Tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em (Thông báo số 324/TB-VPCP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ); nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh, vừa qua, ngày 17/10/2018 UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản số 5833/UBND-THVX về việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ trẻ em.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 25 quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; tạo lập cuộc sống an toàn cho trẻ em bằng các hình thức phù hợp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành ở địa phương, cơ sở giáo dục trong việc bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; Triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến địa bàn dân cư. Có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật. Biểu dương, nhân rộng những nhân tố tích cực, những mô hình, điển hình tốt về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em; Quan tâm xây dựng, bố trí, tạo thêm không gian vui chơi cho trẻ em (sân chơi và các thiết chế văn hóa phù hợp).

Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và nhóm liên ngành về công tác bảo vệ trẻ em; Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý (ở những nơi chưa bố trí). Tổ chức kiện toàn, thành lập Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đứng đầu, thành viên gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, Công an xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; Trưởng thôn (xóm, bản, tổ dân phố), cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em; Chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí nguồn lực bảo đảm cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; thường xuyên tự kiểm tra, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát đánh giá cơ sở về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.

Với nội dung trên, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện và định kỳ (6 tháng, 01 năm), báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

Lương Thị Quyên – Sở Công Thương




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005168
Views Today : 33
Views This Month : 4140
Views This Year : 12048
Total views : 72588
Language
Skip to content