Bắc Kạn: Nhiều tiềm năng hợp tác đầu tư

Nằm trong vùng kinh tế Đông Bắc, tỉnh Bắc Kạn có nhiều lợi thế phát triển về công nghiệp, nông – lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng và du lịch. Với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư cùng những hướng đi, giải pháp cụ thể, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực tạo môi trường thuận lợi, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú

Bắc Kạn được tự nhiên ưu đãi cho nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội, Địa phương được đánh giá là một trong những địa phương giàu khoáng sản so với các tỉnh khác trong khu vực, nhất là về kim loại màu. Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh có tới 273 mỏ, điểm mỏ khoáng sản với 24 loại khoáng sản khác nhau có trữ lượng lớn như chì kẽm, sắt, vàng, đá vôi xi măng, đá trắng, thạch anh… Khoáng sản phân bố ở hầu khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn, Na Rỳ… Đây là một tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến khoáng sản nhưng chủ yếu là chế biến thô ở quy mô nhỏ. Với trữ lượng khoáng sản lớn, Bắc Kạn có triển vọng đầu tư chế biến sâu ở quy mô vừa và nhỏ để nâng giá trị các loại khoáng sản phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước và tiến đến xuất khẩu, đặc biệt là ngành sản xuất vật liệu xây dựng như: Xi măng, đá ốp lát, bột đá công nghiệp rất có triển vọng ở Bắc Kạn.

Bắc Kạn cũng có nguồn tài nguyên rừng, đất rừng và cảnh quan phong phú thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch. Tỉnh có trên 400.000ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng là trên 263.000ha, rừng tự nhiên trên 224.000ha, rừng trồng trên 39.000ha và đất chưa có rừng là trên 157.000ha. Bắc Kạn có vị trí địa lý ở vùng giao lưu giữa 2 khu hệ động, thực vật của vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc, đa dạng về địa hình, địa chất và dạng sinh cảnh. Rừng Bắc Kạn có hệ động, thực vật phong phú với nhiều nguồn gen quý hiếm. Ngoài khả năng cung cấp gỗ và các loại lâm sản, đây còn là một trong những trung tâm bảo tồn gen động, thực vật quý hiếm của các tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam. Hiện nay, tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 70%, cao nhất cả nước.

Đặc biệt, địa phương có thế mạnh về phát triển các loại nông sản hàng hóa chất lượng cao. Tỉnh đã có 5 sản phẩm nông nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ, cấp chỉ dẫn địa lý (Hồng không hạt Bắc Kạn, quýt Bắc Kạn) và nhãn hiệu tập thể (gạo Bao thai Chợ Đồn, miến dong Bắc Kạn, Gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn). Đây là những cây trồng thế mạnh, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản.

Bắc Kạn còn có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, trong đó nổi bật là Hồ Ba Bể nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể, đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và được ASEAN công nhận là Di sản thiên nhiên ASEAN. Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và phát triển du lịch Hồ Ba Bể, đồng thời phối hợp với tỉnh Tuyên Quang lập Hồ sơ trình Tổ chức UNESCO công nhận Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể – Na Hang là Di sản thiên nhiên thế giới.

12
Du lịch sinh thái Hồ Ba Bể – điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư (ảnh sưu tầm)

Hồ Ba Bể là một trong số không nhiều hồ nước ngọt tự nhiên lớn và đẹp của thế giới trên các vùng núi. Tại đây có 21 tuyến điểm du lịch hấp dẫn, cùng với quần thể động, thực vật phong phú, đa dạng với các loài thân gỗ, hàng trăm loài phong lan, dược liệu quý hiếm, trên 300 loài động vật, trong đó có loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam như voọc mũi hếch, voọc má trăng, kết hợp với nhiều dạng địa hình castơ, hang động, thác nước tạo nên một khu du lịch hấp dẫn, đặc biệt là du lịch sinh thái, một xu thế du lịch đang ngày càng phát triển mạnh ở trong nước và trên thế giới.

Bên cạnh đó, Bắc Kạn còn có nhiều di tích lịch sử được hình thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với các địa danh được xếp hạng cấp Quốc gia như Khu ATK huyện Chợ Đồn, di tích lịch sử Nà Tu (xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông), Di tích đồn Phủ Thông (huyện Bạch Thông), cùng với nhiều loại hình văn hoá dân gian, lễ hội, sản phẩm lưu niệm truyền thống của các dân tộc thiểu số đã hình thành kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, hẫp dẫn. Đồng thời kết hợp với các khu du lịch lịch sử của các tỉnh lân cận như Khu ATK Định Hoá (Thái Nguyên), khu di tích Tân Trào (Tuyên Quang) rất thuận lợi cho việc hình thành các tour, tuyến du lịch lịch sử, du lịch văn hoá…

Cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư

Với nhiều điểm thuận lợi như tiềm năng về đất đai, tài nguyên khoáng sản, nông lâm nghiệp, du lịch, thế nhưng, trước đây, nhiều người vẫn chưa biết tới Bắc Kạn bởi quá xa xôi, cách trở, từ Hà Nội đến Bắc Kạn ít nhất cũng phải mất 4 tiếng đồng hồ. Từ khi tuyến đường Chợ Mới – Thái Nguyên hoàn thành, đi vào khai thác đã rút ngắn khoảng cách, bảo đảm kết nối Bắc Kạn với các địa phương trong vùng, với thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện cho sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn. Hơn nữa, hiện nay tỉnh đã có chủ trương đầu tư tuyến đường cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn. Cùng với đó là hệ thống giao thông nội tỉnh được đâu tư xây dựng khá đồng bộ. Đây là điều kiện tạo đà dịch chuyển kinh tế – xã hội, góp phần quan trọng giúp Bắc Kạn mở rộng giao lưu kinh tế với các địa phương trong và ngoài khu vực.

Đối với việc phát triển khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I và hiện nay đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn II. Ngoài ra, Cụm công nghiệp Cẩm Giàng đang được chủ đầu tư đang khẩn trương thực hiện quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Để lĩnh vực công nghiệp của tỉnh phát triển hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, tháng 5/2017, UBND tỉnh phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017 – 2020, phấn đấu đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phù hợp với định hướng phát triển của vùng kinh tế các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Cùng với đó, hệ thống điện lưới quốc gia và hệ thống thông tin liên lạc đã được đầu tư khá toàn diện, rộng khắp. Nguồn điện và hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Sản lượng điện thương phẩm liên tục tăng qua các năm. Kết cấu hạ tầng ngành bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tương đối phát triển, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế thông suốt.

Môi trường đầu tư thông thoáng

Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo dựng môi trường thông thoáng, minh bạch trong đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Khi đầu tư tại Bắc Kạn, các nhà đầu tư sẽ được hưởng các mức ưu đãi nhất theo quy định hiện hành của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn cam kết thực hiện nhất quán, đồng bộ và ổn định chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư theo quy định. Cùng với đó, các cấp chính quyền địa phương có sự phối hợp trong thực hiện hỗ trợ các nhà đầu tư sau đầu tư.

Công tác cải cách hành chính được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Các thủ tục hành chính không cần thiết đã được đẩy mạnh rà soát và tinh giản; thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội, thủ tục cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư được rút ngắn, đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh họp với các sở ngành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư
Lãnh đạo tỉnh họp với các sở ngành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư

Đặc biệt, hàng tháng, hàng quý, lãnh đạo tỉnh đều tổ chức các buổi họp với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hoặc đi kiểm tra thực tế thăm nắm tiến độ triển khai từng dự án để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng cũng như các khó khăn phát sinh trong quá trình hoạt động, từ đó có những chỉ đạo sát sao, hỗ trợ doanh nghiệp. Với nhiều nỗ lực, tỉnh Bắc Kạn đang tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, sát cánh cùng doanh nghiệp, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bền vững tại tỉnh.

Có định hướng phát triển cụ thể

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn XI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định rõ mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, đưa Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực”. Để sớm hoàn thành mục tiêu này, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều hướng đi và giải pháp thúc đẩy phát triển toàn diện. Xác định rõ nông, lâm nghiệp vẫn là mũi nhọn thúc đẩy kinh tế nên tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, liên kết chế biến, quảng bá thương hiệu sản phẩm như: Miến dong, cam, quýt, hồng không hạt… Tỉnh cũng tập trung thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới.

Lĩnh vực công nghiệp cũng được thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Khu công nghiệp Thanh Bình sẽ là trung tâm để công nghiệp Bắc Kạn phát triển chính vì vậy tỉnh đang khẩn trương đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II, đặc biệt là phải giải quyết sớm về vấn vấn đề giải phóng mặt bằng. Xây dựng cơ bản sẽ tập trung xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ theo mục tiêu kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020; phát huy hiệu quả của đường Thái Nguyên – Chợ Mới; tăng cường công tác vận động nguồn vốn ODA, và các nguồn vốn từ các chương trình, dự án tài trợ trên địa bàn.

Về lĩnh vực du lịch sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch xây dựng Khu du lịch Ba Bể đến năm 2030; phối hợp với Tổng công ty du lịch Sài Gòn đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và phát triển du lịch Hồ Ba Bể, tăng cường thu hút các nhà đầu tư mới vào đầu tư tại Khu du lịch Ba Bể.

Hiện nay, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn. Trong giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu của Bắc Kạn là xây dựng môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Để thực hiện được mục tiêu này, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 26/4/2016 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, Bắc Kạn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính có liên quan đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm của doanh nghiệp và của nền kinh tế tỉnh Bắc Kạn; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư; hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn miễn phí các thủ tục, chính sách ưu đãi đầu tư; quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, các khu đất phi nông nghiệp để chủ động thu hút đầu tư.

Với những hoạch định cụ thể và tiềm năng thế mạnh sẵn có, tỉnh Bắc Kạn đã và đang phát huy nội lực, đồng thời có chính sách khuyến khích mở rộng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương để góp sức xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển./.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005168
Views Today : 38
Views This Month : 4145
Views This Year : 12053
Total views : 72593
Language
Skip to content