Bệnh “sợ trách nhiệm” 

Ảnh minh họa 

Không phải bây giờ mới xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ biểu hiện của người mắc bệnh “sợ trách nhiệm” đó là: “Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.(1)

Biểu hiện của bệnh “sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên cũng được thể hiện trong Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách tuyển chọn nhiều bài viết tiêu biểu của người đứng đầu Đảng ta hiện nay, trong đó có bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm”, đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11/1973 với bút danh Người xây dựng. Tác giả bài viết nêu rõ: “Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Vì sợ trách nhiệm mà đi đến bảo thủ”.(2) 

Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động… Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể… Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.(3) 

Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao.(4) 

Trước tình trạng vi-rút “sợ trách nhiệm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có dấu hiệu lây lan trên diện rộng, nguy cơ gây cản trở sự phát triển. Phát biểu chỉ đạo tại các cuộc họp quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã truyền đi thông điệp: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.

Tại Phiên họp thứ Tư, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, chiều 21/02/2023, trước thực trạng tiến độ tổng thể nhiều dự án còn chậm, nhiều mốc tiến độ chưa hoàn thành, có dự án thiếu tinh thần trách nhiệm của các cán bộ liên quan khiến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phát sinh khối lượng, người đứng đầu Chính phủ – Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cương quyết: Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên để người khác làm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Ngày 06/7 vừa qua, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, Nhân dân. Thấy sai mà không dám nói thì cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa, là biểu hiện tiêu cực.

Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi bệnh “sợ trách nhiệm”

Tại Hội nghị của Bộ Nội vụ với các địa phương sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà – người đứng đầu ngành Nội vụ đã đề nghị toàn ngành Nội vụ tiếp tục đổi mới, quan tâm giải quyết kịp thời, hiệu quả tình trạng cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm. 

Để kịp thời cởi bỏ tâm lý cán bộ, đảng viên sợ sai, sợ trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đồng thời tạo cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung phải là công việc thường xuyên của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và cả hệ thống chính trị, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. 

Thể chế hóa chủ trương của Đảng được nêu trong Kết luận số 14-KL/TW, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Bộ Nội vụ đã xây dựng và đang hoàn thiện dự thảo Nghị định trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, địa phương, để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành hai Công điện (số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 và số 365/CĐ-TTg ngày 04/5/2023) nhằm chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền của một bộ phận cán bộ, công chức các bộ, cơ quan, địa phương…

Triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, ngày 09/5/2023, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết số 46-NQ/BCSĐ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trong Bộ Nội vụ. Nghị quyết nêu rõ: Người đứng đầu đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ: chủ động rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết; cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc; tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý bảo đảm chất lượng, nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ trong việc quyết định hoặc tham mưu đề xuất, làm ảnh hưởng đến kết quả công việc được giao thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng tiêu cực. Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng tương xứng đối với các tập thể, công chức, viên chức và người lao động quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ: Chấp hành nghiêm chế độ kỷ luật lao động, kỷ cương hành hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; giải quyết công việc theo đúng quy định; chịu trách nhiệm cá nhân về tiến độ, thời hạn, chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và của Bộ;… 

Căn cứ Nghị quyết số 46-NQ/BCSĐ, ngày 27/6/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-BNV về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra trách nhiệm trong xử lý công việc; kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, văn hóa, đạo đức công vụ đối với công chức, viên chức và người lao động trong Bộ Nội vụ, do Bí thư Ðảng ủy, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng làm Tổ trưởng. 

Tổ công tác có nhiệm vụ: 1) Giúp Bộ trưởng, Ban cán sự đảng Bộ kiểm tra trách nhiệm trong xử lý công việc; kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, văn hóa, đạo đức công vụ của người đứng đầu đơn vị và công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ. 2) Thông qua báo cáo của các đơn vị, kiểm tra trực tiếp và nghiên cứu, phân tích hồ sơ, tài liệu thu thập được, đánh giá trách nhiệm trong xử lý công việc; việc chấp hành kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, văn hóa, đạo đức trong thực thi công vụ của các đơn vị và công chức, viên chức, người lao động Bộ Nội vụ; nắm bắt tình hình chính trị nội bộ, những biểu hiện mất đoàn kết nội bộ hoặc có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến nội dung kiểm tra, kịp thời báo cáo và tham mưu, đề xuất Bộ trưởng, Ban cán sự đảng Bộ để chỉ đạo và xử lý theo quy định. 3) Định kỳ 06 tháng, hằng năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ trưởng, Ban cán sự đảng Bộ về kết quả kiểm tra;…

Gần đây nhất, kết luận tại Hội nghị của Bộ Nội vụ với các địa phương sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 (Thông báo số 3614/TB-BNV ngày 12/7/2023), một lần nữa, người đứng đầu ngành Nội vụ đề nghị toàn ngành Nội vụ tiếp tục đổi mới, quan tâm giải quyết kịp thời, hiệu quả tình trạng cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm (lưu ý công tác giáo dục chính trị tư tưởng; kỷ cương, kỷ luật; hoàn thiện thể chế, chính sách xử lý vi phạm). 

Việc kịp thời ban hành và triển khai thực hiện những văn bản nêu trên đã thể hiện sự cương quyết của người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nội vụ trong việc chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các bộ, cơ quan, địa phương nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng. Đây cũng là liều vắc-xin có tác dụng tấn công trực diện nhằm làm suy yếu sự lây lan của vi-rút “sợ trách nhiệm”, để một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện “chuyền bóng trách nhiệm” lên cấp trên hoặc đùn đẩy xuống cấp dưới phải chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao theo yêu cầu vị trí việc làm, tích cực chuyển hóa từ trạng thái “không nghĩ, không làm” sang “phải nghĩ, phải làm”, nếu không muốn đối mặt với các hình thức kỷ luật theo quy định.

Hiệu ứng bước đầu cho thấy, đến ngày 01/7/2023, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan. Theo đó, các bộ, cơ quan liên quan đã giải quyết 769/1.038 (đạt 74%) kiến nghị, đề xuất. Một số bộ, cơ quan đã giải quyết, trả lời 100% số kiến nghị, đề xuất nhận được, trong đó có Bộ Nội vụ. Các bộ, cơ quan có số lượng kiến nghị, đề xuất nhận được lớn và có tỷ lệ giải quyết, trả lời cao, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (161/177 đạt 91%), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (78/87 đạt 90%), Tài chính (148/200 đạt 74%). Các bộ, cơ quan cam kết sẽ khẩn trương nghiên cứu, giải quyết, trả lời, hướng dẫn đối với những kiến nghị còn lại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Những hiệu ứng tích cực trên cùng sự tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công chức, công vụ sẽ tạo sự yên tâm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh “sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vì nguồn gốc chủ yếu của bệnh “sợ trách nhiệm” chính là chủ nghĩa cá nhân; góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của các bộ, ngành, địa phương và cả nước./. 
——————
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.605.

(2),(3),(4) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2023, tr.466, tr.467, tr.468.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam