Tín chỉ carbon: Tiềm năng lớn từ rừng Bắc Kạn

Với độ che phủ rừng 73,38%, trong đó có 271.804,94 ha rừng tự nhiên, 102.222,18 ha rừng trồng, hiện rừng Bắc Kạn đang là bể chứa carbon khổng lồ. Đây là nguồn lực mới đóng góp cho việc bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời cũng là lợi thế để tỉnh thu hút đầu tư xanh.

Lợi thế về thị trường kinh doanh tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Để chuẩn bị tham gia thị trường tín chỉ carbon, Chính phủ đã thực hiện các bước chuẩn bị để thí điểm giao dịch từ năm 2025 và năm 2028 trở đi sẽ phát triển sàn giao dịch carbon trong nước và cả quốc tế. Trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

Theo Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang có tới 50 triệu tín chỉ CO2 rừng có thể đem bán mỗi năm. Với giá bán 5USD/tín chỉ, tương đương 250 triệu USD/năm – một nguồn thu lớn từ rừng. Hiện trên cả nước có khoảng 3 vùng đã sẵn sàng bán tín chỉ carbon từ rừng. Vùng có trữ lượng lữu giữ carbon lớn nhất là vùng Đông Bắc với 21 triệu tấn carbon mỗi năm. Trong đó, Bắc Kạn là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên vào loại lớn nhất trong các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc. Hiện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được đánh giá rất tốt, môi trường nước đều nằm trong giới hạn cho phép. Cụ thể, cường độ tiếng ồn và hàm lượng các chất gây ô nhiễm (CO, NO2, SO2, Bụi TSP) có ở môi trường không khí tại các vị trí quan trắc đều thấp hơn giá trị cho phép; tỉnh không có điểm nóng về ô nhiễm không khí; không có khu vực ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Bắc Kạn đang nằm trong 10 tỉnh có Chỉ số Xanh (PGI) cao nhất cả nước với 16,48 điểm, xếp hạng 7/63 tỉnh thành phố. Đây là một lợi thế nữa để Bắc Kạn thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh doanh bền vững trong thời gian tới.

Với những ưu thế này, Bắc Kạn sẽ có nhiều lợi ích khi tham gia thị trường kinh doanh tín chỉ carbon. Cụ thể, về kinh tế, giao dịch tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn thu bổ sung bằng ngoại tệ cho việc bảo vệ và trồng rừng, tăng cường độ che phủ, bảo tồn và gìn giữ tài nguyên rừng; góp phần tăng ngân sách địa phương, tăng thu nhập của người trồng rừng và bảo vệ rừng.

Về môi trường, sẽ giảm phát thải khí nhà kính của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nỗ lực của cộng đồng quốc tế liên quan đến giảm nhẹ biến đổi khí hậu; đồng thời nâng cao chất lượng của hoạt động bảo vệ rừng và trồng rừng trên địa bàn tỉnh thông qua việc hình thành, đưa vào hoạt động hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra cấp dự án.


Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rì

Chuẩn bị chu đáo để tham gia thị trường tín chỉ carbon

Hiện nay, dù thị trường tín chỉ carbon chưa vận hành, một số quy định về hàng rào thương mại liên quan đến tín chỉ các bon của các nước nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam chưa chính thức áp dụng, song một số doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động sản xuất xanh, giảm phát thải khí carbon.

Cùng với đó, Bắc Kạn triển khai hàng loạt các giải pháp giảm hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là bảo vệ rừng, trồng rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bắc Kạn coi rừng là tài nguyên, lợi thế của tỉnh trong việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế. Do đó, nếu thị trường tín chỉ carbon được hình thành sẽ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng của tỉnh; người trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng có thêm nguồn thu từ tín chỉ carbon. Những năm qua, Bắc Kạn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho rừng trồng, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng để bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn ngừa hiệu ứng nhà kính.

Trong Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Kạn đã xác định đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 3 trọng tâm gồm: Phát triển thị trường tín chỉ carbon; phát triển điện sinh khối; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác.

Theo đó, để tiếp tục duy trì lợi thế và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon, Bắc Kạn sẽ tập trung nâng cao giá trị của rừng bằng các biện pháp chuyển đổi cây gỗ từ cây có giá trị thấp sang cây có năng suất cao, chất lượng gỗ tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trồng xen dưới tán rừng các loại cây dược liệu và các loại cây khác mang lại thu nhập cho người trồng như gừng, nghệ… Kết hợp kinh tế lâm nghiệp với các hoạt động kinh doanh khác như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăn nuôi gia súc, nuôi ong, lợn rừng… Thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn để tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đồng thời khai thác hiệu quả các giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng và các loại dịch vụ khác, phát triển các mô hình nông, lâm kết hợp, gắn với khai thác rừng bền vững, du lịch sinh thái. Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quản lý bền vững.

Cùng với đó, thông qua chương trình khuyến nông, khuyến lâm, giúp các doanh nghiệp và bà con nông dân tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông lâm kết hợp nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo ra các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung cho công nghiệp chế biến.

Ứng dụng công nghệ viễn thám vào trong điều tra theo dõi quản lý rừng. Ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới trong lĩnh vực chế biến và bảo quản lâm sản, thông qua liên doanh, liên kết, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nhựa thông, mủ cao su, gỗ rừng tự nhiên, rừng trồng, các sản phẩm phi gỗ khác như dầu quế, dầu hồi… Ngừng việc cấp mới và không tiếp tục cho gia hạn hoạt động đối với các nhà máy, doanh nghiệp chế biến gỗ dăm, gỗ băm dăm sau khi hết hạn giấy chứng nhận đầu tư theo quy định…

Xây dựng lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn để có kế hoạch khả thi triển khai thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh, góp phần bổ sung nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước nhằm triển khai các dự án xanh… Chuẩn bị nhân lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện cần thiết để vận hành sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Tuyên truyền đúng, đủ về phát triển thị trường carbon tự nguyện và thị trường carbon tuân thủ./.




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005171
Views Today : 17
Views This Month : 4431
Views This Year : 12339
Total views : 72879
Language
Skip to content