Kết quả thực hiện công tác phòng, chống thiên tai năm 2019

Nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng của sự cố thiên tai và tầm quan trọng của công tác ứng phó sự cố thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Trong năm 2019, Sở Công Thương đã luôn tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019; thực hiện nghiêm túc chế độ ứng trực, thường xuyên theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác bảo đảm được chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng cơ động ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn không để bị động, bất ngờ. khi có thiên tai, bão, lũ đã chủ động tham gia cùng các đoàn công tác của tỉnh đến với các địa phương bị ảnh hưởng để kịp thời động viên, tham gia triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục tại những khu vực trọng điểm theo chức năng, nhiệm vụ của ngành Công Thương. Trong năm, Sở đã triển khai các nội dung cụ thể như sau:

– Thực hiện Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 06/5/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Phương án Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn năm 2019, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 189/KH-SCT ngày 13/5/2019 phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019. Theo đó, Giám đốc Sở đã yêu cầu các phòng, đơn vị thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, công tác tham mưu theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc phối hợp triển khai các phương án PCTT và TKCN của tỉnh và của Sở đã xây dựng; thực hiện nghiêm các biện pháp ứng phó khi có các tình huống thiên tai, bão, lũ khi xảy ra trên địa bàn đồng thời làm tốt công tác phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác PCTT và TKCN; cử thành viên Ban lãnh đạo Sở tham gia Tiểu ban giúp việc cho Ban Chỉ đạo diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Chợ Đồn năm 2019;

– Thực hiện Phương án số 199/PA-SCT ngày 21/5/2019 của Sở Công Thương về dự trữ một số mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống lụt bão năm 2019 tỉnh Bắc Kạn, Sở đã chủ động rà soát phương án dự trữ, huy động lương thực, hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phù hợp với từng khu vực với mục tiêu không để thiếu hàng, sốt giá. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có kinh doanh mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh xây dựng phương án và triển khai thực hiện phương án dự trữ hàng hóa (đặc biệt với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, lương khô, mì ăn liền, nước uống, nhiên liệu, vật liệu xây dựng …) đảm bảo sẵn sàng khả năng cung ứng tại chỗ, đáp ứng nhu cầu khi có thiên tai xảy ra;

– Ban hành văn bản số 514/SCT-ATNL ngày 29/5/2019 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 07/5/2019 của Bộ Công Thương về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, văn bản số 801/SCT-QLTM ngày 08/8/2019 về việc thực hiện phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2019. Theo đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành đập hồ chứa bùn thải quặng đuôi các nhà máy tuyển quặng trên địa bàn tỉnh kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn công trình đê, đập của hồ chứa bùn thải quặng đuôi; các đường ống dẫn nước, bùn thải về hồ và đường ống dẫn nước từ hồ chứa ra bên ngoài hiện có, nếu phát hiện các bất thường phải tổ chức khắc phục ngay, nhằm bảo đảm an toàn, tránh gây sự cố vỡ đập, sạt lở, thấm… của đê, đập hồ chứa bùn thải; rà soát thiết kế, tính toán lại khả năng chịu tải của đê, đập hồ chứa bùn thải với khối lượng bùn thải hiện có để có kế hoạch sửa chữa, bổ sung; việc nâng chiều cao thân đập nhằm tăng dung của tích hồ chứa phải được các cơ quan chức năng thẩm định theo quy định; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình đê, đập hồ chứa thải; xây dựng phương án phòng, chống cho trường hợp tràn bùn do mưa lớn và sự cố vỡ đê, đập hồ chứa bùn thải. Tăng cường các biện pháp an ninh khu vực đê, đập hồ chứa thải và thực hiện tốt các phương pháp bảo đảm an toàn cho môi trường. Chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành đập hồ chứa thủy điện thường xuyên kiểm tra, quan sát trực quan tại hiện trường đập, hồ chứa nước nhằm phát hiện kịp thời các hư hỏng của đập, hồ chứa nước để chủ động đưa ra biện pháp khắc phục, sửa chữa tránh để xảy ra sự cố gây mất an toàn; Tổ chức thực hiện tốt quy trình vận hành hồ chứa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra đánh giá an toàn đập; chủ động rà soát, đề xuất với UBND tỉnh Bắc Kạn (thông qua Sở Công Thương) phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa phù hợp với thực tế; Củng cố số lượng, đánh giá năng lực chuyên môn của lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước của đơn vị;

– Ngoài ra, Sở còn tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình hầm lò, moong khai thác, hệ thống nhà xưởng; công trình, thiết bị điện; công trình thi công… của doanh nghiệp, đặc biệt tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động có các biện pháp khắc phục, gia cố và ứng phó, phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản;

– Tổ chức, bố trí lực lượng trực ban phòng chống lụt bão thường xuyên, kịp thời báo cáo, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng về tình hình mưa lũ và chủ động phối hợp với các lực lượng khác của địa phương tổ chức ứng phó, khắc phục và cứu hộ, cứu nạn trong suốt cả mùa mưa bão. Đồng thời thực hiện đầy đủ theo phương châm: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu qủa, trong đó lấy phòng, tránh là chính và tổ chức trực 24/24 giờ để theo sát với diễn biến của các cơn bão, nắm tình hình và dự báo các tình huống có thể xảy ra tại đơn vị, doanh nghiệp với phương châm “04 tại chỗ”.

* Kết quả sự cố thiên tai và công tác khắc phục thiên tai: Trong năm 2019, do ảnh hưởng hoàn lưu Cơn bão số 3, từ ngày 02/8 đến ngày 04/8/2019 trên địa bàn xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông xảy ra mưa to và mưa liên tục làm sạt lở đá tại mỏ đá Nà Cà thuộc Công ty CP Tư vấn đầu tư phát triển Hạ tầng (Công ty) quản lý. Sau khi nhận được thông tin, Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND xã Nguyên Phúc và Công ty tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường. Sự cố sạt lở vùi lấp 01 máy xúc nhãn hiệu Doosan 300 (do 01 khối đá lớn khoảng 300m3 đè bẹp máy xúc), 01 hệ thống tời, 01 máy khoan nhãn hiệu BMK3, 02 búa khoan nhỏ. Ngoài ra còn một số khối đá nhỏ lăn sang vườn trồng mỡ của hộ gia đình ông Trương Trung Ánh và hiện trường sạt lở có một số khối đá lớn đang nằm trên sân công nghiệp của mỏ và được chắn giữ bởi hệ thống đê chắn đá ngăn không cho lăn xuống khu nghiền sàng nằm sát đường giao thông liên xã Nguyên Phúc – Sỹ Bình. Sự cố sạt lở không có thiệt hại về người. Để thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn Công ty khắc phục hậu quả do sự cố sạt lở đá tại mỏ đá Nà Cà đảm bảo an toàn, đúng quy định, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 4705/UBND-KTTCKT ngày 22/8/2019 về việc xử lý sự cố sạt lở đá tại mỏ đá Nà Cà, xã nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động đôn đốc, hướng dẫn và theo dõi, giám sát Công ty CP Tư vấn đầu tư phát triển Hạ tầng thực hiện khắc phục sự cố đảm bảo tuyệt đối an toàn và theo đúng quy định.

* Tồn tại, hạn chế: Trong điều kiện kinh tế của tỉnh khó khăn không có nguồn kinh phí để dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ mùa mưa bão; các doanh nghiệp còn hạn chế về vốn kinh doanh, nhiều doanh nghiệp không để hàng tồn kho, dự trữ hàng quá lâu, mà phải tìm mọi cách đẩy mạnh bán ra, tăng vòng quay vốn, hàng hoá dự trữ cầm chừng. Vì vậy, lượng dự trữ hàng hoá thiết yếu chủ yếu là nằm trong dân và các đại lý bán buôn, bán lẻ trong tỉnh, số lượng ít, phân tán. Do đó khi có thiên tai lụt, bão bất chợt xảy ra hàng hóa trong kho của các doanh nghiệp có số lượng ít, không đủ hàng cung cấp cho người dân kịp thời.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn thi hành tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó về những nguy cơ, sự cố do thiên tai gây ra. Rà soát các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, chia cắt, đặc biệt các khu vực có thể bị chia cắt trong thời gian dài để xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, phương án khắc phục; rà soát, bổ sung kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ các hàng hóa cho nhân dân khi thiên tai, bão lũ xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, tổ chức ứng trực để kịp thời ứng phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra và sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị, địa phương  khi có yêu cầu. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban và báo cáo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

Hoàng Huyền (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005167
Views Today : 109
Views This Month : 4010
Views This Year : 11918
Total views : 72458
Language
Skip to content