Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Phương án Dự trữ và cung ứng hàng hóa ứng phó diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Ngày 02 tháng 8 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành Phương án số 484/PA-UBND về Dự trữ và cung ứng hàng hóa ứng phó diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu để ứng phó diễn biến mới của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh ban hành Phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa ứng phó diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với mục đích theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có biện pháp điều hành hoặc kiến nghị, đề xuất nhằm bình ổn thị trường đảm bảo đủ nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn; Đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao ở mức độ tiêu dùng tối thiểu cho người dân ở khu vực cách ly do dịch bệnh và phục vụ đời sống nhân dân khi xảy ra dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo các cấp độ dịch bệnh.

Để chủ động nguồn cung hàng hóa thiết yếu phòng khi dịch bệnh gia tăng, qua khảo sát một số doanh nghiệp, một số cơ sở kinh doanh lớn trên địa bàn; đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, kinh doanh từ 50-100% khi có yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, đồng thời sẵn sàng ưu tiên cung ứng hàng hóa vào địa bàn theo yêu cầu. Hiện tại các đơn vị luôn sẵn sàng cung ứng đủ nhu cầu để phục vụ nhân dân khi có các tình huống dịch diễn ra.

Đối với nguồn cung lương thực như thóc, gạo trên địa bàn tỉnh ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện nay, lượng thóc trong nhân dân còn khoảng 20.000 tấn. Ngoài ra, lượng gạo tẻ hiện dự trữ tại các cửa hàng xay xát, đại lý thóc, gạo khoảng 250 tấn gạo tẻ. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể huy động, chủ động sức lực toàn dân đóng góp thông qua trưng mua thóc gạo trong dân. Theo khảo sát, tại địa bàn các huyện, khu vực nông thôn cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu của người dân để gối đến vụ thu hoạch sau và mỗi hộ dân còn khoảng 1-2 tạ thóc dôi dư để dự phòng hoặc bán.

Về nguồn cung cấp thực phẩm: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các hộ gia đình đã tái đàn trở lại, sản phẩm tại địa phương chiếm khoảng 60-70% thị trường của tỉnh. Trong đó, có một số đơn vị chăn nuôi lớn như: Công ty CP Sản xuất VLXD Bắc Kạn: 400 tấn/tháng; Công ty TNHH Nam Huế: 20 tấn; HTX Nông nghiệp và dịch vụ Pác Nặm (Pác Nặm): 70 tấn; HTX Nhung Lũy (Ba Bể): 50 tấn; HTX Hùng Tuyết (Thôn Nam Đội Thân, thành phố Bắc Kạn): 10 tấn; HTX Trần Phú (xã Trần Phú, huyện Na Rì): 10 tấn; Hộ chăn nuôi lợn Hà Sỹ Thúc (xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn): 34 tấn. Tổng đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) 2.788.832 con; lượng hàng hóa tiêu thụ trên địa bàn trên 95% là sản phẩm địa phương, với tổng lượng dự trữ hiện tại khoảng 500 tấn thịt, đảm bảo cung cấp đáp ứng nhu cầu tại chỗ của nhân dân. Một số đơn vị cung ứng như Hợp tác xã Thanh Mai (xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới) có khả cung ứng 10 tấn cá; HTX Hà Anh (xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông) khả năng cung ứng 1 tấn cá; Hộ kinh doanh Hà Minh Giang (Bản Pẻn, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới) khả năng cung ứng 1 tấn cá.

Trường hợp cần cung ứng hàng hóa có thể sử dụng các mặt hàng thực phẩm đông lạnh (thịt, cá), thịt hộp, cá hộp và các thực phẩm chế biến khác như (chả, xúc xích…) tại các nhà phân phối như: đại lý hải sản Tiến Thu (5 tấn), Siêu thị VinMart Bắc Kạn (0,5 tấn), Siêu thị BK Mart (0,3 tấn). Ngoài ra, có thể nhập thêm từ các nguồn phân phối tại các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng….

Mặt hàng củ, quả như bí xanh, bí đỏ với sản lượng lớn, cung ứng tại chỗ khoảng 1.000 tấn bí xanh, 200 tấn bí đỏ. Siêu thị Vinmart có khả năng cung cấp rau, củ khoảng 0,7 tấn/ngày. Còn lại, rau được bán tại các chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ… Tại các khu vực nông thôn, lượng rau củ quả của người dân địa phương cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ trong trường hợp xảy ra dịch bệnh.

 Đối với các mặt hàng bao gói: một số nhà phân phối hàng lớn như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Huy; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Hùng BK, Nhà phân phối Thảo Nghi, Nhà phân phối Sinh Thành, Nhà phân phối Ngọc Cường, Nhà phân phối Tín Nghĩa,… cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường tỉnh. Các mặt hàng như mì tôm, phở gói do các nhà phân phối, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh cung ứng. Ngoài ra còn có mặt hàng Miến dong, phở khô, bún khô do các cơ sở trên địa bàn sản xuất cung ứng như sản lượng miến dong năm 2021 toàn tỉnh ước đạt 1.500 tấn. Mặt hàng phở khô, bún khô do các HTX, cơ sở sản xuất cung ứng khoảng 35 tấn bún, phở khô các loại.Các hàng hóa như muối, bột canh, dầu ăn, nước mắm, mì chính…hiện nay tồn kho tại các đại lý với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Trường hợp do có ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn tới ảnh hường từ phía các nguồn hàng không đủ cung ứng cần chủ động thông tin với các Sở Công Thương các tỉnh chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có nguồn hàng để đảm bảo cung ứng hàng hóa. Đồng thời, báo cáo Bộ Công Thương để có phương án điều động, cung ứng hàng hóa đảm bảo nhu cầu người dân trên địa bàn tỉnh.

Đối với mặt hàng trang thiết bị y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn, rửa tay đáp ứng nhu cầu sử dụng. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, nếu khan hiếm khấu trang y tế, Sở Công Thương sẽ liên hệ với các đơn vị sản xuất để đảm bảo cung ứng phục vụ công tác cách ly, chữa bệnh; nguồn sản xuất được trong nước đảm bảo nhu cầu tiêu dùng.

Nguồn dự trữ xăng dầu, gas phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân được 03 doanh nghiệp phân phối dự trữ khoảng 4.000m3 xăng dầu, 400 tấn gas các loại, cụ thể: Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn dự trữ và cung ứng tại hệ thống 25 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; DNTN Huấn Hòa dự trữ và cung ứng tại hệ thống 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Công ty TNHH Hoàng Tiến dự trữ và cung ứng tại hệ thống 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ dự trữ và cung ứng hàng hóa ứng phó diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 đối với từng cấp độ dịch bệnh. Giao Sở Công Thương theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao mùa dịch bệnh để kịp thời triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Phối hợp, báo cáo kịp thời với  Bộ Công Thương về thông tin về tình hình nguồn cung, giá cả để có phương án điều tiết, hỗ trợ các mặt hàng còn thiếu, khan hiếm trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác chống dịch; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để nắm chắc nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và một số mặt hàng phục vụ nhân dân để tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác đảm bảo nguồn cung hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn theo diễn biến, cấp độ dịch bệnh; Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm chắc tình hình dịch bệnh, tình hình thị trường, nhu cầu của người dân và có phương án đảm bảo nguồn hàng hóa, tổ chức bán hàng sẵn sàng phục vụ nhân dân trong mùa dịch bệnh; có phương án bố trí về con người, phương tiện để sẵn sàng điều phối vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân khi trên địa bàn có khu vực bị cách ly vì dịch bệnh; Nắm chắc nguồn hàng hóa dự trữ trong nhân dân để chủ động phối hợp Sở Công Thương tham mưu phương án huy động, trưng mua trong dân để cung ứng hàng hóa đối với vùng dịch bệnh, vùng phong tỏa, cách ly.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết để nắm chắc nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản thiết yếu và phối hợp thông tin hàng tuần về nguồn cung các mặt hàng nông sản gửi Sở Công Thương để tổng hợp, theo dõi và tính toán nhu cầu viện trợ khi cần thiết trong trường hợp dịch bệnh tại các cấp độ 3,4,5;

Giao Sở Y tế chủ trì, phối kiểm tra các đơn vị kinh doanh vật tư y tế về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết và chất lượng sản phẩm; Hướng dẫn người điều khiển phương tiện, bốc vác vận chuyển hàng hóa đảm bảo an toàn khi đi lại vùng có dịch bệnh.

Giao Sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện Phương án hoạt động vận tải hàng hóa vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và các quy định liên quan. Tạo điều kiện cho các xe chuyên chở hàng hóa hoạt động 24/24h đến các khu vực thiếu hàng hoặc vận chuyển hàng hóa đến khu vực cách ly vì dịch để cung ứng cho người dân. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan lựa chọn các điểm tập kết hàng hóa (nơi trung chuyển) thuận lợi cho việc giao nhận hàng và đảm bảo công tác phòng, chống dịch; tạo điều kiện cho phương tiện, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa nông sản thực phẩm tiêu thụ cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng đúng yêu cầu theo quy định đi tiêu thụ.

Các lực lượng Công an, quân sự chỉ đạo các đơn vị đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, phương tiện, tài sản ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dịch bệnh. Phối hợp bố trí lực lượng tham gia hỗ trợ vận chuyển, cấp phát, tiếp tế lương thực, thực phẩm vào các khu vực phong tỏa, cách ly y tế trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn: Xây dựng Kế hoạch đảm bảo nguồn cung sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn khi có dịch bệnh xảy ra theo các cấp độ. Tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh xuyên suốt, liên tục; có Kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa kịp thời tại các điểm bán để phục vụ nhân dân; Sẵn sàng phối hợp với Sở Công Thương điều tiết nguồn hàng, tổ chức cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt khi có xảy ra trên diện rộng theo yêu cầu của Tỉnh, Sở Công Thương.

Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)

 

 


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005167
Views Today : 116
Views This Month : 4017
Views This Year : 11925
Total views : 72465
Language
Skip to content