Căn cứ Nghị định số 107/2018/NĐ – CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, để chỉ đạo quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt một số nội dung sau:
– Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra báo cáo Bộ Công Thương kết quả kiểm tra bằng văn bản, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm (nếu có) và gửi kèm theo biên bản kiểm tra; Kiểm tra, giám sát thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn trong việc chấp hành quy định và tuân thủ chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; Phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo;
– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu xây dựng kế hoạch sản xuất lúa hàng năm đảm bảo an ninh lương thực và trở thành sản phẩm hàng hóa hướng tới xuất khẩu; chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến sản phẩm lúa gạo; Tổ chức triển khai hiệu quả chính sách về xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động cung ứng giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; Hướng dẫn các địa phương về cơ cấu giống, biện pháp kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng gạo đáp ứng nhu cầu của thị trường; Chủ trì, phối hợp với các địa phương theo dõi tình hình sản xuất, sản lượng thóc hàng năm. Tổng hợp báo cáo về sản xuất, sản lượng thóc hàng năm theo quy định;
– Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện các biện pháp bình ổn giá thóc, gạo theo quy định của pháp luật; Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khảo sát chi phí sản xuất và tính giá thành sản xuất lúa từng vụ theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính;
– Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn tiêu chí, phương pháp xác định sản phẩm gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP;
– Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí: Tuyên truyền, vận động, tổ chức nhân dân địa phương thực hiện sản xuất lúa theo quy hoạch và định hướng của Nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu thóc, gạo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo;
– Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất lúa theo kế hoạch; thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy trình sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ; sản xuất theo nhu cầu thị trường và đặt hàng của thương nhân, liên kết, hợp tác với thương nhân để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa hướng tới xuất khẩu. Chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng, theo dõi tình hình sản xuất, nắm sản lượng thóc, gạo để cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; tình hình hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trên địa bàn; Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng nhiệm vụ được giao./.
Kim Oanh (Sở Công Thương)