồn kiểm tra quá trình bơm nước tháo khô moong tại mỏ Nà Tùm vào ngày 31/7/2018, hiện tượng nước từ moong bơm ra làm đục suối Bản Tàn như cử tri phản ánh là có thật.

Theo báo cáo của Công ty, trong quá trình sản xuất do trục trặc về máy bơm, Công ty đã có phương án khắc phục bằng cách quây dòng nước, khi nước moong khai thác dâng lên, do tốc độ dòng chảy khi bơm lớn nên nước bơm ra suối không được trong.

Với nội dung trên, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu và Công ty đã cam kết: Công ty chỉ bơm nước trực tiếp ra suối Bản Tàn khi dừng khai thác, thực hiện bơm nước vào hồ lắng khi khai thác, đồng thời có thông báo về thời gian khai thác, thời gian dừng khai thác cho UBND xã Bằng Lãng biết để thông báo người dân có kế hoạch lấy nước suối phục vụ sản xuất; thực hiện gia cố bờ ao lắng bên suối Bản Tàn và báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường.

(Công văn số 1351/STNMT-VP ngày 30/8/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường).

  1. Cử tri Ma Thị Hạnh, thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn phản ánh: Từ tháng 4/2017, trên địa bàn thôn Bản Lắc thường xuyên xảy ra hiện tượng sụt lún đất (gồm 5 hố), tuy nhiên đến nay chưa được cấp có thẩm quyền khắc phục. Đề nghị xem xét, khắc phục và cho biết nguyên nhân xảy ra hiện tượng sụt lún đất.

Trả lời:

Để sớm khắc phục sự cố sụt lún đất tại xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4280/UBND-CN ngày 08/8/2018, theo đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá và tổ chức triển khai các giải pháp xử lý; đồng thời phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản khẩn trương triển khai “nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn”.

Ngày 21/8/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra khu vực sụt lún đất tại thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn. Kết quả kiểm tra cho thấy, từ đầu năm 2018 đến thời điểm kiểm tra có 05 hố sụt, các hố sụt đã được UBND xã cắm rào chắn và biển cảnh báo. Khi xảy ra sụt lún, Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn có hỗ trợ kinh phí cho bà con, tuy nhiên đến thời điểm kiểm tra còn 02 hộ gia đình chưa nhận được tiền hỗ trợ. Sau khi kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1296/STNMT-KS ngày 22/8/2018 đề nghị Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng để khắc phục sự cố bị sụt lún đất đảm bảo an toàn và ổn định sản xuất nông nghiệp theo nội dung đã cam kết.

Để xác định nguyên nhân sụt lún tại khu vực thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng cũng như các khu vực lân cận, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Chợ Đồn và UBND xã Bằng Lãng đang tích cực phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1570/QĐ-BTNMT ngày 17/5/2018. Sau khi Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản có thông báo chính thức về nguyên nhân sụt lún, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin kịp thời cho nhân dân và cử tri biết.

(Công văn số 1351/STNMT-VP ngày 30/8/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường).

  1. Cử tri Vi Quốc Đội, thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn đề nghị:

4.1. Cơ quan chức năng có ý kiến đối với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan sớm có kết luận chính thức về hiện tượng sụt lún trên địa bàn huyện Chợ Đồn để thông tin cho nhân dân biết. Trường hợp do ảnh hưởng của hoạt động khai thác mỏ gây nên thì xem xét phương án đền bù, di dời dân đến khu vực khác hoặc dừng hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Khai khoáng Bắc Kạn.

4.2. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra nơi xử lý chất thải, bãi đổ thải, tập kết khoáng sản trong phạm vi đơn vị mỏ quản lý đảm bảo đúng phương án đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và kiểm tra các xe vận chuyển khoáng sản ra khỏi mỏ phải được vệ sinh tránh tình trạng để rơi bùn đất dọc quốc lộ 3B ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của người dân nhất là các hộ dân ở tổ 9, tổ 10 thị trấn Bằng Lũng.

Trả lời:

Đối với kiến nghị 4.1: Việc xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục hiện tượng sụt lún tại khu vực huyện Chợ Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào nhiệm vụ Đề án “Điều tra đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” tại Văn bản số 5702/VPCP-NN ngày 02/6/2017. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” tại Quyết định số 1570/QĐ-BTNMT ngày 17/5/2018. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Chợ Đồn và UBND các xã có liên quan đang tích cực phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thực hiện nhiệm vụ nêu trên. Sau khi có kết quả thông báo của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin kịp thời cho nhân dân và cử tri biết.

Đối với kiến nghị 4.2: Ngày 23/4/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của mỏ chì kẽm Nà Tùm, qua kiểm tra cho thấy, Công ty đã xây dựng bãi thải ngoài theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tuy nhiên khối lượng đất đá thải và phạm vi đổ thải lớn hơn so với báo cáo ĐTM được phê duyệt. Để đảm bảo dung tích đổ thải, Công ty đã gia cố bãi thải đất đá và đào hào che chắn khu vực tập kết tạm thời quặng sắt mangan. Hiện tại, Công ty đang hoàn thiện thủ tục đất đai liên quan đến diện tích đất khu vực bãi thải ngoài.

Nội dung phản ánh về các xe vận chuyển khoáng sản: Theo báo cáo của Công ty, các xe chở quặng được Công ty che chắn bằng bạt, tuy nhiên hiện nay đường từ tỉnh lộ 254 vào mỏ là đường đất, nên trong những ngày mưa, các phương tiện ra vào Mỏ có dính bùn đất làm rơi vãi dọc tuyến tỉnh lộ 254 là đúng. Ngày 29/8/2018, tại buổi kiểm tra mỏ Nà Tùm, Công ty TNHH Khai khoáng Bắc Kạn cam kết có biện pháp giảm thiểu tối đa việc rơi bùn đất khi vận chuyển quặng từ Mỏ ra đường và bê tông hóa đường từ tỉnh lộ 254 vào Mỏ.

(Công văn số 1351/STNMT-VP ngày 30/8/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường).

  1. Cử tri Lâm Thị Trinh, thôn Nà Cưởm, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Hiện nay, một số hộ dân thôn Nà Cưởm, xã Dương Quang đã làm đơn gửi Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố về đề nghị cho phép nắn dòng chảy Sông Cầu đoạn qua cánh đồng thôn Nà Rào, xã Dương Quang để bảo vệ đất nông nghiệp (kinh phí thực hiện cho các hộ dân tự đóng góp) và đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố chuyển đơn lên Sở Tài nguyên và Môi trường từ tháng 7/2018. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm trả lời để cử tri được biết.

Trả lời:

Theo nội dung phản ánh của cử tri, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát đơn kiến nghị từ đầu tháng 7/2018 đến nay, cho thấy Sở không nhận được hồ sơ của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Kạn và đơn đề nghị của các hộ dân thuộc thôn Nà Cưởm, xã Dương Quang. Đề nghị phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Bắc Kạn kiểm tra và hướng dẫn cho cử tri.

(Công văn số 1351/STNMT-VP ngày 30/8/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường).

  1. Cử tri Triệu Đức Tưởng, Chủ tịch UBND xã Vũ Loan, huyện Na Rì phản ánh: Tại Khoản b, Điều 88, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải) ghi “trong thành phần có mời đại diện một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó”, nhưng không có văn bản nào hướng dẫn chi trả chế độ cho các hộ dân trên khi được mời tham gia thành viên Hội đồng. Đề nghị bổ sung chế độ cho các thành phần nêu trên.

Trả lời:

Việc quy định chế độ cho các hộ dân tham gia thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, quy định bổ sung để có căn cứ thực hiện.

(Công văn số 1351/STNMT-VP ngày 30/8/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường).

  1. Cử tri Phạm Thị Tươi, thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Hiện nay, có khoảng 10 hộ dân thuộc thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, tuy nhiên theo bản đồ địa giới hành chính thì đất rừng của 10 hộ dân thôn Bản Bung, xã Dương Quang lại nằm trên địa bàn xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, vì vậy, rất khó khăn trong sản xuất của nhân dân. Đề nghị xem xét, giải quyết.

Trả lời:

Qua kiểm tra tại thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông có một số diện tích đất rừng đã được UBND huyện Bạch Thông cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân thôn Bản Bung, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn từ năm 1993 theo quy định của Luật Đất đai, do đó việc quản lý sử dụng đất của các hộ  nói trên là phù hợp quy định. Tuy nhiên tại Quyết định số 757/QĐ-UBND ngày 21/5/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch lại ba loại rừng tỉnh Bắc Kạn thì một phần diện tích đất rừng đã giao cho các hộ dân theo bản đồ quy hoạch nằm trong diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ (hiện nay đã giao khoán cho cộng đồng thôn Bản Chiêng bảo vệ). Ngày 20/6/2018, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bạch Thông đã phối hợp với UBND xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn tiến hành kiểm tra xác minh một số thửa đất đã cấp GCN QSD đất cho ông Bàn Văn Bình (1 trong 10 hộ dân theo phản ánh của cử tri). Trong thời tới, UBND thành phố tiếp tục giao UBND xã Dương Quang thống kê, rà soát số GCNQSD đất đã cấp cho các hộ và phối hợp với UBND huyện Bạch Thông xem xét giải quyết.

(Công văn số 1219/SNV-TCBC&CCVC ngày 31/8/2018 của Sở Nội vụ; Báo cáo 293/BC-UBND ngày 11/9/2018 của UBND thành phố Bắc Kạn).

  1. Cử tri Nguyễn Đình Toán, Chủ tịch UBND xã Bình Văn, huyện Chợ Mới đề nghị: Sở Nội vụ và các phòng ban chuyên môn có liên quan của huyện phối hợp với chính quyền 2 xã Bình Văn, Yên Hân đi kiểm tra ngoài thực địa để xác định rõ đường địa giới hành chính 364 đoạn từ mốc 2H77 đến điểm đặc trưng số 2 khu vực Thắm Làng để chính quyền và nhân dân 2 xã biết rõ và quản lý.

Trả lời:

Thực hiện Kế hoạch số 526/KH-SNV ngày 04/4/2016 của Sở Nội vụ về triển khai thực hiện Dự án 513 trên địa bàn huyện Chợ Mới, ngày 24/10/2016, Sở Nội vụ đã phối hợp với phòng Nội vụ, phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Chợ Mới, đơn vị thực hiện Dự án 513 và Chủ tịch UBND xã Bình Văn, Chủ tịch UBND xã Yên Hân, công chức Địa chính 02 xã Bình Văn, Yên Hân đi thực địa xác minh cụ thể tuyến ĐGHC đoạn từ mốc 2H77 đến điểm đặc trưng số 02 khu vực hang Thắm Làng và đã chỉ rõ ranh giới ĐGHC giữa 02 xã (đã lập biên bản đi thực địa tuyến ĐGHC và gửi cho UBND xã Bình Văn và xã Yên Hân, huyện Chợ Mới).

(Công văn số 1219/SNV-TCBC&CCVC ngày 31/8/2018 của Sở Nội vụ).

  1. ĐIỆN LỰC
  2. Cử tri Hà Việt Phương, Chủ tịch UBND xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm đề nghị: Quan tâm kéo điện lưới quốc gia đến 02 thôn Nặm Khiếu và Tham Vè xã Nhạn Môn.
  3. Cử tri xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn phản ánh: Hiện nay trên địa bàn xã Thượng Quan còn nhiều thôn chưa có điện. Đề nghị làm đường điện vào các thôn chưa có điện của xã Thượng Quan.

Trả lời:

Tại Quyết định số 3131/QĐ-BCT ngày 27/07/2016 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 (Chương trình 2081), 02 thôn Nặm Khiếu và Tham Vè, xã Nhạn Môn và một số khu vực trên địa bàn xã Thượng Quang có 06 thôn được đầu tư trạm biến áp cấp điện bao gồm các thôn: Cốc Lùng, Pác Đa, Pù Pót, Sam Coóc, Ma Nòn và Tềnh Kiết. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi và đối ứng  ngân sách địa phương để thực hiện. Khi dự án được Trung ương bố trí vốn, UBND tỉnh sẽ triển khai thực hiện.

(Công văn số 1240/UBND-KTHT ngày 28/8/2018 của UBND huyện Ngân Sơn; số 839/SCT-NL ngày 30/8/2018 của Sở Công Thương).

  1. Cử tri Vũ Thị Thanh, Tổ 11, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn phản ánh: Vừa qua, công nhân điện lực thành phố đã khoanh vỏ 14 cây mỡ của gia đình bà để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, gây thiệt hại cho gia đình bà. Đề nghị xem xét thống kê đền bù cho gia đình bà.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, lãnh đạo Điện lực thành phố đã trực tiếp đến tìm hiểu và xin lỗi gia đình bà Vũ Thị Thanh; đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm và có biện pháp xử lý cá nhân vi phạm.

(Công văn số 1712/BC-PCBK ngày 30/8/2018 của Công ty Điện lực Bắc Kạn).

  1. Cử tri Triệu Văn Thức, thôn Pác Phai, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể phản ánh: Trạm biến áp thôn Nà Săm, xã Thượng Giáo thường xuyên bị mất điện vào buổi tối gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đề nghị xem xét khắc phục.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, Điện lực Ba Bể đã kiểm tra, thực hiện cân pha, san tải giữa các trạm biến áp để đảm bảo vận hành an toàn cho trạm biến áp và cung cấp điện ổn định phục vụ nhân dân.

(Công văn số 1712/BC-PCBK ngày 30/8/2018 của Công ty Điện lực Bắc Kạn).

  1. NÔNG THÔN MỚI
  2. Cử tri Triệu Đức Tưởng, Chủ tịch UBND xã Vũ Loan, huyện Na Rì phản ánh: Việc quy định mức đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới đối với loại công trình như đường ngõ, xóm, nhà văn hóa và khu thể thao thôn với tỷ lệ 70/30 là không phù hợp. Cử tri đề nghị xem xét điều chỉnh quy định mức đóng góp của nhân dân là 20%, nhà nước hỗ trợ 80%.

Trả lời:

Mức đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới được quy định tại Nghị quyết số 10/2015/NQ-HĐND ngày 03/4/2015 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ xây dựng công trình hạ tầng nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2015 – 2020. Việc điều chỉnh định mức đóng góp hiện nay đã được Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng trong dự thảo Nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 10/2015/NQ-HĐND ngày 03/4/2015 của HĐND tỉnh.

(Công văn số 391/VPĐP-HT ngày 31/8/2018 của Văn phòng ĐPXD NTM&GN).

  1. Cử tri Nguyễn Đình Toán, Chủ tịch UBND xã Bình Văn, huyện Chợ Mới phản ánh:

2.1. Việc triển khai thực hiện nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018 còn chưa thực hiện được. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể để xã có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

2.2. Hướng dẫn UBND xã Bình Văn các thủ tục để đánh giá chính xác tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định tại tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 để xã thực hiện.

Trả lời:

Đối với nội dung kiến nghị 2.1:  Việc hỗ trợ phát triển sản xuất được hướng dẫn thực hiện theo Sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành tại Quyết định số 4781/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/11/2017 và Thông tư số 05/2017/TT-BNNPTNT ngày 01/3/2017; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Các định mức cơ chế áp dụng theo Nghị quyết số 09/2015/NQ-HĐND ngày 03/4/2015 của HĐND tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2015 – 2020; Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành định mức kỹ thuật tạm thời để áp dụng trong thực hiện các chương trình, dự án, các mô hình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn… Đề nghị UBND xã Bình Văn nghiên cứu và thực hiện theo các văn bản quy định trên.

Đối với nội dung kiến nghị 2.2: Để đánh giá chính xác tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định tại tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, đơn vị thực hiện theo Hướng dẫn số 337/HD-BCĐ ngày 07/9/2017 của Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017 – 2020, theo đó, đề nghị UBND xã Bình Văn nghiên cứu, chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế để có số liệu báo cáo về tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch.

(Công văn số 391/VPĐP-HT ngày 31/8/2018 của Văn phòng ĐPXDNTM&GN)

VII. CÁC LĨNH VỰC KHÁC

  1. Cử tri Hà Việt Phương, Chủ tịch UBND xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm đề nghị: Cơ quan có thẩm quyền phối hợp với các doanh nghiệp có phương án hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn xã phù với đặc điểm của địa phương và có phương án đầu ra cho các sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.

Trả lời:

Ngày 16/11/2017, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Hướng dẫn số 1475/HD-SNN về việc hướng dẫn xây dựng mô hình phát triển sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm và tại hướng dẫn này đã giao cho cấp huyện và cấp xã thực hiện triển khai mô hình theo quy trình; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 4781/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/11/2017 của Bộ nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất trong Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh việc thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp như kinh tế hợp tác thể hiện chưa rõ nét, chưa thích ứng cơ chế thị trường; quy mô sản xuất còn nhỏ, diện tích manh mún, v.v… Bên cạnh đó, chính sách tín dụng hỗ trợ cho các chủ thể vay vốn để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới để thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn phù hợp với đặc điểm của địa phương và có phương án đầu ra cho các sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ, triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời phối hợp với Văn phòng Điều phối XDNTM và giảm nghèo, các ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt Thông tư số 05/2017/TT-BNNPTNT ngày 01/3/2017, Quyết định số 4781/QĐ-BNN-VPĐP ngày 21/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Mặt khác đề nghị UBND xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm căn cứ vào định hướng quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp xác định những cây, con chủ lực, có thế mạnh ở địa phương và các hướng dẫn nêu trên lập dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa từ đó nâng cao số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm để có thể ký kết hợp đồng liên kết giữa các bên. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp đề tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông lâm nghiệp của địa phương.

(Công văn số 1482/SNN-KHTC ngày 29/8/2018 của Sở NN&PTNT).

  1. Cử tri Ma Văn Việt, thôn Vi Lạp, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm đề nghị: Trường Cao đẳng nghề DTNT tỉnh Bắc Kạn có phương án tạo việc làm cho sinh viên học nghề sau khi tốt nghiệp ra trường để sinh viên yên tâm học tập.

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri: Để làm tốt công tác học nghề và giải quyết việc làm cho con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong thời gian tới, từ phía nhà trường sẽ tích cực triển khai các giải pháp góp phần tạo việc làm cho sinh viên ra trường như đa dạng hóa các hình thức đào tạo, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tư vấn, giới thiệu việc làm học sinh, sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp,v.v… Đồng thời, nhà trường cũng cần có sự chủ động và phối hợp từ phía học sinh và gia đình, đổi mới tư duy, nhận thức về nghề nghiệp và việc làm phù hợp với nhu cầu thực tế.

(Công văn số 418/CĐNDTNT-TS ngày 31/8/2018 của Trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn).

  1. Cử tri Triệu Đức Tưởng, Chủ tịch UBND xã Vũ Loan, huyện Na Rì đề nghị:

3.1. Xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội để giảm bớt chi phí chi trả lãi suất của người dân.

3.2. Đối với xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì không huy động đóng góp các quỹ ủng hộ vì đời sống của người dân còn khó khăn, nhiều gia đình không có tiền đóng góp ủng hộ.

Trả lời:

Đối với kiến nghị 3.1: Việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn sẽ kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Đối với kiến nghị 3.2: Việc vận động người dân địa phương quyên góp ủng hộ các loại quỹ như: Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, Bảo trợ trẻ em, Nông dân, Nhân đạo… là một việc làm thiết thực nhằm hướng tới một xã hội văn minh, vì cộng đồng, góp phần thực hiện chính sách an sinh, xã hội tại địa phương. Đa số các loại quỹ đều được vận động trên tinh thần tự nguyện, tùy lòng hảo tâm, không quy định mức đóng cụ thể.

(Công văn số 672/NHCS-KHTD ngày 23/8/2018 của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh; số 1133/UBND-VP ngày 30/8/2018 của UBND huyện Na Rì).

  1. Cử tri Ma Đình Hùng, thôn Nà Riền, xã Yên Cư, huyện Chợ Mới phản ánh: Tại văn bản số 289/BC-UBND ngày 15/7/2018, UBND tỉnh đã trả lời ý kiến cử tri về việc bàn giao Vườn ươm Đon Nhậu tại xã Yên Cư, trong đó UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Chợ Mới phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét giao cho UBND xã quản lý, sử dụng cơ sở vật chất Vườn ươm Đon Nhậu trong tháng 7/2018. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa bàn giao. Đề nghị sớm bàn giao cho huyện và xã quản lý.

Trả lời:

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 23/8/2018, UBND huyện Chợ Mới đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Yên Cư tổ chức buổi làm việc kiểm tra hiện trạng quản lý sử dụng vườn ươm Đon Nhậu, xã Yên Cư. Kết quả kiểm tra: Việc tiếp tục duy trì vườn ươm sản xuất cây giống là không khả thi do khí hậu, thổ nhưỡng và không còn nhu cầu sản xuất. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đang hoàn thiện thủ tục thanh lý tài sản trên đất theo quy định và bàn giao lại mặt bằng để UBND xã Yên Cư để quản lý.

(Công văn số 1216/UBND-VP ngày 06/9/2018 của UBND huyện Chợ Mới).

  1. Cử tri Bế Thị Niên, thôn Bắc Lanh Chang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông đề nghị: Cần rút kinh nghiệm trong công tác đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao tại tỉnh Bắc Kạn, cụ thể như: Giải Vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc năm 2018 vừa diễn ra tại thành phố Bắc Kạn, Ban Tổ chức thông báo bán vé từ 18 giờ nhưng thực hiện không đúng theo như thông báo; nhiều người đến xem không mua được vé do hết vé, nhưng lại có nhiều đối tượng “cò vé” xuất hiện chào bán vé với giá cao tại khu vực trước cửa Nhà Thi đấu Tổng Đích.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức và đăng cai các giải thi đấu trong thời gian tới.

(Công văn số 925/SVHTTDL-KHTC ngày 05/9/2018 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

  1. Cử tri Hoàng Văn Thúc, Hà Văn Hùng, thôn Lủng Chang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông đề nghị: Xem xét, giải quyết sớm, dứt điểm đúng theo quy định của pháp luật, tránh oan sai cho người dân đối với vụ việc khai thác, vận chuyển gốc gù hương và việc mở đường tại thôn Lủng Chang, xã Lục Bình.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, hiện nay vụ việc đang trong quá trình điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

(Công văn số 452/CAT-PC46 ngày 31/8/2018 của Công an tỉnh).

  1. Cử tri xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể phản ánh: Ngày 25/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ban hành quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tuy nhiên tại mục “các hộ kinh doanh không ổn định” UBND tỉnh chỉ quy định mức thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng đối với gia súc là trâu, bò, ngựa, dê mà không quy định mức thu đối với con lợn, trong khi người dân xã Thượng Giáo chủ yếu nuôi lợn dẫn đến thất thu ngân sách cho địa phương. Đề nghị ngành chức năng xem xét bổ sung.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, Sở Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung.

(Công văn số 839/SCT-NL ngày 30/8/2018 của Sở Công Thương).

  1. Cử tri Hoàng Văn Ưng, tổ 7, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn đề nghị xem xét việc thu quỹ hỗ trợ khắc phục thiên tai nên trích lại một phần để lại cho đơn vị cơ sở (cấp phường hoặc thôn, tổ) quản lý để kịp thời hỗ trợ khi xảy ra thiên tai.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về thành lập và quản lý quỹ phòng chống thiên tai thì thẩm quyền chi Quỹ là Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mức chi và nội dung chi theo đề nghị của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Thực hiện quy định trên, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai tại Quyết định số 1745/QĐ-UBND ngày 31/10/2016, theo đó quy định khi có thiên tai xảy ra các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình thiệt hại do sự cố thiên tai gây ra và đề xuất hỗ trợ kinh phí để khắc phục gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN kiểm tra, tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh hỗ trợ.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung một số Điều Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ, trong đó có nội dung phân bổ Quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh. Sau khi có sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu điều chỉnh Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai ban hành kèm theo Quyết định số 1745/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh Bắc Kạn.

(Công văn số 1482/SNN-KHTC ngày 29/8/2018 của Sở NN&PTNT).

  1. Cử tri Nông Thị Quyên, thôn Khau Liêu, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn phản ánh: Việc in ấn thẻ bảo hiểm y tế hàng năm rất nhiều thẻ in sai tên, họ hoặc trong thôn không có tên người ghi trên thẻ nhưng năm nào cũng gửi thẻ bảo hiểm đến thôn. Đề nghị ngành chức năng chỉ đạo, kiểm tra khắc phục tình trạng trên.

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, ngày 29/8/2018, Bảo hiểm xã hội huyện Ngân Sơn đã làm việc với UBND xã Thượng Quan để xác minh nội dung cử tri phản ánh. Kết quả kiểm tra: Trong quá trình cấp phát thẻ tại xã Thượng Quan có 14 thẻ phải thu hồi để cấp lại do thay đổi thông tin (thay đổi họ, tên,…) và 12 thẻ thu hồi để giảm thẻ do người tham gia đã chuyển đi nơi khác. Riêng đối với thôn Khau Liêu, thẻ BHYT được bàn giao ngày 05/01/2018 đều đúng và đủ, không có thẻ bị cấp thừa.

(Công văn số 429/BHXH-CST ngày 31/8/2018 của Bảo hiểm xã hội tỉnh).

  1. Cử tri Mã Văn Kính, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn đề nghị:

10.1. Đẩy nhanh việc xây dựng Trung tâm Trị sự Phật giáo tỉnh.

10.2. Ngành y tế cần đánh giá sâu hơn về kết quả, hiệu quả khám chữa bệnh cho bệnh nhân: Chữa trị khỏi bệnh bao nhiêu? Chuyển tuyến trên bao nhiêu? (Trong báo cáo đã có tổng số lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân, song đánh giá việc chữa trị khỏi bệnh, chuyển tuyến trên chữa trị chưa có đánh giá).

10.3. Từ đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 sự cố y khoa (01 vụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 01 vụ tại Bệnh viện huyện Chợ Đồn) nhưng ngành y tế vẫn được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Đề nghị Hội đồng thi đua – khen thưởng tỉnh xem xét, rút kinh nghiệm trong việc đề xuất cá nhân, đơn vị được khen thưởng.

Trả lời:

Đối với kiến nghị 10.1: Việc triển khai xây dựng Trung tâm Trị sự Phật giáo tỉnh đã thực hiện kiểm đếm GPMB khu vực dự kiến xây dựng Trụ sở sinh hoạt của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, tuy nhiên hiện nay, còn gặp một số khó khăn như: Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Kạn chưa cung cấp thông tin về tổng mặt bằng xây dựng công trình; tại khu vực lập quy hoạch chi tiết khu dân cư Ngã ba Sông Lạnh có lưới điện cao thế 110KV đi qua trung tâm, gây mất an toàn. Do đó, ngày 10/9/2018, UBND tỉnh đã có Công văn số 4952/UBND-XDCB đề nghị Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Kạn sớm triển khai lập Tổng mặt bằng xây dựng công trình để sớm triển khai thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định.

(Công văn số 293/BC-UBND ngày 11/9/2018 của UBND thành phố Bắc Kạn)

Đối với kiến nghị 10.2: Trong thời gian qua, ngành Y tế đã thực hiện chế độ báo cáo hoạt động y tế hàng tháng, hàng quý, năm đầy đủ theo đúng quy định của ngành, trong đó có số liệu về báo cáo số lượt người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, số lượt người bệnh điều trị nội trú, số người bệnh điều trị nội trú khỏi ra viện và số lượt người bệnh chuyển tuyến (có trong các báo cáo hoạt động y tế hàng tháng của Sở Y tế). Tuy nhiên trong báo cáo kết quả hoạt động công tác y tế hàng quý và báo cáo năm của Sở Y tế chưa có số liệu đánh giá về số người bệnh điều trị khỏi bệnh và số lượt người bệnh chuyển tuyến do không khỏi bệnh như ý kiến của cử tri đã nêu. Sở Y tế xin tiếp thu và sẽ báo cáo nội dung này trong các báo cáo hoạt động công tác y tế hàng quý, hàng năm của đơn vị trong thời gian tới.

(Công văn số 1852/SYT-NVY ngày 30/8/2018 của Sở Y tế).

Đối với kiến nghị 10.3:

Năm 2017, ngành y tế không có tập thể nào được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, chỉ có 02 cá nhân (ông Bế Ngọc Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế và bà Hoàng Thị Lan, Trưởng khoa Phòng khám đa khoa, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn) được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do đã có thành tích trong công tác (giai đoạn từ 2013 đến 2017), góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 26/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thành tích trong công tác để xem xét và đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đối với 02 cá nhân nêu trên được tính từ năm 2013 đến năm 2017 (không tính năm 2018). Mặt khác, các cá nhân trên không liên quan trực tiếp đến 02 sự cố y khoa xảy ra vào đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh, do đó, không ảnh hưởng đến việc xem xét, đề nghị khen thưởng đối với các cá nhân.

(Công văn số 1219/SNV-TCBC&CCVC ngày 31/8/2018 của Sở Nội vụ).

Sở Công Thương

(Nguồn: Báo cáo số 401/BC-UBND ngày 19/9/2018 UBND tỉnh Bắc Kạn báo cáo Kết quả trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa IX)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005163
Views Today : 138
Views This Month : 3404
Views This Year : 11312
Total views : 71852
Language
Skip to content